Người trẻ làm nhạc kịch

Suất diễn của vở nhạc kịch kết thúc, giữa những tràng vỗ tay không ngớt trong không gian Nhà hát Bến Thành (TPHCM), chị Hồ Thị Phương (28 tuổi) hào hứng chia sẻ: “Để xem được suất diễn này, tôi và nhóm bạn đã bị hụt mua vé 2 lần rồi, tranh thủ đặt được vé là cả nhóm đi coi cùng nhau luôn, sợ không kịp, bỏ qua thì tiếc lắm. Nhạc kịch kiểu này xem giải trí nhưng vẫn đủ chất nghệ thuật, để khán giả nhớ hoài”.

Tay ngang làm nhạc kịch

FRAGMENTS - một tổ chức kịch phi lợi nhuận dành cho học sinh, sinh viên có vở nhạc kịch đầu tiên Viên đạn cho Valentine biểu diễn tại Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) khi các thành viên trong ê kíp vẫn còn là học sinh phổ thông.

Chia sẻ về việc chọn theo đuổi nhạc kịch trong khi bản thân chưa được đào tạo qua các trường lớp nghệ thuật, Lê Minh Hà (thành viên sáng lập nhóm), bày tỏ: “Sân khấu nhạc kịch đối với chúng mình là một nơi rất sống động. Cùng với đó thì việc đưa âm nhạc vào trong diễn xuất hay biến lời thoại thành một giai điệu góp phần lớn trong việc đưa cảm xúc của diễn viên cũng như khán giả lên cao trào. Qua nhạc kịch, chúng mình có thể cảm nhận sâu sắc những cảm xúc thật trong từng giai điệu, từng câu thoại được truyền đạt ngay trước mắt. Câu chuyện được kể trên sân khấu sẽ luôn đưa đến cảm xúc mới qua mỗi lần diễn và xem”.

Người trẻ làm nhạc kịch ảnh 1 Nhóm FRAGMENTS tay ngang làm nhạc kịch với sự trẻ trung, hiện đại của lứa tuổi học sinh, sinh viên
Tiền “sáng lập” nhóm chỉ vỏn vẹn 300.000 đồng, do 2 thành viên Minh Hà và Hoài Thương góp vào. Số tiền này được dùng vào việc đăng ký gói quảng cáo trên mạng xã hội, khi nhóm tuyển thành viên để xây dựng đội ngũ. Từ học sinh các trường phổ thông ở Hà Nội, mỗi người bắt đầu bằng một niềm say mê với nhạc kịch và một chút kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình. Không ai trong họ có chuyên môn và được rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp. Mọi thứ đều mới bắt đầu với những giờ tự học và tự đầu tư vào bản thân cũng như tổ chức.

“FRAGMENTS đã mới và nhạc kịch cũng là một loại hình nghệ thuật rất mới ở Việt Nam. Khoảng thời gian đầu, hay thậm chí đến tận bây giờ, vì thiếu kinh nghiệm và chuyên môn nên khó để chúng mình thuyết phục mọi người, từ thành viên mới đến nhà tài trợ. Dần dần thì chúng mình cũng đã kêu gọi được một số nguồn tài chính cho mùa diễn đầu tiên, từ các nhà tài trợ, các đối tác cũng như các nhà hảo tâm”, Hoài Thương kể.

Với tư tưởng mới mẻ, trẻ trung của những người trẻ được học tập và tiếp xúc với môi trường văn hóa đa dạng, những vở nhạc kịch của FRAGMENTS mang hơi thở nhịp sống hiện đại, gần gũi với đời sống giới trẻ. Đảm nhận phần biên kịch cho các vở diễn của nhóm, Minh Hà chia sẻ: “Những câu chuyện trong các vở diễn chủ yếu bao quanh giá trị văn hóa Việt cũng như những sự việc chúng mình thấy trong cuộc sống cá nhân ở Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó thì cách biểu diễn, ngôn ngữ, âm nhạc hay cách nhìn sẽ có chút ảnh hưởng của kịch nghệ phương Tây”.

Hiện tại, các thành viên nòng cốt của FRAGMENTS đã vào giảng đường đại học và dự định sẽ đưa lên sân khấu một vở nhạc kịch mới vào hè 2020. “Tụi mình cần một chút thời gian riêng để điều chỉnh và tìm được sự cân bằng trước khi cùng nhau xây dựng một khởi đầu mới cho FRAGMENTS. FRAGMENTS chưa từng dừng làm việc sau tấm rèm sân khấu, rất mong mọi người hãy tiếp tục theo dõi và đồng hành với chúng mình”, Minh Hà chia sẻ thêm.

Khán giả sẽ không quay lưng

Sau thành công với ngôi vị quán quân trong một gameshow truyền hình vào năm 2016, nhóm kịch trẻ Buffalo bắt đầu định hình phong cách riêng khi hướng đến nhạc kịch. Những người trẻ thế hệ 9X bắt đầu học tập, rèn luyện và hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, bài bản. Từ khâu chuẩn bị kịch bản, âm nhạc, cho đến biên đạo múa, thiết kế sân khấu, trang phục… có khi mất cả năm ròng để chuẩn bị, chỉnh sửa và tập luyện cho một vở nhạc kịch ra mắt trước công chúng.

Người trẻ làm nhạc kịch ảnh 2 Những vở nhạc kịch của nhóm Buffalo với màu sắc tươi mới, hiện đại hòa cùng nét văn hóa dân gian, âm nhạc truyền thống của dân tộc
Nhóm kịch Buffalo đã thành công với những vở nhạc kịch mang đậm nét dân gian đương đại, những câu chuyện cổ tích quen thuộc như Tấm Cám, Sơn Tinh - Thủy Tinh được truyền tải với màu sắc tươi mới, trẻ trung nhưng vẫn hòa quyện cùng nét văn hóa truyền thống, âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, hiện tại nhóm phải tạm ngừng các suất diễn bởi chưa ổn định về sân khấu lẫn chi phí sản xuất.

Trưởng nhóm kịch Buffalo - Hoàng Quân trăn trở: “Hiện tại, mỗi thành viên của nhóm đều phải đi diễn, quay, dựng, viết kịch bản thêm bên ngoài để trang trải cuộc sống, còn các dự án mới của nhóm không phải là không có, nhưng hiện tại chưa có kinh phí để làm. Sau những vở diễn, khán giả đón nhận nhiệt tình, nhưng tình hình chung vẫn còn lỗ chứ chưa có lời. Một phần vì nhóm chọn nhà tài trợ khá chọn lọc, đồng ý là tài trợ nhưng không được can thiệp quá nhiều vào nội dung kịch bản hay chèn ép quảng cáo một cách khiên cưỡng, sẽ làm mất đi tinh thần chung của nhạc kịch. Còn với những hợp đồng đặt hẳn làm nhạc kịch riêng cho nhãn hàng hay sản phẩm, thì đó là câu chuyện khác. Vì vậy, bài toán chi phí để duy trì vẫn là điều trăn trở của nhóm, nhưng mừng là khán giả vẫn còn nhớ, còn thương và khi có hợp đồng biểu diễn nhỏ bên ngoài, khách hàng gọi đến Buffalo luôn yêu cầu nhạc kịch, đó cũng là điều đáng mừng, động lực để nhóm cố gắng hơn”.

Không chỉ trăn trở về câu chuyện kinh tế, với ê kíp trẻ này, chuyện theo đuổi nhạc kịch còn là một đam mê nghiêm túc, để hướng đến hình ảnh một nhóm nhạc kịch chuyên nghiệp. Đạo diễn của nhóm là Nguyễn Khắc Duy, chia sẻ: “Tụi mình vẫn không dám nhận là chuyên nghiệp về nhạc kịch đâu, vì vẫn còn nhỏ lẻ và mang tính tự phát. Như chuyện nhà hát, trước mỗi vở diễn nhóm đều phải nghiên cứu âm thanh của các nhà hát; hiện tại vẫn chưa có một nhà hát nào chuyên cho nhạc kịch”. Hạnh Thảo (diễn viên của nhóm) nói: “Theo nhạc kịch đòi hỏi diễn viên phải thật sự đa năng, cả diễn xuất lẫn ca hát và vũ đạo. Muốn thể hiện hết tinh thần của vở nhạc kịch, tính cách nhân vật, đôi khi diễn viên phải học thêm hát, vũ đạo ròng rã mấy tháng liền. Đam mê nhạc kịch là một chuyện, còn nhận mình là chuyên nghiệp thì vẫn chưa dám”.

Dù lo lắng cho tương lai, nhưng đạo diễn Nguyễn Khắc Duy vẫn hóm hỉnh: “Biết đâu được, trong tương lai nhạc kịch là một xu hướng thịnh hành thì sao”. Còn trưởng nhóm Hoàng Quân có một niềm tin: “Một loại hình sân khấu hay như vậy, có diễn xuất, có âm nhạc, có vũ đạo thì tại sao lại không phát triển, chúng ta cứ việc làm tốt mọi thứ thì khán giả sẽ không quay lưng”.

Tin cùng chuyên mục