Người Việt định cư ở nước ngoài và nhóm hộ gia đình không được giao làm chủ rừng ​

 
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 14-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi (được đề nghị đổi tên là Luật Lâm nghiệp).
 
Cần cân nhắc kỹ đối tượng được giao rừng sản xuất. Ảnh: Công Hoan
Cần cân nhắc kỹ đối tượng được giao rừng sản xuất. Ảnh: Công Hoan
Liên quan đến quy định về các chủ thể là chủ rừng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung "nhóm hộ gia đình", "người Việt Nam định cư ở nước ngoài" là chủ rừng. Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, trong hệ thống pháp luật hiện hành thì trách nhiệm pháp lý của nhóm hộ gia đình còn chưa được quy định rõ ràng; pháp luật về dân sự, hình sự cũng không quy định điều chỉnh đối tượng này, pháp luật về đất đai cũng không quy định giao, cho thuê đất đối với nhóm hộ gia đình. Do vậy, đề nghị không bổ sung đối tượng “nhóm hộ gia đình” này là chủ rừng để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, mặc dù Luật Bảo vệ và phát triển rừng hiện hành quy định là một loại chủ rừng, Luật Đất đai quy định đối tượng này được Nhà nước giao, cho thuê đất, song do quỹ rừng của nước ta còn rất ít (khoảng 2,7 triệu ha), trong khi nhu cầu được giao đất, cho thuê đất của người dân địa phương là lớn nên cần ưu tiên giao cho người dân tại chỗ để phát triển sản xuất, bảo đảm việc làm, ổn định đời sống người dân nơi có rừng. Trong trường hợp cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp thì vẫn có thể hợp tác, liên kết với các chủ rừng khác hoặc thành lập pháp nhân để đầu tư phát triển rừng.

Vì những lý do trên, Thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ban soạn thảo đề nghị không bổ sung quy định đối tượng này là chủ rừng trong Dự thảo Luật.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra nhiều điểm chưa thống nhất giữa dự thảo Luật Lâm nghiệp với Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học hiện hành và dự thảo Luật Quy hoạch (dự kiến được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, những quy định về hành vi cấm trong dự thảo luật này có liên quan đến pháp luật hình sự, nên thuật ngữ cần phải chính xác, đặc biệt liên quan đến phân loại rừng. Bà Lê Thị Nga đề nghị giữ nguyên cách phân loại rừng.

Dự họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa băn khoăn về độ “vênh” giữa Điều 135 của Luật Đất đai và nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai nhằm bảo vệ phát triển rừng sản xuất và rừng tự nhiên, Nghị định 01 có mở hơn là nơi chưa có tổ chức quản lý rừng thì có thể giao cho hộ gia đình cá nhân cộng đồng dân với dự thảo Luật Lâm nghiệp về thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất đai. Tương tự với Luật Đa dạng sinh học.  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, dự thảo Luật Lâm nghiệp đã tiếp thu nhiều ý kiến ĐBQH, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Ủng hộ việc đổi tên thành Luật Lâm nghiệp, song Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xem xét kỹ việc phải điều chỉnh các văn bản có dẫn chiếu luật hiện hành.

Về chủ thể là chủ rừng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải “cân nhắc rất kỹ” việc giao đất rừng sản xuất cho cộng đồng dân cư vì cộng đồng dân cư không phải là một chủ thể được quy định trong Bộ luật Dân sự.

“Sẽ rất phức tạp, khó khăn nếu xảy ra tranh chấp cần xử lý theo pháp luật dân sự. Ngoài ra, có đến 27 nội dung được giao Chính phủ quy định chi tiết là quá nhiều. Cần rà soát lại nội dung đã thực hiện ổn định trong các nghị định hiện hành để luật hóa, tạo thuận lợi cho việc thi hành”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Khi Hiệp định Đối tác tự nguyện (FLEGT) giữa Việt Nam và EU chính thức có hiệu lực thì bắt buộc các doanh nghiệp chế biến, thương mại gỗ khi xuất khẩu đều phải chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp. Do vậy, tiếp thu các ý kiến của ĐBQH, Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp, cấp giấy phép, giấy chứng nhận đối với lâm sản xuất, nhập khẩu; yêu cầu đối với chế biến động vật, thực vật rừng phải có nguồn gốc hợp pháp; quy định nghĩa vụ của cơ sở chế biến, thương mại lâm sản trong việc tuân thủ quy định của pháp luật; bổ sung quy định về chính sách phát triển chế biến, thương mại lâm sản… để phát triển chế biến và thương mại lâm sản, gia tăng giá trị lâm sản.   

(Trích Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật  Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội)

Tin cùng chuyên mục