Người tiêu dùng nỗ lực tự bảo vệ

Bộ Công thương vừa cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2019, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận hơn 6.600 cuộc gọi, trong đó có 376 vụ khiếu nại bằng văn bản trực tiếp, từ người tiêu dùng. Đối với địa bàn TPHCM, các trung tâm trọng tài cũng đã tiếp nhận hàng loạt vụ giải quyết tranh chấp liên quan đến đa ngành nghề, lĩnh vực.  
Khách nhận hàng từ đại diện một công ty dịch vụ chuyển phát nhanh
Khách nhận hàng từ đại diện một công ty dịch vụ chuyển phát nhanh

Tất toán nợ nhưng vẫn bị đòi tiền

Từ đầu năm tới nay, nhóm ngành hàng tài chính, bảo hiểm, ngân hàng bị khiếu nại nhiều nhất, chiếm 40,37% tổng số vụ việc; kế đến là nhóm điện thoại, viễn thông. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên nhóm hàng tài chính, bảo hiểm, ngân hàng có tỷ lệ khiếu nại lớn hơn nhiều lần so với các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại. Chủ thể liên quan trong nhóm hàng này không chỉ là các ngân hàng, công ty tài chính mà bắt đầu xuất hiện sự liên quan của nhiều mô hình tư vấn cho vay trực tuyến (cho vay ngang hàng - P2P lending). Các mô hình này hiện đang có sự phát triển mở rộng, gia tăng nhanh chóng cả về số lượng khách hàng và giá trị giải ngân, do vậy, kéo theo xu hướng gia tăng khiếu nại trong nhóm dịch vụ này.

Đáng chú ý, gần đây “nổi lên” một số công ty tài chính, công ty cầm đồ có liên kết với công ty tư vấn dịch vụ kết nối, đe dọa người tiêu dùng. Do vậy, có trường hợp người tiêu dùng khiếu nại việc họ không đi vay nợ nhưng liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin để quấy rối, đe dọa, ép buộc trả nợ. Một số vụ việc, đối tượng sử dụng hình ảnh, thông tin liên hệ của người tiêu dùng, hoặc người thân của người tiêu dùng để đăng tải công khai trên các mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bịa đặt, nhằm gây áp lực trả nợ. Ngoài ra, có một số vụ người tiêu dùng thực hiện giao dịch tại các trang web cho vay trực tuyến, đã tất toán khoản vay nhưng sau một thời gian bị nhiều đối tượng liên hệ đe dọa, gây áp lực buộc trả tiếp khoản vay đã trả.

Tham khảo kỹ trước khi ký hợp đồng

Để tránh trở thành “miếng mồi béo bở” cho những công ty cầm đồ, công ty tư vấn tài chính, các trung tâm trọng tài cũng như Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đều khuyến cáo người mua nên ưu tiên một số vấn đề sau: Thực hiện giao dịch vay tại các công ty tài chính, các ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động trong lĩnh vực cho vay. Trường hợp cần thiết khi thực hiện vay tại các mô hình cho vay trực tuyến nên lựa chọn các công ty có website cụ thể, thông tin rõ ràng, đầy đủ (địa chỉ công ty, số điện thoại, email liên hệ…).

Hiện có một số công ty sử dụng địa chỉ giả, địa chỉ tại nước ngoài, số điện thoại liên hệ thu cước đắt (5.000 đồng/phút)… nhằm gây khó khăn cho người tiêu dùng trong quá trình liên hệ. Cần tham khảo các thông tin trên internet, hỏi người thân, bạn bè để có thêm thông tin tham khảo về công ty cung cấp dịch vụ. Khi thực hiện vay, cần lưu ý việc yêu cầu cung cấp hợp đồng để tìm hiểu trước khi ký và lưu trữ sau khi ký kết. 

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng chỉ ra nhóm hành vi có tỷ lệ khiếu nại cao liên quan đến các nội dung về giao kết hợp đồng. Cụ thể, các doanh nghiệp, tổ chức khi giao dịch với người mua (người tiêu dùng) đã không tạo điều kiện để khách hàng tìm hiểu và nghiên cứu nội dung hợp đồng trước khi ký; không tư vấn đầy đủ thông tin về hợp đồng trước khi ký; không gửi bản sao hợp đồng để người tiêu dùng lưu trữ sau khi ký; nội dung hợp đồng không đúng như nội dung tư vấn ban đầu…

Gần đây, một số vụ lừa đảo khi mua hàng qua sàn thương mại điện tử diễn ra khá nhiều. Trường hợp chị N.T.B.T. (ngụ tại Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, TPHCM) là một ví dụ. Trước đó, chị T. đặt mua một pin sạc dự phòng (xuất xứ Trung Quốc, giá gần 1 triệu đồng) từ một sàn thương mại điện tử nổi tiếng. Thế nhưng, sản phẩm chị T. nhận được có giá chưa tới 300.000 đồng. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các khiếu nại như thế này khá phổ biến. Khi liên hệ, người tiêu dùng được sàn thương mại điện tử giải thích giao dịch này nằm ngoài hệ thống của họ nên không được hưởng chính sách trả hàng - hoàn tiền.

Người tiêu dùng bức xúc do trước đó đã có người liên hệ nói đúng tên, địa chỉ, số điện thoại, sản phẩm để thông báo giao hàng. Như vậy, vụ việc có dấu hiệu lừa đảo từ nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Cụ thể, sau khi tiếp nhận đơn hàng, nhà bán hàng sẽ tự ý hủy đơn hàng, sau đó tự liên hệ với người tiêu dùng để giao một sản phẩm khác. Sàn thương mại điện tử cho biết, trong những trường hợp trên, mã đơn hàng giao đến người tiêu dùng không giống với mã đơn hàng trên sàn thương mại điện tử, đơn vị vận chuyển cũng không phải đơn vị vận chuyển liên kết của sàn thương mại điện tử.

Đối với trường hợp trên, khuyến cáo người mua chỉ nhận hàng khi trạng thái đơn hàng trên trang web là “đang giao hàng”, không nhận hàng khi trạng thái đơn hàng là “đã hủy”, “đang lấy hàng”... Mã đơn hàng trên gói hàng phải khớp với mã đơn hàng trên trang web/email xác nhận đặt hàng. Kiểm tra xem đơn vị vận chuyển có đúng là đơn vị được sàn thương mại điện tử liên kết hay không. Kiểm tra xem hình ảnh vận đơn trên kiện hàng có đúng mẫu do sàn thương mại điện tử phát hành hay không. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần lưu ý xem xét kỹ nhà bán hàng trước khi đặt mua (các phản hồi của người mua trước; cửa hàng tư vấn tận tình, không hối thúc; giá cả không quá thấp so với thị trường...).

Tin cùng chuyên mục