Người nhóm lửa yêu thương

Thành lập vào ngày 19-9-2019, lớp “Niềm tin - hỗ trợ trẻ và phụ huynh của trẻ có khó khăn đặc biệt” (sau đây gọi tắt là Lớp học Niềm tin) của cô giáo Nguyễn Thị Phương Dung trở thành nơi đồng hành quan trọng cho nhiều gia đình có “trẻ đặc biệt”. Phương pháp dạy của cô Dung thực sự giúp các em dần mở lòng hơn với cuộc sống.

Tình thương từ sự thấu hiểu

Chúng tôi đến lớp học dành cho trẻ em khó khăn đặc biệt của cô Nguyễn Thị Phương Dung vào một buổi sáng. Ẩn sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Phong Phú (quận 8, TPHCM) là ngôi nhà tràn ngập âm thanh tập nói của các em gặp khó khăn trong việc học ngôn ngữ. Dưới những tia nắng sớm, hình ảnh cô Dung với nụ cười tươi là nét phác họa đầu tiên của bức chân dung một cô giáo với tình thương và sức nhẫn nại phi thường.

Người nhóm lửa yêu thương ảnh 1 Cô Nguyễn Thị Phương Dung giảng dạy trẻ gặp khó khăn đặc biệt

Lớp học là một gian phòng nhỏ của cô Dung. Phòng được bố trí gọn gàng, được chia thành từng góc cho các hoạt động học tập khác nhau. Mỗi lớp học, cô Dung chỉ nhận 2-3 trẻ. Hầu hết các em ở những độ tuổi khác nhau, nên cô phải soạn giáo án riêng cho từng em. Đồng thời, cô phải tìm ra phương pháp dạy phù hợp với nhu cầu và thể trạng của mỗi em. Cách dạy của cô Dung chú trọng vào việc giúp các em cởi mở và tập chia sẻ.

Lớp học Niềm tin bắt đầu 7 giờ 30 phút, kết thúc lúc 10 giờ 30 phút. Các bạn nhỏ khi đến lớp sẽ được khởi động bằng vài trò chơi nhỏ theo sở thích như xếp hình Lego, lắp ráp theo mẫu... nhằm kích thích khả năng tư duy. Sau đó, cô Dung sẽ dạy từng em tập viết chữ, tập nói. Các em rất thích giờ tập thể dục vì giúp tỉnh táo, linh hoạt hơn sau thời gian ngồi học. Và cuối cùng, các em có một khoảng thời gian ngắn xem phim hoạt hình trước khi ra về. Các em sẽ được “tốt nghiệp” khi có thể trả lời những câu hỏi một cách rõ ràng, đủ ý và cởi mở, thân thiện hơn với mọi người.

Tấm lòng dành cho trẻ đặc biệt của cô Dung thể hiện ở phương pháp dạy: đi từ thấu hiểu đến thương yêu. Có nhiều gia đình thương con nhưng không hiểu nhu cầu của con nên ba mẹ và con cái khó giao tiếp với nhau. Không chỉ giúp các em thay đổi, cô Dung còn hướng dẫn phụ huynh cách chơi và giao tiếp với con.

Cô Dung chia sẻ: “Hàng tuần, tôi và phụ huynh trao đổi qua email hoặc Zalo để thảo luận về những thay đổi của các em. Sau đó, tôi sẽ có những điều chỉnh thích hợp trong phương pháp dạy, đồng thời hướng dẫn phụ huynh cách gần gũi con hơn qua những trò chơi, giờ phút ôn bài cùng con”. Ngoài những buổi học trên lớp, thỉnh thoảng cô Dung dắt các em đến khu trò chơi, giải trí. Những em sau khi tham gia lớp học của cô đều có sự cải thiện rõ rệt. Phương pháp dạy hiệu quả của cô Dung chứng minh rằng, có hiểu mới có thương, tình thương tạo dựng từ sự thấu hiểu sẽ mang lại hạnh phúc cho các em.

Trái tim chạm đến trái tim

L.T.N. gặp khó khăn trong việc học ngôn ngữ. N. đến với cô Dung khi em không thể hòa nhập với môi trường học bình thường cùng các bạn bằng tuổi. Khó khăn trong việc học ngôn ngữ trở thành một bức tường ngăn cách em với gia đình. Dù đã 11 tuổi nhưng em không thể nói trọn vẹn một câu đầy đủ. Ba mẹ cũng không đủ kiên nhẫn lắng nghe em. Bây giờ, sau nhiều tháng học với cô Dung, N. cởi mở, thân thiện hơn, nhất là em có thể nói được một câu hoàn chỉnh, làm được toán đố, biết diễn đạt vài ý tưởng. Có lần, N. được mẹ cho trở lại thăm trường cũ. Khi đến nơi, N. không chịu vào lớp và nói rõ với mẹ rằng: “N. không học, N. về học với cô Dung”. Câu nói ngây ngô của N. thể hiện phương pháp dạy của cô Dung thực sự có hiệu quả.

Đối với một đứa trẻ bình thường, câu nói trên không có gì khó khăn nhưng đối với N., mắc chứng rối loạn ngôn ngữ, là một quá trình cố gắng của cô và trò. Bằng giọng vui mừng, chị N.T.K.L. (mẹ N.) nói: “Gia đình tôi không biết lấy gì đền ơn cô Dung. Không có cô, không biết N. sẽ ra sao. Không chỉ bắt đầu biết đọc, N. đã biết chào người xung quanh. Trong lòng N., cô Dung như bà tiên”.

Tương tự, cậu bé 8 tuổi L.H.L. không thể hòa nhập môi trường học bình thường như các bạn đồng trang lứa. Em không có khả năng tập trung như các bạn khác do mắc bệnh tăng động giảm chú ý. Giờ đây, sau 3 tháng đến với lớp học của cô Dung, L. đã có thể tập trung để chú ý và nhận biết hơn 10 chữ cái, biết phân biệt số lượng ít nhiều và bước đầu có thể giao tiếp bằng câu ngắn như “Cô ơi! Giúp con với, con muốn chơi”. Hay như bé A.T., sau gần 1 năm học với cô Dung, có rất nhiều tiến bộ, đã được gia đình đưa đến trường học cùng các bạn. Mẹ của A.T. vẫn thường xuyên liên lạc với cô Dung, gửi cô xem hình ảnh, đoạn phim về sinh hoạt của bé tại trường.

Lớp học Niềm tin là nơi đồng hành, dìu dắt nhiều trẻ gặp khó khăn đặc biệt hòa nhập với cuộc sống. Từng ấy thời gian đồng hành cùng các em, dù chặng đường không hề dễ dàng, song mỗi ngày được chứng kiến sự phát triển của các em, được các em yêu mến chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của cô Dung. Mỗi hạt mầm yêu thương được gieo là một điều nhiệm màu chắp cánh ước mơ. Cô Dung vẫn đang từng ngày kiên nhẫn chỉ bảo các em, chèo lái những “chuyến đò đặc biệt” qua sông. Trái tim của cô đã chạm đến trái tim vốn khép kín của các em để mở lòng chào đón một thế giới nhiều màu sắc hơn. Cô Dung đã nhóm lửa yêu thương, mở lối cho những tâm hồn non nớt, ngây thơ và thiếu may mắn vào đời.

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau một thời gian tiếp xúc với trẻ em có nhu cầu đặc biệt, cô Nguyễn Thị Phương Dung tìm thấy sự kết nối vô hình với các em. Cô quyết định trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng để có thể đủ chuyên môn chăm sóc, dạy dỗ các em. Xuất phát từ tình thương dành cho sự bất đồng ngôn ngữ giữa các em và gia đình, cô Dung đã thành lập nhiều dự án giúp đỡ trẻ. Năm 2015, cô Dung thành lập dự án Nhóm hỗ trợ trẻ em nghèo - khuyết tật Niềm tin. Sau đó, cô khởi động các dự án dành cho các trẻ tổn thương não ở Củ Chi, dự án Vườn Ươm mầm hướng nghiệp cho trẻ em khuyết tật tại Củ Chi.

Sau khi hoàn tất các dự án ở Củ Chi, ngày 19-9-2019, cô Dung thành lập dự án Niềm tin - hỗ trợ trẻ và phụ huynh của trẻ có khó khăn đặc biệt. Cô Dung chia sẻ: “Khi tìm hiểu sâu hơn về trẻ em gặp khó khăn đặc biệt, lòng tôi thôi thúc phải làm một điều gì đó để giúp các em hòa nhập cuộc sống. Giúp các em thôi là chưa đủ, vì gia đình phải thực sự thấu hiểu thì mới biết thương các em đúng cách”. Điều đặc biệt ở lớp học này là cô Dung không yêu cầu một mức học phí cố định. Tùy vào khả năng của phụ huynh mà hàng tháng ba mẹ sẽ gửi học phí thích hợp. Theo lời cô Dung, số tiền tuy ít ỏi nhưng thể hiện trách nhiệm của phụ huynh với trẻ, từ đó quan tâm hơn đến việc học của con mình. Đây là điều quan trọng, bởi nếu phụ huynh bỏ lơ, không hợp tác, con sẽ khó tiến bộ.

Tin cùng chuyên mục