Nguồn năng lượng sản xuất điện sạch bị lãng quên

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, sản lượng điện sản xuất từ ngành thủy điện có thể sẽ giảm ở mức 23% trong thập niên này nếu không có chính sách sâu rộng và thúc đẩy đầu tư tương xứng. 
Đập thủy điện Hoover Dam ở Mỹ
Đập thủy điện Hoover Dam ở Mỹ

Trong báo cáo vừa công bố mang tên “Tài trợ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển”, IEA khẳng định thủy điện là nguồn năng lượng lớn bị lãng quên trong ngành sản xuất điện sạch. IEA khuyến nghị, cần đưa thủy điện trở lại chương trình nghị sự về năng lượng và khí hậu nếu các quốc gia trên thế giới muốn nghiêm túc thực hiện các mục tiêu về loại bỏ hoàn toàn khí thải. Ngoài việc giúp sản xuất một lượng lớn điện năng ít khí thải carbon, các nhà máy thủy điện có thể tăng hoặc giảm sản xuất điện một cách rất nhanh chóng, cho phép sự phát triển nhiều hơn năng lượng gió và năng lượng Mặt trời.

Theo dự kiến, công suất thủy điện toàn cầu sẽ tăng 17% (230 gigawatt) trong thời gian từ năm 2021-2030, trong đó đứng đầu là các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ethiopia, thế nhưng tốc độ tăng trưởng này lại chậm hơn gần 25% so với tốc độ phát triển trong thập niên trước. Phân nửa tiềm năng phát triển của ngành thủy điện trên toàn cầu hiện vẫn chưa được khai thác, đặc biệt là tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành trên, IEA cho rằng, những nhà hoạch định chính sách cần giải quyết các rào cản và thiết lập những tiêu chuẩn chặt chẽ về tính bền vững nhằm đảm bảo tính khả thi của các dự án thủy điện và đảm bảo những dự án này thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư; qua đó giúp các dự án này vượt qua những trở ngại hiện vẫn tồn tại và nâng công suất sản xuất điện thêm 40% vào năm 2030. Báo cáo cho rằng, sự gia tăng mạnh mẽ trong đầu tư vào năng lượng sạch ở các quốc gia đang phát triển có thể làm giảm lượng khí thải, và năng lượng sạch là trọng tâm trong các chiến lược phát triển cũng như chuyển đổi.

Theo Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol, lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính ở nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng cao, tỷ lệ nghịch với các khoản đầu tư vào năng lượng sạch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nỗ lực của toàn cầu trong việc đạt được mục tiêu khí hậu và năng lượng bền vững. Để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, thế giới cần đầu tư cho năng lượng sạch mỗi năm tăng ít nhất gấp 7 lần, từ mức chưa đầy 150 tỷ USD trong năm 2020 lên mức hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Lượng khí carbon dioxide (CO2) liên quan đến năng lượng mà các nền kinh tế đang phát triển thải ra môi trường sẽ tăng thêm 5 tỷ tấn trong 20 năm tới, khiến đầu tư năng lượng sạch trở thành ưu tiên hàng đầu của thế giới.

Tuy nhiên, ông Birol cũng chỉ ra thực tế tình trạng thiếu vốn và thiệt hại về kinh tế do tác động của dịch Covid-19 đã cản trở cuộc chiến bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Ông nêu rõ, chỉ có 20% các khoản đầu tư vào năng lượng sạch đến được các nền kinh tế đang phát triển - vốn chiếm 2/3 quy mô dân số của thế giới, chiếm hơn 90% lượng khí thải gia tăng. Do đó có khoảng cách rất lớn giữa nơi có lượng khí phát thải nhiều với nơi dành đầu tư cho năng lượng sạch. Chính vì vậy, báo cáo kêu gọi hành động toàn cầu, đặc biệt là những nước giàu, nhiều nguồn lực, để tạo ra sự khác biệt.

Tin cùng chuyên mục