Nguồn nhân lực cao cho ĐBSCL

Lâu nay, khó khăn lớn nhất của ĐBSCL là thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao. Tỷ lệ cán bộ khoa học trên số dân trong vùng còn thấp. Liệu ĐBSCL có thể thay đổi được điểm yếu này?

Trong xu thế hội nhập quốc tế và dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thâm nhập vào cuộc sống từng ngày, việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận và tận dụng dòng chảy cuộc cách mạng 4.0 là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Khát vọng từ mô hình NNCNC

Có thể nói, khát khao lớn nhất của lãnh đạo các địa phương và người dân ĐBSCL trong sản xuất là ứng dụng NNCNC để nâng cao năng suất, hạ giá thành, tăng chất lượng, tăng giá trị nông sản. Tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), cây mía đang chuẩn bị phá sản, chỉ còn khoảng 4.000ha so với hơn 9.000ha trước đây. Nguyên nhân do mía rớt giá, nông dân phá bỏ diện tích trồng mía. Trường Đại học Cần Thơ đang kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu để khai thác đất đai ở đây trồng loại cây khác thay cho mía. Trong khi đó, tại Bạc Liêu những đánh giá ban đầu cho thấy nông dân huyện Hồng Dân nhờ ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp cao đã giúp đời sống nông dân thay đổi lớn. Mô hình trồng lúa Một Bụi Đỏ, nuôi cá chình... đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.

“Trong xu thế hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, cùng với chủ trương phải tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chúng ta phải ứng dụng NNCNC trong canh tác nông nghiệp và thủy sản”, GS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, nhận định. Theo GS-TS Hà Thanh Toàn, trường đang chuẩn bị đồng thời về con người, cơ sở vật chất và kế hoạch liên kết để thực hiện được các chương trình, dự án liên quan tới NNCNC phục vụ cho ĐBSCL và nhiều địa phương khác. Tất cả đầu tư của trường về NNCNC là phải gắn liền thực tiễn, liên kết với các địa phương và doanh nghiệp để thầy cô và sinh viên thực hành. 

Ứng dụng NNCNC hiện nay phổ biến nhất là của Israel và Nhật Bản, nhờ việc đầu tư nhà lưới và kỹ thuật canh tác phù hợp. Không ít doanh nghiệp trong nước đã đáp ứng được nhu cầu này. Hiện nhiều doanh nghiệp đang muốn khai thác đất đai phì nhiêu của ĐBSCL để làm ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị từ NNCNC. Được biết, nhiều địa phương trong vùng đang hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ xây dựng các mô hình ứng dụng NNCNC. Như Cần Thơ giao cho trường 10ha đất trong khu NNCNC khoảng 100ha ở huyện Cờ Đỏ để xây dựng mô hình gắn với trình diễn. Trường cũng ký kết hợp tác ứng dụng NNCNC với 5 tỉnh, thành và 20 huyện ở ĐBSCL. Nhiều người cho rằng, ĐBSCL sẵn có sản phẩm đặc thù mà thế giới không có, cần áp dụng kỹ thuật NNCNC để sản phẩm có giá cao, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Hy vọng từ “đôi cánh” đào tạo

Trong 10 năm trở lại đây, ĐBSCL đã “bùng nổ sự ra đời” của hàng loạt trường đại học. Đây là một tín hiệu vui cho giáo dục trong vùng, khi lớp trẻ có nhiều lựa chọn ngành học để đào tạo. Thế nhưng, chất lượng đào tạo sinh viên của một số trường đang bị “soi”, thậm chí một số nhà tuyển dụng đánh giá không cao. Và hơn lúc nào hết, nhiều người đang kỳ vọng vào điểm tựa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ thành phố Cần Thơ.

Tháng 8-2018, trong chuyến làm việc với Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc với Trường Đại học Cần Thơ. Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực phấn đấu và những kết quả đạt được của các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Cần Thơ đã có đóng góp lớn, thiết thực vào sự phát triển khu vực ĐBSCL và cả nước, nhất là trong cung cấp nguồn nhân lực với chất lượng ngày càng cao. 

“Trường Đại học Cần Thơ sẽ là một trong những thành viên của các trường đại học hàng đầu thế giới, là một trong những trường đại học kiểu mẫu của cả nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng. Điều này hoàn toàn có cơ sở. Hiện mỗi năm Trường Đại học Cần Thơ đào tạo, cung cấp cho  ĐBSCL trên 160.000 kỹ sư/cử nhân, 9.000 thạc sĩ và 100 tiến sĩ. Không chỉ là trường đại học hàng đầu trong khu vực, Đại học Cần Thơ là 1 trong 19 trường đại học trọng điểm của Việt Nam với 98 chuyên ngành đào tạo đại học. Trường hiện có 1.884 cán bộ, giảng viên và người lao động. Trong đó có 1.105 giảng viên có trình độ sau đại học, chiếm 95,11%, gồm: 11 giáo sư, 133 phó giáo sư, 236 tiến sĩ, 671 thạc sĩ.

Cũng trong tháng 8-2018, Tập đoàn FPT đã khánh thành giai đoạn 1 Khu tổ hợp đại học và Công viên Phần mềm FPT tại Cần Thơ. Dự án Tổ hợp Đại học và Công viên Phần mềm FPT là tổ hợp giáo dục - công nghệ cao đầu tiên tại khu vực miền Tây, có vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng. Dự án có quy mô 17,4 ha, đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc của 10.000 sinh viên đại học và 5.000 cán bộ, nhân viên. “Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và Việt Nam đang có cơ hội vươn lên một tầm cao mới, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò rất quan trọng. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành lâu dài cùng với địa phương để xây dựng nền tảng vững chắc cho thế hệ trẻ, trở thành trung tâm cung cấp nguồn nhân lực khoa học - công nghệ”, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, tự tin nói.

Nhiều người kỳ vọng Trường Đại học Cần Thơ cùng với việc ra đời Khu tổ hợp đại học và Công viên Phần mềm FPT sẽ tạo thành “đôi cánh”, chắp ước mơ cho nguồn nhân lực cao trong vùng. Nói là thế, nhưng để quá trình này diễn ra suôn sẻ đòi hỏi sự quyết tâm và gắn kết giữa các trường đại học với địa phương và doanh nghiệp. Nói như GS-TS Hà Thanh Toàn: “Trước hết, trách nhiệm của chính quyền trong việc quy hoạch sản xuất là rất quan trọng. Các tỉnh phải chuẩn bị kỹ từ nguồn nhân lực, chính sách quản lý, hỗ trợ để đáp ứng kịp nhu cầu của doanh nghiệp…”.

Tin cùng chuyên mục