Người truyền lửa cho bao thế hệ học sinh

Nhà văn - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký vừa ra đi sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Dẫu biết sinh lão bệnh tử, nhưng khi hay tin thầy mất, bao học sinh thế hệ 6X, 7X chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, xúc động. Nhớ về thầy, bao ký ức đẹp về một con người giàu nghị lực sống, đầy khát vọng cống hiến trong chúng tôi bỗng ùa về…
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh: Tư liệu

Tấm gương sáng ngời

Vào thập niên 60, 70, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, huy động hàng trăm máy bay B52 dội bom xuống nhà máy, công xưởng và làng mạc của ta nhằm hủy diệt nền kinh tế miền Bắc xã hội chủ nghĩa còn non trẻ, đồng thời hòng cắt đứt nguồn chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Lúc đó, lớp cha anh phải lo sản xuất, chiến đấu chống giặc, còn học trò nhỏ chúng tôi hàng ngày đội mũ rơm núp dưới hầm vừa học, vừa tránh bom đạn của kẻ thù. 

Những hôm trời mưa tầm tã, hầm bị ngập nước đến tận cổ, nhưng học sinh vẫn phải cắn răn chịu đựng để tránh bom rơi, đạn lạc. Vậy mà khi bước lên hầm, nghe cô giáo kể về tấm gương Nguyễn Ngọc Ký viết chữ bằng chân, học rất giỏi và vinh dự được Bác Hồ tặng thưởng Huy hiệu “Học sinh vượt khó”, chúng tôi vô cùng khâm phục. Từ đó, tấm gương Nguyễn Ngọc Ký trở thành huyền thoại và theo chúng tôi đến suốt cuộc đời. Thế hệ học sinh chúng tôi ngày ấy bảo nhau: “Nguyễn Ngọc Ký bị tật nguyền cả hai tay, phải viết chữ bằng chân mà vẫn học giỏi, tụi mình có đủ hai tay, hai chân mà học dốt thì hèn quá!”. Từ đấy, không ai bảo ai, học sinh toàn trường thực hiện một cuộc “thi đua ngầm” nhưng không kém phần sôi động và đầy hiệu quả…

Lớn lên, khi tấm gương Nguyễn Ngọc Ký được đưa vào chương trình sách giáo khoa, chúng tôi càng ngưỡng mộ người học trò đặc biệt ấy nhiều hơn, nhất là khi nghe tin Nguyễn Ngọc Ký thi đậu vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi thật sự xem đó là thần tượng của mình. Sau khi tốt nghiệp đại học ra trường, Nguyễn Ngọc Ký được Thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyên trở về quê hương Nam Định dạy học để “truyền lửa” cho các thế hệ học sinh khác bằng chính tấm gương vượt khó của mình. Nghe lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Nguyễn Ngọc Ký về dạy học tại Trường cấp 2 Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Nhờ cách giảng dạy tâm huyết nên bài giảng của thầy có sức thuyết phục rất lớn, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp “trồng người” của nước nhà. Sau này, nhiều học trò của ông đã trưởng thành và có mặt trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu chung là góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký giao lưu, ký tặng sách cho độc giả nhỏ tuổi. Ảnh: TƯ LIỆU


Còn mãi khát vọng sống…

Năm 1993, được biết thầy Nguyễn Ngọc Ký chuyển vào miền Nam, làm ở Phòng Giáo dục quận Gò Vấp, TPHCM, chúng tôi tranh thủ tìm gặp thần tượng của mình. Nhìn ông từ trang sách bước ra giản dị, gần gũi, giọng nói ấm áp, chúng tôi như gặp lại người thân từ lâu rồi. Ở ông luôn toát lên nghị lực vượt khó phi thường, tinh thần lạc quan, yêu đời và tràn đầy khát vọng sống. Chẳng vậy mà dẫu bệnh tật, nhưng ông vẫn miệt mài trên từng con chữ và cho ra đời hơn 30 đầu sách, 1.500 câu đố, bài thơ in thành 16 tập sách. Ông được mệnh danh là “Nick Vujicic của Việt Nam” và là một trong 24 tấm gương “Hạt giống tâm hồn” đã được vinh danh tại TPHCM.

Những năm gần đây, khi cả nước bước vào thời kỳ công nghệ 4.0, ông chuyển sang viết chữ trên máy vi tính bằng chân và hàng ngày cập nhật thông tin thời sự chẳng thua kém người khỏe mạnh. Lúc nào khát vọng sống, khát vọng cống hiến cũng đầy ắp trái tim ông, chỉ đến khi con tim ngừng đập ông mới chịu bất lực trước quy luật cuộc đời. Sự ra đi của ông để lại bao niềm tiếc thương khôn nguôi trong bao thế hệ học trò đi trước và cả mai sau.      

Những câu chuyện về người thầy Nguyễn Ngọc Ký nhiều không kể xiết, chỉ biết rằng ông mãi là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó phi thường để cho bao thế hệ học sinh trước đó, hôm nay và mai sau noi theo. Xin gửi tấm lòng tri ân đến người thầy đáng kính và cầu mong ông yên giấc ngàn thu…

10 năm trước, tại buổi giao lưu với học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3, TPHCM), hình ảnh thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký ngồi trên ghế cao, một chân giữ chặt tờ giấy, chân kia nhẹ nhàng điều khiển bút ký tên tặng học trò, trở thành ký ức không thể nào quên đối với các bạn học sinh lớp 1. Thầy không giảng bài học đạo đức, không bảo các bạn “làm gì”, hay “không nên làm gì”. Thay vào đó, là những lời tâm tình như người ông đang quan tâm đứa cháu nhỏ: “Viết chữ đẹp khó lắm không các con? Làm thủ công có khó không? Cố gắng một chút là xong ngay ấy mà”…, đã giúp khoảng cách thầy - trò như gần lại. 

Học sinh ríu rít vây quanh thầy Ký để được nhìn tận mắt chữ viết của thầy. Bài học đầu đời về nghị lực vươn lên trong cuộc sống đã đi vào tâm hồn các em một cách tự nhiên, chân thật. Ở một buổi giao lưu khác, khi được hỏi: “Tập viết chữ bằng chân có khó không thầy?”, thầy Nguyễn Ngọc Ký cười tươi: “Người không có tay đều làm mọi việc bằng chân mà”. Khiếm khuyết cơ thể chẳng những không phải là rào cản mà trái lại còn là động lực giúp thầy viết nên những trang mới trong cuộc đời.

Còn nhớ trong một lần đài truyền hình đến nhà phỏng vấn, dù giọng nói khàn đặc do ảnh hưởng của bệnh tật, mọi di chuyển trở nên khó khăn, nhưng khi được hỏi về tình trạng sức khỏe, thầy Ký vẫn lạc quan: “Cuộc sống quanh co khúc khuỷu đến đâu, nếu kiên nhẫn, ta vẫn có thể mọc cánh bay lên trời xanh”. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, thầy từng trả lời phỏng vấn, nghề giáo vốn đã mang trong mình nhiều áp lực, người thầy luôn phải giữ hình ảnh đẹp, chỉn chu trong mắt học trò. Nhưng áp lực đó đã trở thành động lực thúc giục thầy luôn cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để vượt lên chính mình ngày hôm qua. Với tâm niệm “Cuộc đời như áng mây trôi. Cứ buồn là lỗ, cứ vui là lời”, người thầy ấy đã chọn cho mình cách sống lạc quan, luôn hướng đến những gì tốt đẹp, nụ cười luôn nở trên môi đến giây phút cuối cuộc đời.

Sự ra đi của thầy Nguyễn Ngọc Ký khiến các em nhỏ mất đi một người bạn lớn, làng văn học mất đi một cây bút tài năng. Nhưng đâu đó trên bầu trời cao sẽ có thêm một áng mây trôi, tuy chậm rãi nhưng luôn hướng về phía mặt trời.

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký từng hai lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu cao quý về tấm gương vượt khó vào năm 1962 và 1963. Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam tặng ông danh hiệu “Người thầy đầu tiên của Việt Nam viết chữ bằng chân”. Năm 2013, ông là một trong 24 tấm gương “Hạt giống tâm hồn” của Việt Nam được vinh danh.

Linh cữu nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký được quàn tại nhà riêng, tại Khu dân cư Nam Long, phường Phước Long B, TP Thủ Đức.

Lễ nhập quan đã diễn ra vào 8 giờ sáng 28-9.

Lễ động quan diễn ra vào 14 giờ chiều 29-9.

Sau đó linh cữu được đưa đi hoả táng tại Phước Lạc Viên (Dĩ An, Bình Dương).

Tin cùng chuyên mục