Người trồng rau củ quả gặp khó

Khác với mọi năm, sau Tết Tân Sửu, giá rau củ quả ở các vùng chuyên canh lại giảm mạnh, bí đầu ra, khiến nông dân lo lắng. 
Người trồng rau ở xã Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) cắt bỏ rau xà lách quá lứa. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Người trồng rau ở xã Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) cắt bỏ rau xà lách quá lứa. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Nhiều nơi, nông dân phải cắt bỏ để chuẩn bị cho vụ trồng mới. Giá rau củ quả ở vùng nguyên liệu giảm nên nguồn hàng cung cấp về thị trường TPHCM giá cả ổn định. Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều nơi đang chung tay giải cứu nông sản cho nông dân Hải Dương.

Miền Trung: Rớt giá thê thảm

Sau Tết Tân Sửu, do thời tiết thuận lợi nên nguồn cung rau xanh ở các tỉnh miền Trung rất lớn, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, đẩy giá rau rớt thảm hại. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP tại thị trường miền Trung, nông dân trồng rau xanh khắp nơi đứng ngồi không yên vì giá rau tụt dốc không phanh. Rảo khắp các vựa rau xanh chuyên canh thuộc các xã Nghĩa Hà, Tịnh An, Tịnh Long, Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng (TP Quảng Ngãi), nông dân gần như bất lực trước giá rau rớt quá sâu, phần lớn bị cắt bỏ phơi đầy giữa ruộng. Nhiều đồng rau trở nên u ám, xác xơ.

Không khí làm việc của người nông dân nặng nề, mệt mỏi. “Số thì bị cắt bỏ, số rau khác thì già quá nên héo úa giữa ruộng; số còn lại thì mòn mỏi đợi thương lái, cũng hư hại. Chưa có năm nào, giá rớt thảm như năm nay. Hiện giá rau các loại chỉ nằm ở mức 1.000 - 2.500 đồng/kg, có loại rau rớt xuống chỉ còn 500 đồng/kg. Vừa rồi, gia đình tôi cắt được 60kg rau các loại, đỏ mắt tìm thương lái nhưng chỉ bán được trên 45.000 đồng, quá thảm!”, bà Nguyễn Thị Cảnh, đứng giữa vựa rau xanh xã Nghĩa Dũng nói như khóc. 

Còn tại các vựa rau củ ở ngoại ô TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), người dân cũng đang sốt ruột vì giá rau sau tết giảm mạnh. Rau xanh được đưa đến các khu chợ đầu mối với số lượng rất lớn, sức mua chậm khiến cho rau ùn ứ, thậm chí hư hại rồi vứt bỏ. Điều này khiến các thương lái mua rau cũng than trời vì lỗ nặng. Ngược ra làng rau Trà Quế (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), bà Hồ Thị Lào (69 tuổi) ngao ngán nói: “Tôi làm rau từ nhỏ đến bây giờ, chưa có năm nào rau rớt giá thê thảm như năm nay. Nhưng bây giờ cũng phải làm chứ không thể bỏ không đất. Bán ngoài chợ được bao nhiêu hay bấy nhiêu, không bán được thì đem về cho gà và cho heo ăn”.  

Theo các tiểu thương bán rau củ tại chợ Đông Ba (Thừa Thiên - Huế), mặc dù sức mua của người dân vẫn như trước tết, thậm chí có phần tăng vì giá giảm mạnh; tuy nhiên lượng rau đổ về chợ quá lớn nên xảy ra tình trạng ùn ứ. Vì là chỗ làm ăn buôn bán lâu năm nên khi bà con chuyên trồng rau đưa đến thì nhận để bán được chừng nào hay chừng đó. Ngoài ra, nguồn rau củ từ Đà Lạt đổ về khiến cung vượt quá cầu.

Trong khi đó, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), giá rau vẫn ở mức thấp khiến người trồng gặp nhiều khó khăn. Hiện cà tím có giá khoảng 1.000 đồng/kg, cà chua khoảng 2.000 đồng/kg, bắp sú tim 5.000 đồng/kg, xà lách cô rôn 6.000 đồng/kg, bó xôi 4.000 - 5.000 đồng/kg, cúc tần ô 9.000 đồng/kg, súp lơ xanh 2.000 đồng/cây. Thậm chí, nhiều nhà vườn đã phải cày, bỏ những luống rau vì nhu cầu thị trường giảm.

“Do nhu cầu bị giảm nên đầu mối ở các thành phố lớn yêu cầu chất lượng đồng đều hơn, rau xà lách nếu quá vài ngày sẽ không cắt đi được, người trồng buộc phải cày lên để chuẩn bị đất cho đợt trồng tiếp theo”, anh Khuê (phường 7, TP Đà Lạt) cho biết. Tình trạng rau củ ùn ứ cũng xuất hiện với cả những mặt hàng rau trồng công nghệ cao như rau thủy canh các loại. Anh Lê Đức (phường 8, TP Đà Lạt) cho biết: “Rau xà lách thủy canh chỉ ở mức khoảng 25.000 đồng/kg, rau cắt bán cũng chậm hơn nhiều, nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì cho hệ thống hoạt động”.

 TPHCM: Giá cả ổn định

Chiều 22-2 (nhằm ngày 11 tháng Giêng), trao đổi với PV Báo SGGP, đại diện hầu hết các chợ đầu mối tại TPHCM cho rằng, tết này là năm đầu tiên ngay sau tết giá bán hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều đã ổn định trở lại. Nguồn cung hàng hóa rất dồi dào, phong phú. Cụ thể, ông Tsàn A Sìn, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết, trong đêm 21-2, tổng lượng hàng về chợ đã đạt mức 2.200 tấn (gần bằng lượng hàng về chợ ở mức bình quân là 2.500-2.700 tấn/đêm) nhưng cung vẫn đảm bảo cầu. Trong đó, mặt hàng rau củ quả về chợ là 575,5 tấn/đêm.

Một địa điểm giải cứu nông sản Hải Dương tại Hà Nội . Ảnh: VĂN PHÚC

Giá bán các mặt hàng tương đối ổn định, có mặt hàng tăng nhưng sau đó giảm tùy thuộc vào sức mua. Chẳng hạn, hiện có 2 mặt hàng có mức giảm giá mạnh nhất trong đêm 21-2 là nấm rơm đen, giá bán sỉ từ 80.000 đồng/kg giảm còn 60.000 đồng/kg; hành lá từ 50.000 đồng/kg giảm còn 20.000 đồng/kg; ngược lại có 2 mặt hàng tăng giá là rau tần ô từ 15.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg và su su từ 4.000 đồng/kg lên 6.000 đồng/kg. 

Đại diện ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức cho biết thêm, lượng hàng hóa về chợ hàng đêm đã đạt mức hơn 3.000 tấn/đêm, trong đó phần lớn là nông sản từ các tỉnh. Giá các mặt hàng rau củ, trái cây, hoa tươi bán sỉ tại chợ có loại tăng có loại giảm tùy theo nguồn cung dồi dào hay khan hiếm ở các tỉnh đổ về. Tuy nhiên, khi về các chợ lẻ, tùy theo mức cầu của người tiêu dùng, cộng với chi phí vận chuyển, các mặt hàng sẽ được điều chỉnh mức giá bán khác nhau.  

Cũng theo ghi nhận của PV Báo SGGP, sức mua các mặt hàng để cúng lễ đầu năm như hoa tươi, trái cây, thực phẩm chay đã tăng khá cao. Tại cửa hàng hoa tươi Hằng (gần chợ Văn Thánh), khách hàng đến mua hoa và các loại tiền vàng, nến, nhang để cúng lễ tăng vọt. Theo chị Hằng, giá bán các loại cúc cắt cành, hoa huệ, ly, cát tường, lay ơn đã giảm so với ngày cận Tết Nguyên đán nhưng vẫn còn cao hơn so với ngày thường từ 5.000 - 10.000 đồng/bó. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lượng hoa cung ứng cho ngày rằm tháng Giêng không thiếu, nhưng do nhu cầu tăng vọt, cộng với chi phí bán hàng sau tết (đặc biệt là nhân viên) khiến giá hoa tươi vẫn còn tăng nhẹ.

Tương tự, giá bán nhiều loại trái cây cũng đứng ở mức cao hơn ngày thường từ 5.000 - 15.000 đồng/kg (tùy loại). Rằm tháng Giêng sắp tới cũng là mùa kinh doanh các loại thực phẩm chay. Chủ một cửa hàng bán thực phẩm chay (quận 3) cho hay, thực phẩm chay vẫn giữ giá như năm ngoái, nhưng các dòng sản phẩm đa dạng về nguyên liệu, phong phú về chủng loại để phục vụ nhu cầu của người dân. Để kiểm soát giá cả thị trường, Sở Công thương phối hợp các sở, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, nắm bắt diễn biến thị trường, cung - cầu hàng hóa, nhất là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu phục vụ thị trường ngày rằm tháng Giêng. Khi có biến động lớn về giá, các sở, ngành sẽ có giải pháp can thiệp kịp thời để ổn định thị trường và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Tin cùng chuyên mục