Người Việt ngày càng tin dùng hàng Việt

Theo nghiên cứu vừa công bố của Công ty Nielsen Việt Nam, 17% người Việt cho biết chỉ mua hàng tiêu dùng nội địa và 59% nói rằng họ đa phần mua hàng tiêu dùng nội địa, cao hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu. Điều này mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất địa phương, nhất là ngành bán lẻ thời hậu Covid -19.
Mua áo quần sản xuất trong nước tại siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG
Mua áo quần sản xuất trong nước tại siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG

76% người tiêu dùng ưa chuộng hàng nội địa

Với chủ đề các viễn cảnh cuộc sống hậu Covid-19, Công ty Nielsen (công ty dẫn đầu về đo lường và thông tin thị trường) cho rằng, các sản phẩm có nguồn gốc địa phương là một trong các động lực quan trọng tác động hành vi và thói quen mua sắm của người tiêu dùng sau dịch bệnh.

Người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt Nam vì biết rõ nguồn gốc, và mong muốn hỗ trợ DN Việt ngày càng phát triển bền vững. Theo Nielsen, đây là một trong những mong muốn mới nổi lên ở các quốc gia trong mô hình phục hồi mà công ty nghiên cứu, đồng thời mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất địa phương. Tuy nhiên, nhà cung cấp địa phương cũng cần cung cấp sản phẩm có giá trị tốt phù hợp nhu cầu chung của người tiêu dùng, đảm bảo sự có mặt sản phẩm trên quầy kệ.

Theo báo cáo, trong quý 1-2020, gần một nửa người Việt xếp hạng sức khỏe là mối quan tâm số 1, dẫn đầu các nước trên thế giới. Do vậy, người tiêu dùng đang tìm đến sản phẩm được sản xuất với tiêu chuẩn an toàn, chất lượng. Gần 69% người Việt sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn, vượt xa mức trung bình toàn cầu là 49%. Nielsen cho rằng, dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều thói quen và hành vi của người tiêu dùng, cũng như tạo ra những xu hướng mới, từ việc chủ động mua sắm những sản phẩm an toàn cho sức khỏe cho đến việc trữ nguồn thức ăn thiết yếu tại nhà.

Khi người tiêu dùng tìm kiếm sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm thì một thương hiệu quen thuộc, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín là cách nhanh nhất để chạm đến nhu cầu này.

Theo khảo sát của Kantar World Panel, có 4 nhóm ảnh hưởng quan trọng đến tốc độ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam. Đó là, nhóm tiếp tục tăng trưởng là các mặt hàng liên quan đến Covid-19, sản phẩm sức khỏe và vệ sinh; nhóm ít bị ảnh hưởng, bao gồm mặt hàng liên quan đến các dịp ở nhà, nấu ăn và ăn vặt; nhóm tăng trưởng chữ V gồm mặt hàng dự trữ trong ngắn hạn, nhu yếu phẩm sử dụng lâu dài và nhóm tăng trưởng chữ U gồm các mặt hàng không thiết yếu và không thường xuyên dùng (mỹ phẩm, đồ uống có cồn, nước hoa…).

Chỉ số niềm tin duy trì ở mức cao

Nielsen cũng chỉ ra rằng, trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã chứng kiến sự sụt giảm 12%, phần lớn đến từ kênh truyền thống. Nguyên nhân do thói quen người tiêu dùng thay đổi, khi chuyển sang tiêu dùng tại nhà, thay vì ăn uống bên ngoài như trước đây.

Riêng kênh hiện đại xu hướng ngược lại, với sự tăng trưởng kéo dài liên tục từ đầu năm đến nay, tăng 23% trong giai đoạn này. Khác với những lĩnh vực khác, người Việt có thể trì hoãn về du lịch hay các dịch vụ giải trí, nhưng ngành hàng FMCG vẫn nhiều cơ hội, bởi sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu hầu như không thể thay đổi. Theo Nielsen, sự phục hồi và tăng trưởng của ngành bán lẻ Việt Nam có thể càng khả quan hơn, bởi chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt trong quý 1-2020 vẫn duy trì ở mức cao, đứng tốp 4 trên thế giới. Niềm tin này giúp gia tăng kỳ vọng vào sức mua hàng hóa, thúc đẩy ngành bán lẻ tăng trưởng.

Trước đó, chia sẻ báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar World Panel, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh Kantar Vietnam World Panel, cho biết, chi tiêu cho nhóm tiêu dùng nhanh tăng trưởng hai con số trong 4 tháng đầu năm 2020, đặc biệt ở khu vực thành thị. Giỏ hàng trong mùa dịch được nạp đầy với ba nhóm chính: thực phẩm cần thiết, tiện lợi; các sản phẩm vệ sinh và sản phẩm giúp tăng cường sức khỏe. Với chiến dịch “stayhome”, những mặt hàng liên quan đến nhu cầu kết nối, các nhu cầu xã hội như đồ ăn vặt, các sản phẩm giúp đơn giản hóa việc nấu ăn, sản phẩm chăm sóc cá nhân cũng cho thấy sự tăng trưởng tích cực. Người tiêu dùng cũng chi tiêu cho các mặt hàng thuộc về thói quen như kẹo, cà phê, trà, sữa...

Tại thành thị, các mô hình bán lẻ mới nổi bao gồm siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và mua sắm trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nhóm hàng tiêu dùng nhanh. Trong đó, mua sắm trực tuyến được đánh giá cao ở tính tiện lợi và “hạn chế tiếp xúc”; siêu thị mini được chọn vị trí gần nhà cho các nhu cầu cơ bản trong một khoảng thời gian ngắn. Đối với các kênh siêu thị và đại siêu thị, số giao dịch tăng lên đáng kể trước khi lệnh giãn cách và được dự đoán sẽ còn tiếp diễn, dần về lại mức bình thường khi nhu cầu tích trữ hàng giảm.

Theo bà Nguyễn Phương Nga, tại Việt Nam, mọi người dân đang dần trở lên lạc quan hơn. Tuy nhiên, qua dịch bệnh, thu nhập của người Việt ít nhiều bị ảnh hưởng, giá cả hàng hóa do đó cũng trở thành vấn đề nhạy cảm hơn. Sự khác biệt về vùng miền hay giai đoạn sống cũng ảnh hưởng đến mức độ nhạy cảm về tình hình hiện tại. Do đó, sẽ có sự thay đổi trong mô hình tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh, tùy thuộc vào bản chất của thương hiệu và ngành hàng, cũng như khác biệt về địa lý và nhân khẩu học.

Tin cùng chuyên mục