Người thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở xã hội

Người có thu nhập thấp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội do quy định, thủ tục phức tạp; cùng với đó là các dự án nhà ở xã hội hoàn thành vẫn còn rất ít, nguồn cung không theo kịp nhu cầu hiện nay.
Ngày 9-8, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM có buổi giám sát về việc thực hiện Luật Nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn năm 2016-2021 đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TPHCM, Sở Xây dựng và Sở TN-MT TPHCM.
Người thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở xã hội ảnh 1 Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM có buổi giám sát về việc thực hiện Luật Nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn năm 2016-2021. Ảnh: VĂN MINH
Tại buổi giám sát, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, giai đoạn 2016-2021, số lượng nhà ở xã hội đã hoàn thành là gần 15.000 căn hộ với 19 dự án. Giai đoạn tiếp theo (2021-2025), TPHCM dự kiến triển khai 25 dự án với tổng số căn hộ hơn 28.600 căn.
Giai đoạn trên, TPHCM có 19 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành mới chỉ giải quyết nhu cầu nhà ở của một bộ phận người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức gặp khó khăn về nhà ở. Theo đó, số lượng nhà ở xã hội vẫn chưa giải quyết nhu cầu rất lớn về nhà ở của người dân, nhất là người có thu nhập thấp.
Người thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở xã hội ảnh 2 Buổi giám sát Luật nhà ở. Ảnh: VĂN MINH

Từ đó lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM kiến nghị, cần rà soát lại các quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất liên quan đến nội dung phát triển nhà ở. Bởi hiện nay thực tế nhiều dự án chậm hoặc không thể triển khai do vướng nhiều quy định. Trong đó, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội hiện nay nhiều và khó hơn so với quy định về thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. 

Ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết, nếu theo đúng quy trình để một dự án để đủ điều kiện triển khai phải mất hơn 1 năm và trải qua nhiều bước. Do đó, TPHCM kiến nghị có quy trình theo hướng đơn giản và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Người thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở xã hội ảnh 3 Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, nếu theo đúng quy trình để một dự án đủ điều kiện triển khai phải mất hơn 1 năm và trải qua nhiều bước. Ảnh: VĂN MINH
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ phân cấp cho UBND TPHCM xem xét, quyết định điều chỉnh dự án xây dựng nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; điều chỉnh nhà ở phục vụ tái định cư hoặc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư sang làm nhà ở xã hội hoặc sang làm nhà ở thương mại… Điều này giúp TPHCM chủ động quyết định tính khả thi khi xây dựng nhà ở tại các dự án khu đô thị và phát triển nhà ở, phù hợp với nhu cầu từng khu vực, thời điểm.
Về chương trình cho vay nhà ở xã hội, ông Bùi Văn Sổn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM, cho biết, năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội phân bổ, cấp nguồn vốn cho vay là 15,7 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay chỉ mới giải ngân vay được 500 triệu đồng. Những năm trước, nguồn vốn không giải ngân được phải trả về.
Người thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở xã hội ảnh 4 Ông Bùi Văn Sổn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM cho biết, người có thu nhập thấp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn cho vay mua nhà ở xã hội. Ảnh: VĂN MINH
Theo ông Sổn, nhu cầu vay vốn mua nhà ở xã hội tại TPHCM rất lớn, trong khi nguồn cung nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM hạn chế, chưa đáp ứng đủ. Ông Sổn nêu ra một số nguyên nhân, đó là một số dự án nhà ở xã hội tại TPHCM chậm tiến độ hoặc tạm ngưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 vừa qua.
Bên cạnh đó, khách hàng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn cho vay mua nhà ở xã hội. Cùng với đó việc xác nhận người mua nhà ở xã hội chưa có nhà ở địa phương cũng gặp khó khăn… Ngoài ra, mức vay hiện nay là 500 triệu đồng, trong khi giá nhà xã hội hiện nay cũng đã hơn 1 tỷ đồng nên nhiều người khó tiếp cận vay mua nhà.
Qua buổi giám sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM cho biết sẽ ghi nhận tất cả các ý kiến để tổng hợp chung và có báo cáo với Quốc hội, Chính phủ.

Liên quan đến Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM (HOF), ông Ngô Tấn Phát, Phó Giám đốc phụ trách HOF cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, đã giải ngân cho vay 1.794 tỷ đồng cho 2.862 người có thu nhập thấp vay tiền mua nhà ở xã hội. Hiện nay ngoài việc quản lý, khai thác nhà lưu trú công nhân ở khu chế xuất Linh Trung (TP Thủ Đức) và ở xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), HOF còn quản lý nhiều chung cư nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.



* Sở Xây dựng TPHCM vừa đề nghị Liên đoàn Lao động TPHCM cập nhật dự báo về số lượng người lao động có nhu cầu về nhà ở và loại hình nhà ở giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn TPHCM. Trước đó, Liên đoàn Lao động TPHCM báo cáo, qua khảo sát đời sống công nhân tại các khu nhà trọ, khu lưu trú, đến tháng 9-2020, TPHCM có 2,6 triệu người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp. Trong số này, khoảng 50% có nhu cầu về nhà ở, tương đương khoảng 1,3 triệu công nhân cần chỗ ở. Các loại hình nhà ở có nhu cầu gồm nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua, nhà lưu trú cho công nhân thuê. 

Vừa qua, tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thu nhập thấp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì rà soát lại nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê, rà soát quỹ đất để đề xuất thực hiện các dự án về nhà ở. Từ đó tổng hợp, tham mưu UBND TPHCM.

KHÁNH CHÂU

Tin cùng chuyên mục