Người vùng biển cứu người vùng lũ

Lần đầu tiên, trước trận lũ đặc biệt lớn trong 70 năm qua, ngư dân vùng biển xã hải Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã huy động 15 thuyền đánh bắt gần bờ, thuê xe hàng chở hơn 10km hạ thủy đi cứu dân vùng lũ các xã ngập sâu của huyện Quảng Ninh.

Chị Nguyệt được đoàn ông Chương giải cứu
Chị Nguyệt được đoàn ông Chương giải cứu

PV Báo SGGP đã theo thuyền của ông Nguyễn Văn Truyền, chủ tàu kiêm thợ máy, lao vào dòng nước đi ứng cứu người dân vùng lũ. Ông Truyền nói: “Cả đời thuyền ngư dân không bao giờ vào vùng ruộng, đây là lần đầu tiên trong đời. Tuy thuyền bầu đánh lộng gần bờ ra biển thì nhỏ bé nhưng chạy trong lũ nó lại to nên rất mạnh, ca nô, bo bo cứu hộ không bì kịp mấy cái máy này, nên cứu người cả đêm vẫn không mệt”.

Cứu người trong lũ đặc biệt lớn

Trên thuyền ông Truyền còn có thêm cụ Phạm Vi cầm lái, Nguyễn Chương cầm chầm, đứa cháu là Nguyễn Nhất đứng mũi, và cụ Hoàng Văn Thiện dò đường, con nước.

Người vùng biển cứu người vùng lũ ảnh 1 Bà Kim, bà Cương - 2 chị em - mừng rớt nước mắt khi được cứu

Chuyến đi rất nhanh, tàu lao ra hướng về rốn lũ thôn Thế Lộc (xã Tân Ninh), cuối thôn có 7 người cần cứu giúp. Tiếp cận hiện trường, sóng đánh bay nhiều nhà dân ở xóm dưới của thôn, cập thuyền vào căn nhà nước ngập áp mái, chị Bùi thị Nguyệt nói như mếu: “Đêm qua gọi cứu hộ không được, nước lên sầm sập, được mấy tấn lúa vừa gặt tưởng ăn ngon, nhưng giờ nước lút mái, mất trắng".

Ông Chương vừa cầm cây dao lên tháo ngói, vừa mở góc đòn tay, rui, mè để chị Nguyệt chui ra.

Vừa ngồi xuống, chị nói: “Còn hai người bên trong, chồng tui và con gái”. Đoàn ông Chương lập tức cử thêm người bồng cả con và chồng của chị Nguyệt xuống an toàn rồi ân cần đưa bịch bánh nói ăn lấy sức rồi chút qua bên phía Dinh Mười có chị em đưa cho áo ấm, và  tìm chỗ nghỉ.
Con gái chị Nguyệt được đưa ra khỏi ngôi nhà bị ngập

Vừa cứu xong gia đình chị Nguyệt, nghe bên xóm ngoài phá Hạc Hải có tiếng kêu thất thanh "cứu với!". Ông Chương chỉ tay về phía đó, 4 con người co ro trên chiếc thuyền nhỏ trong ngôi nhà kiên cố lao ra. Đó là 4 người bà con Phan Thị Kim, Phan Thị Cương, Phan Hồng Văn, Phan Hồng Phong, cả 4 được đưa nốt lên thuyền.  

Phan Hồng Phong kể: “Về quê đám giỗ bố, cả mấy dì cháu làm ăn ở Lâm Đồng, lập nghiệp trong đó. Vậy mà mắc lũ 3 trận hơn 10 ngày, trận này là trận kinh hoàng nhất cuộc đời. Nhà giờ sập rồi nhưng phải đi nhờ thuyền ra đã, lúc nào lũ rút thì về dọn lại, chứ bám trụ 2 ngày không có gì ăn ngoài mì tôm sống”.

Bên xóm trong, có những tiếng gọi trên nhà 2 tầng kiên cố, ông Chương cho thuyền băng lũ. 

Căn nhà kiến cố này đang cưu mang gần 40 người giữa lũ xiết. Đấy là nhà của bác sĩ Phan Văn Thọ (Bệnh viện Đa khoa Dinh Mười) . Nhà anh to nhất xóm, xung quanh nước dập sát nóc, ai cũng bơi qua trú nhờ. Họ đã bám trụ ở nhà anh 10 ngày nay. Tầng 1 ngập sâu, gần 40 con người trong xóm leo lên tầng áp mái. 2 trận lũ trước anh chủ động lương thực, gạo cơm đầy đủ, nhưng trận lũ lớn này đang thiếu nặng.

Ông Chương hỏi những người này có muốn chạy khỏi vùng rốn lũ hay không? Nhưng tất thảy muốn bám trụ với bác sĩ Thọ vì họ nghĩ còn nhiều người khác cần giúp đỡ hơn.

Ông Chương nghe vậy liền nhắn bác sĩ Thọ ra lấy chục gói bánh tiếp tế phần nào cho mọi người.

Bác sĩ Phan Văn Thọ, người cưu mang gần 40 người trong lũ ở thôn Thế Lộc

Thuyền rời đi, ra giữa dòng Kiến Giang, chân vịt bật cây gỗ trôi, gây gãy. Thuyền chòng chành. Ông Chương yêu cầu thả neo, nói mọi người bình tĩnh. Ông lặn xuống đục đục 2 lần, bánh được làm lại, thuyền vẫn chạy sau 30 phút sửa chữa. Mọi người được một phen hú hồn. Khi 7 người cập được bến Dinh Mười, xã Duy Ninh, họ bắt tay từng người gửi lời cám ơn. Ông Chương nói: “Anh em mình cả mà. Bọn tui đi cứu bà con bên ấy tiếp, ngày mai vẫn đi, ai cần thì cứ gọi điện thoại”.

Người vùng biển cứu người vùng lũ ảnh 4 Chân vịt gặp sự cố, phải sửa hơn 30 phút, ngư dân Hải Ninh động viên bà con yên tâm
Tối 19-10, mưa lũ vẫn trắng trời, 15 chiếc thuyền nan của ngư dân Hải Ninh vẫn chạy hết công suất cả ngày rồi sang đêm để cứu được càng nhiều người các tốt. Họ đã cứu cả ngàn dân chạy lũ trong đêm tối, đó là kỳ tích mà người miền Hải Ninh nói “bình thường” nhưng dân vùng lũ xem như tái sinh cuộc đời trong trận đại hồng thủy này.

Tin cùng chuyên mục