Người nhà quê

Nhận tin con gái mang bầu, bà mẹ ở quê mừng ra mặt, bởi khỏi nói ai cũng biết, bà mong cháu ngoại đến nhường nào. Nhà có mỗi cô con gái, lại đi biền biệt từ năm 18 tuổi, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Mỗi lần gọi điện, bà luôn hỏi con gái thích ăn gì, thèm gì để chuẩn bị.  

Ngày bà “khăn gói quả mướp” vào TPHCM chăm cháu ngoại không quên mang theo một thùng xốp nặng trịch, dễ đến hơn 30kg. Chưa kể, ngoài vài bộ quần áo, toàn bộ hành lý xách tay cũng được trưng dụng để mang thêm đồ. Khi mở ra, thì hỡi ôi giống như cả nhà quê thu nhỏ được mang lên phố. 

Chiếc thùng xốp nhỏ bên trong đựng vài con gà nhà nuôi đã được làm sạch sẽ, cấp đông vẫn còn tươi rói. Hàng trăm chiếc chả lụa nhỏ gói lá chuối được đặt riêng từ nhà hàng xóm. Dăm chục trứng gà nhà nuôi cũng được lót trấu cẩn thận. Đó là còn chưa kể đến vài ký gạo nếp nhà trồng, đủ các loại lá tắm - lá xông - lá nấu nước uống cho cả mẹ và con. Nghe ai mách loại lá nào tốt từ lá mít, mơ lông, nắm cây mùi già phơi khô, lá ngải cứu mỗi thứ một bọc được cuốn trong lá chuối để giữ cho tươi lâu.

Bày hết từng đó thứ ra sàn nhà, cô con gái cũng hoảng hồn vì không nghĩ mẹ mình có thể “tha” được nhiều thứ đồ đến vậy. Chiếc tủ lạnh loáng một cái đã đầy ắp. Với chừng đó thực phẩm, tính sơ sơ cũng gần đủ để nằm cữ trong một tháng mà không lo dịch Covid-19 ảnh hưởng. Quan trọng hơn hết, thứ gì cũng tươi ngon, sạch sẽ.

Nghĩ đến đó, trong đầu tôi cứ vẩn vơ về câu chuyện của những người nhà quê.

Có một dạo khá dài, tôi từng bị ám ảnh, tự ti khi ai hỏi về xuất thân của mình. Hồi học đại học, lớp hơn 30 người nhưng chỉ có vài đứa là con nhà nông dân, còn hầu hết gia đình xuất thân trung lưu, trí thức; thậm chí có bố mẹ làm ông này, bà nọ. Nhìn lại mình, cũng tủi và ao ước. Ra trường đi làm, cái mác “nhà quê” cũng khiến mình phải tự lực cánh sinh trong khi bạn bè đồng trang lứa được gia đình nâng đỡ, ai cũng công việc ổn định, thu nhập cao. Ấy vậy nhưng, theo thời gian cái cảm giác tự ti ấy dần được khỏa lấp. 

Giờ đây, hai từ nhà quê không hẳn chỉ còn gắn với những gì là nghèo đói, lạc hậu. Người ở phố mua đồ ăn thức uống hay đi du lịch lại thích cái mác quê vì môi trường trong lành, đồ ăn ngon. Thế nên, những thứ đóng mác “quê” ấy lại có giá đắt đỏ và được chuộng. Nhiều người ở phố có điều kiện còn mua hẳn những mảnh đất lớn ở quê, thuê người coi sóc, cứ cuối tuần hay đến mùa thu hoạch cây trái lại đánh xe về chở cả quê lên phố. 

Có một điều khập khiễng mà tôi rất thích để ý. Người ở phố chưa chắc đã “sang” như người nhà quê đâu nhé. Thử kiểm chứng mà xem, mỗi lần ra thăm con cái hay người thân, những người nhà quê luôn lựa những món đồ hảo hạng nhất trong nhà: từ con gà béo múp, những mớ rau tươi ngon, những trái chín mọng nhất… để làm quà biếu. 

Trong khi đó, người ở phố thì khác, dù tất nhiên không phải tất cả. Quần áo đã mặc chán, muốn bỏ thì gửi về quê. Đồ dùng trong nhà cái gì cũ không dùng, thôi thì lại cho về quê. Nếu có mua gì làm quà cho đám nhỏ hay người già, cũng chỉ chọn cho qua loa ít bánh kẹo gọi là… Tất nhiên, người nhà quê cũng có những thứ không bằng người ở phố lắm. Thế nhưng, giờ đây nếu có ai hỏi, thì tôi vẫn thích nói mình là người nhà quê, người nhà quê sống ở phố! 

Tin cùng chuyên mục