Người thầy gieo mầm tình yêu âm nhạc

Vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, món quà thầy giáo Lò Văn Hơn thường nhận được từ các học trò của mình là những bó hoa rừng, đôi khi là những chiếc bánh dày của đồng bào Mông. Sự hồn nhiên, trong trẻo của lũ trò nhỏ trong ngôi trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú Tiểu học và THCS Sam Kha (Sơn La) níu giữ chân thầy Hơn suốt 10 năm qua. 

Thầy đã cống hiến những năm tháng thanh xuân với một niềm tin sâu sắc rằng: “Học nhạc cũng cần như học chữ, đều làm cho cuộc sống của người dân trên mảnh đất vùng cao này tốt lên từng ngày”.

Học nhạc cần như học chữ

Một trong những kỷ niệm thầy Lò Văn Hơn nhớ nhất là cách đây vài năm, thầy diện một chiếc áo trắng mới để biểu diễn văn nghệ mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Kết thúc tiết mục, học trò ùa lên tặng hoa. Trong mắt thầy lúc ấy chỉ thấy những bông hoa rừng cùng những gương mặt trẻ thơ rạng rỡ niềm vui. Nhưng khi về đến nhà thì ôi thôi, chiếc áo “diện nhất” của thầy đã lem luốc nhựa cây rừng.

Một ngày lễ 20-11 khác, thầy Hơn nhận được chục chiếc bánh dày, một loại bánh người Mông chỉ làm vào những dịp lễ tết quan trọng. Những kỷ niệm nho nhỏ ấy khiến thầy nghĩ mãi về cái được và cái mất, niềm vui hay nỗi buồn của đời người. Nó khiến thầy không muốn chỉ là một người thầy làm tròn nhiệm vụ, mà hơn thế, thầy muốn sống hết mình vì những đứa trẻ, vì mảnh đất nghèo này, vì cái nghề cao quý mà thầy đã lựa chọn.

Người thầy gieo mầm tình yêu âm nhạc ảnh 1 Thầy Lò Văn Hơn nhận Bằng khen Giáo viên trẻ tiêu biểu cấp trung ương năm 2020

Thầy Hơn là giáo viên dạy nhạc cho học sinh tiểu học, một môn học phụ rất dễ để hoàn thành nhưng lại rất khó để có những giờ học âm nhạc đúng nghĩa, nhất là trong bối cảnh cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, trường chưa có phòng học chức năng để phục vụ dạy bộ môn này. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cũng rất nan giải.

Trong khi đó, hơn 90% học sinh của trường là người dân tộc Mông, học sinh đầu cấp như lớp 1, lớp 2 còn nói chưa sõi tiếng Kinh. Thầy Hơn cứ trăn trở mãi về việc làm thế nào để mỗi giờ học nhạc của mình có ý nghĩa, nâng cao nhận thức cũng như bồi đắp đời sống tinh thần cho học trò. Và thế là sáng kiến “Sử dụng xen lẫn tiếng dân tộc Mông trong quá trình giảng dạy bộ môn âm nhạc ở trường tiểu học” đã ra đời. Đây là phương pháp dạy học phù hợp với đặc thù vùng miền và thành phần dân tộc, khơi gợi hứng thú học tập của học trò.

Thầy kể: “Bằng việc sử dụng xen lẫn tiếng Mông để giảng giải các từ hoặc nội dung kiến thức mà các em không hiểu, sau một thời gian thử nghiệm, tôi nhận thấy học sinh hào hứng hẳn trong giờ học nhạc, nắm kiến thức môn học tốt hơn, khả năng sử dụng tiếng Việt của các em cũng được cải thiện rõ rệt”.

Không dừng lại ở đó, thầy tiếp tục đào sâu chuyên môn của mình bằng sáng kiến “Tích hợp hiệu quả hoạt động trải nghiệm trong dạy học bộ môn âm nhạc lớp 1 Trường PTDT bán trú Sam Kha”. Sáng kiến của thầy đã được Hội đồng đánh giá sáng kiến trong Hội thi giáo viên tiểu học dạy giỏi cấp tỉnh lần thứ XI, năm học 2020-2021, đánh giá có tính mới, tính hiệu quả. Nhờ đó, học sinh đã coi mỗi giờ học nhạc là một trải nghiệm vui. Với thầy, học nhạc cũng quan trọng không kém học chữ, giúp các em yêu thêm lời ca điệu hát dân tộc mình, “giàu có” tâm hồn hơn ngay trong chính cuộc sống nghèo khó. 

Vừa làm thầy, vừa làm cha mẹ

Thầy Lò Văn Hơn là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở bản Nà Sàng, xã Chiềng Phung (Sông Mã, Sơn La). 32 tuổi đời, thầy đã có 10 năm gắn bó với Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Sam Kha, một ngôi trường thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Trường ở xa trung tâm, nhiều điểm trường ở tình trạng “3 không”: không điện, không sóng điện thoại, không Internet. Nhiều em phải vượt núi, đi bộ 5-7km đường đất để đến trường.

“Sinh ra ở miền núi, tôi thấu hiểu những thiệt thòi của trẻ em vùng cao khi điều kiện kinh tế khó khăn. Bản thân tôi đã từng trải qua nên càng muốn làm được điều gì đó cho các em”, thầy Hơn tâm sự.

Cứ mỗi sáng thứ hai đầu tuần, thầy Hơn với tư cách là tổng phụ trách lại kiểm “quân số” trước giờ chào cờ. Bất kể khi nào cũng có thể có học sinh bỏ học giữa chừng, bởi ở đây nhiều phụ huynh vẫn muốn con ở nhà, đi kiếm cái măng, cái củi hơn đi kiếm “con chữ”. Các đồng nghiệp của thầy kể mãi câu chuyện thầy Hơn đã vất vả như thế nào để đưa được học sinh Ly Thị Chứ trở lại trường.

Em Chứ có hoàn cảnh khó khăn, bố ốm nằm viện, nhà neo người, em phải nghỉ học để lên nương cùng mẹ. Thầy Hơn đã nhiều lần đến tận nhà xin cho em trở lại trường, nhưng không được người mẹ đồng ý. Không nản lòng, thầy Hơn vận động ban phụ huynh và trưởng bản cùng vào cuộc. Với suy nghĩ muốn thuyết phục được thì trước hết phải tìm hiểu, giúp họ tháo gỡ khó khăn, thầy đã vận động quyên góp, hỗ trợ viện phí cho bố em Chứ và động viên mẹ em. Cuối cùng, cô học trò nhỏ lại được vui chân sáo đến trường.

Người thầy gieo mầm tình yêu âm nhạc ảnh 2 Thầy Lò Văn Hơn cắt tóc cho học trò

Dạy ở trường bán trú, thầy Hơn không chỉ là thầy giáo mà còn như cha, mẹ học sinh. Thầy kể: “Học sinh của tôi nhiều em ở với thầy cô nhiều hơn cha mẹ. Có em xa gia đình từ lớp 1 đến lớp 9, ở bán trú từ chiều chủ nhật đến chiều thứ sáu, ngày thứ bảy mới ở nhà. Các thầy cô đã dạy cho các em từ việc vệ sinh cá nhân, lối sống trong môi trường tập thể đến rèn tính tự lập, cao hơn nữa là giáo dục cho các em về luật trẻ em, quyền bình đẳng giới, phòng tránh tai nạn thương tích, các kỹ năng sống, khắc phục tình trạng tảo hôn, tự tử bằng lá ngón...”. 

Thầy cùng các em làm vườn rau, dạy các em ý thức bảo vệ môi trường bằng việc thu gom rác dọc đường mang đến trường làm kế hoạch nhỏ. Toàn bộ số tiền thu được từ kế hoạch nhỏ mỗi năm gần 20 triệu đồng, dành để xây dựng khu vui chơi, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thầy Hơn tâm sự: “Cho các em nhỏ tận mắt chứng kiến, tự tay làm việc thiện chính là cách tốt nhất khơi gợi lòng nhân ái, sẻ chia đùm bọc lẫn nhau”. Hàng năm, thầy Hơn còn cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Sam Kha vận động được rất nhiều phần quà từ các đoàn thiện nguyện cho nhân dân và học sinh, với giá trị hàng trăm triệu đồng. 

Nhận xét về thầy, chị Tòng Thị Quyên, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sốp Cộp, tự hào: “Thầy Hơn là một giáo viên tâm huyết, nhiệt tình trong mọi công tác, tình nguyện cống hiến sức trẻ cho hoạt động của xã, của trường. Thầy xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Sự nỗ lực, nhiệt huyết của thầy Hơn đã được ghi nhận khi nhiều năm liền, thầy được tuyên dương danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Năm 2020, thầy là đảng viên trẻ tiêu biểu của tỉnh Sơn La và đạt giải thưởng Giáo viên trẻ tiêu biểu cấp tỉnh, cấp trung ương. Năm 2021, thầy Lò Văn Hơn là một trong 50 giáo viên tiêu biểu toàn quốc có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy, giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD-ĐT tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” vào đúng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2021.

Tin cùng chuyên mục