Nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá giảm

Việc người dân tại một số tỉnh, thành đổ xô mua hàng hóa thiết yếu đã dẫn đến thiếu hàng hóa tại một vài hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, các hệ thống bán lẻ đều khẳng định việc thiếu hàng chỉ mang tính cục bộ, bởi lượng hàng dự trữ trong kho của các hệ thống luôn đảm bảo cung ứng cho thị trường từ 3-6 tháng mà không bị gián đoạn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất lương thực, thực phẩm phải giảm công suất sản xuất do lượng hàng tồn kho quá lớn. 

Sức mua chỉ tăng cục bộ và ngắn hạn

Lý giải vấn đề này, về phía Bộ Công thương cho biết, do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sức mua chỉ tăng cục bộ tại một số địa phương và vào một thời điểm ngắn nhất định, không đủ để đẩy và duy trì sức mua tăng trưởng ổn định trên bình diện cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay. 

Chỉ tính riêng tại TPHCM - thị trường tiêu thụ lớn nhất nước, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 2 ước đạt 73.591 tỷ đồng, giảm 5,2% so với tháng trước và chiếm 30,75% trên tổng mức. Tại cuộc họp về cung ứng hàng hóa thiết yếu với các doanh nghiệp do Sở Công thương chủ trì, đại diện Công ty TNHH Trứng Ba Huân cho biết, do sau tết các trường học nghỉ dài ngày nên lượng trứng tồn kho rất nhiều.

Công ty nói riêng và các công ty sản xuất trứng, chế biến thịt gia cầm nói chung đã tham gia các chương trình khuyến mãi của hệ thống siêu thị nhưng sức mua vẫn giảm mạnh. Hệ quả là lượng hàng tồn kho quá nhiều, gây khó khăn cho DN. Cùng chung với thực trạng trên, đại diện Công ty Vissan cho biết, lượng sản phẩm chế biến của công ty đang tồn kho khá lớn, đủ để cung cấp cho thị trường tiêu thụ đến hết quý 1-2020. 

Nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá giảm ảnh 1 Nhiều hàng hóa thiết yếu đang được giảm giá mạnh tại hệ thống siêu thị nhằm kích cầu tiêu dùng

Trước tình hình nguồn hàng cung ứng mạnh nhưng sức mua không tăng nhiều, các DN đã bắt tay cùng hệ thống siêu thị tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng quà... nhằm tăng sức mua. Đơn cử như, tại hệ thống Co.opmart, khách hàng mua sắm trong khu tự chọn từ 400.000 đồng trở lên được tham gia hái lộc xuân Co.opmart và nhận ngay các bao lì xì giá trị hấp dẫn.

Với chương trình “Mua sắm hăng say, phiếu liền tay”, khách hàng ở cấp độ đồng/vàng/bạch kim mua sắm trong khu tự chọn từ 500.000 đồng trở lên được tặng phiếu mua hàng theo cơ cấu: hóa đơn 500.000 đồng tặng một phiếu mua hàng 30.000 đồng, hóa đơn 1 triệu đồng tặng 2 phiếu mua hàng 30.000 đồng. Hay như chương trình “Siêu ưu đãi”, khách hàng mua sắm trong khu tự chọn từ 400.000 đồng trở lên được mua một sản phẩm siêu ưu đãi trong ngày, hóa đơn 800.000 đồng sẽ được mua 2 sản phẩm.

Không chỉ vậy, để người tiêu dùng an tâm, không lo khan hiếm hàng, các hệ thống siêu thị Lotte, Saigon Co.op… luôn đảm bảo lượng hàng kho dự trữ, ước tính khoảng trên dưới 400 tỷ đồng. Gần đây nhất, các đơn vị còn gia tăng thêm tỷ lệ hàng dự trữ lên 15%-40% trong cuối tháng 2. 

DN lo lượng hàng tồn kho lớn

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, khẳng định, khác với tâm lý lo thiếu hàng hóa thiết yếu của người tiêu dùng, các DN sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm lại lo lượng hàng tồn kho quá lớn, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Theo nhận định của nhiều DN, việc thiếu hàng hóa thiết yếu, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm là không thể xảy ra.

Bởi có đến 90% nguồn nguyên liệu sản xuất thực phẩm chế biến là từ nội địa. Lượng hàng hóa thiết yếu sản xuất ngoài cung ứng trong nước thì còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Thế nhưng, do những tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước đã khiến cho lượng hàng xuất khẩu giảm mạnh. Các DN buộc phải đưa hàng ngược vào thị trường nội địa.

Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, sức tiêu thụ thị trường nội địa khá hạn chế, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương… với quy mô thị trường khoảng trên dưới 30 triệu người - không đáng kể so với công suất của hơn 5.000 nhà máy sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm đang hoạt động. Chính vì vậy, các DN đã phải giảm một phần công suất sản xuất để bớt lượng hàng tồn kho. 

Còn với sức mua tăng mạnh trong những ngày qua, theo các DN, vẫn không nhiều so với quy mô và khả năng sản xuất của DN hiện tại. Mặt khác, việc gia tăng sức mua chỉ diễn ra trong ngắn hạn vài ngày và tập trung một số ít loại hàng hóa thiết yếu, không đủ để duy trì ổn định cũng như tháo gỡ khó khăn của DN. Do vậy, kích cầu để tăng và duy trì sức mua ổn định nhiều loại mặt hàng vẫn là giải pháp cấp thiết mà các cơ quan chức năng cần sớm thực hiện để giải phóng nhanh lượng hàng tồn cho các DN. 

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, khẳng định cơ quan chức năng thành phố đang gấp rút làm việc với các chợ đầu mối và các chợ chủ lực khác nhằm nắm bắt tình hình cung cầu hàng hóa, tổ chức điều phối nguồn hàng, đảm bảo phục vụ đáp ứng theo nhu cầu của người dân.

Trước hết, ưu tiên di chuyển lượng hàng hóa thiết yếu đến những khu vực tỉnh, thành có sức mua tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tránh để thiếu hàng cục bộ, gây tâm lý hoang mang cho người dân. Mặt khác, giúp DN giảm nhanh lượng hàng tồn kho. 

Về lâu dài, các cơ quan chức năng đang xây dựng và triển khai kế hoạch tiếp xúc, làm việc tại cơ sở của các DN sản xuất kinh doanh, hiệp hội DN, các hội ngành nghề để nắm bắt thông tin, nhu cầu cần hỗ trợ cụ thể. Từ đó, có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời để DN không bị đuối sức.

Tin cùng chuyên mục