Người lính chữa cháy trong mùa dịch

Những ngày này, cả nước nói chung, TPHCM nói riêng vẫn đang tập trung mọi lực lượng để phòng chống dịch Covid-19. Ngay sau khi TPHCM có chỉ đạo về tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, lực lượng Công an TPHCM, trong đó có Cảnh sát PCCC - CNCH (PC07) đã nhanh chóng vào cuộc một cách quyết liệt, nỗ lực giữ bình yên cho người dân thành phố. 

Hoàn thành nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh

Khoảng 3 giờ sáng 11-7, PC07, Công an TPHCM nhận được tin báo cháy nhà dân tại số 171 đường Nguyễn Thượng Hiền, phường 4 (quận 3). Nhận được tin báo, PC07 đã điều động Đội Cảnh sát PCCC - CNCH, Công an quận 3 và Đội Chữa cháy - CNCH khu vực 1 nhanh chóng đến hiện trường với 10 xe và 74 cán bộ, chiến sĩ. Đám cháy được dập tắt ngay sau đó. 

Hiện trường vụ cháy nằm trong khu phong tỏa cũng là điều bất ngờ với lực lượng chữa cháy. Cảnh sát PCCC vừa thực hiện công tác chữa cháy, CNCH, giữ gìn an ninh trật tự vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, bảo đảm 5K.

Thượng úy Phạm Văn Duy Việt (Tổ trưởng Tổ chữa cháy 2, Đội Chữa cháy - CNCH khu vực 1), cán bộ trực tiếp chữa cháy, chia sẻ: “Chúng tôi không biết địa chỉ cháy nằm trong khu phong tỏa, khi đến thấy nhà dân đang cháy là xe nhanh chóng tiến vào thôi vì tính mạng, tài sản của người dân là vô cùng quan trọng. Công việc chữa cháy được triển khai khẩn trương, anh em ai cũng lăn xả vào nhằm dập tắt nhanh đám cháy. Tuy nhiên mọi người gặp khó khăn là khi mang khẩu trang để phòng chống Covid-19 thì đều bị nước ngấm ướt sũng, khiến anh em khó thở nhưng không thể bỏ ra nên mệt hơn bình thường”.

Hơi ngỡ ngàng bước đầu khi chữa cháy ở khu vực phong tỏa, cách ly nhưng suốt thời gian qua, PC07 vẫn xác định rất rõ tinh thần dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải tập trung thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo các quy định phòng dịch. Mặc dù áp dụng giãn cách nhưng các mặt công tác tại PC07 vẫn luôn đảm bảo, đặc biệt là công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu. 

Trước tình hình dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp trên địa bàn TPHCM, cùng với các lực lượng khác, Cảnh sát PCCC đã được điều động hỗ trợ công an phường trực đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm phong tỏa do Covid-19. Ngoài ra, tại nhiều quận huyện, lực lượng Cảnh sát PCCC được điều động tăng cường hỗ trợ công an phường trực đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực phong tỏa, cách ly. Các đội Cảnh sát PCCC - CNCH lập danh sách cử cán bộ, chiến sĩ thực hiện theo chỉ đạo của BCH công an quận huyện. 

Người lính chữa cháy trong mùa dịch ảnh 1 Lực lượng cảnh sát PCCC tham gia trực gác tại 1 khu phong tỏa

Thượng tá Phạm Tồn Điều, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC - CNCH Công an quận Tân Phú, chia sẻ: “Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, BCH công an quận đã điều động cán bộ, chiến sĩ thuộc các đội nghiệp vụ để chi viện các đội chức năng và công an phường, trong đó có lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH. Công tác trực 24/24 giờ nhằm kiểm tra, kiểm soát khu vực phong tỏa, cách ly”.

Trách nhiệm và sự sẻ chia

Khi mọi nhà thực hiện nghiêm túc lệnh giãn cách xã hội, người người, nhà nhà cố thủ trong nhà, hạn chế thấp nhất việc di chuyển ra ngoài để phòng dịch bệnh, giữ sức khỏe cho mình và cộng đồng, người lính cứu hỏa đã xông pha trên các trận tuyến. Trước thời điểm toàn TPHCM thực hiện Chỉ thị 16, họ “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đồng loạt ra quân tại TP Thủ Đức và các quận huyện, tuyên truyền kiến thức cơ bản về PCCC cho người dân tại những khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao. Không chỉ ban ngày, họ còn xung phong đi vào cả ban đêm.

Chị Khánh Anh, ngụ khu phố 6, phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức, chia sẻ: “Giãn cách xã hội mình chẳng dám đi đâu, vậy mà trời mưa gió, các anh lặn lội đến từng nhà phát khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn và tờ rơi tuyên truyền về an toàn PCCC. Thật đáng quý tinh thần trách nhiệm của các anh”.  

Nhận được phần quà, ông Sáu, người lượm ve chai trên đường Trần Hưng Đạo rất vui. Từ khi dịch bệnh, gia đình ông không thể ra đường mưu sinh như trước, hàng ngày cả nhà ông nhờ vào cơm từ thiện. Nhận phần quà thiết yếu và chút tiền, ông gửi lời cảm ơn anh chiến sĩ trẻ. Ông Sáu là một trong số nhiều người lao động nghèo được các bạn trẻ PC07 sẻ chia trong thời điểm khó khăn này. 

Thượng úy Đỗ Ngọc Đức, Bí thư Đoàn PC07, là người nhiệt huyết xung phong đi đầu công tác tuyên truyền trong mùa dịch Covid-19. Với anh, hơn bao giờ hết, lúc người dân gặp khó khăn, lực lượng đoàn viên thanh niên PC07 phải đi đầu, chung tay gánh vác cùng TP vượt qua dịch bệnh. Nếu ngại khó, ngại hiểm nguy thì không thể gần dân, hỗ trợ dân. Có thể giá trị những phần quà không lớn nhưng phần nào giúp các gia đình chủ động ứng phó với các sự cố hỏa hoạn và an tâm hơn khi phải ở nhà. 

Vừa phòng dịch vừa chống giặc lửa

Tính từ ngày 1 đến 7-7, PC07 đã tham mưu điều động 8 đội hình phương tiện, trang thiết bị của lực lượng, gồm 25 lượt xe chữa cháy và CNCH cùng 150 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp cứu chữa 3 vụ cháy, xử lý 5 vụ tai nạn, sự cố (tìm được 2 thi thể nạn nhân). Đã tiếp nhận và chuyển 6 tin báo liên quan đến trật tự an toàn xã hội, 12 tin báo liên quan đến y tế qua hệ thống Tổng đài liên thông 113-114-115. Tiếp nhận 7 cuộc gọi và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính liên quan, thực hiện hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ về PCCC.

Ngoài công tác chốt trực, cán bộ, chiến sĩ PC07 còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bằng nhiều hình thức khác nhau. Thời điểm TPHCM thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, người dân ở nhà nên việc đun nấu, sử dụng các thiết bị điện tăng, dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

Tại các khu cách ly, khu điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tập trung số lượng người đông, nhu cầu sử dụng điện tăng. Vì vậy, PC07 đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền an toàn PCCC, hướng dẫn kịp thời người dân các biện pháp an toàn PCCC tại gia đình, tại khu phong tỏa, khu cách ly, điều trị…

Hình thức tuyên truyền sinh động, phong phú, dễ hiểu bằng cách xây dựng clip, phóng sự, bài phát thanh ngắn gọn nhưng đầy đủ nội dung. Có thể kể đến các clip đã được tuyên truyền rộng rãi trên đài truyền hình, các kênh truyền thông như: Cảnh sát PCCC khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC hộ gia đình trong khu cách ly, đảm bảo an toàn PCCC tại khu cách ly, cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân trong mùa dịch… Qua đó đã góp phần giảm thiểu số vụ cháy nổ trong thời gian TPHCM phòng chống dịch.

Không dám về nhà sau ca trực

Địa bàn quận Tân Phú có nhiều chốt, khu phong tỏa do Covid-19, có nơi là khu cách ly có ca F0, F1, F2. Chốt phong tỏa khu vực chợ Sơn Kỳ (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) là một trong những địa điểm mà lực lượng Cảnh sát PCCC được điều động trực đảm bảo an ninh trật tự. Trước cổng chợ, một lán trại bằng vải bạt được dựng lên khoảng 9m2 để lực lượng chức năng trực gác. Trời nóng gay gắt, thi thoảng xen vài cơn mưa dông ngột ngạt, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng anh em vẫn nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ.

Đại úy Ngô Quốc Hoàng Nhân, cán bộ hướng dẫn kiểm tra Đội Cảnh sát PCCC - CNCH, Công an quận Tân Phú, chia sẻ: “Tình hình dịch ở TPHCM khá phức tạp, ai được phân công nhiệm vụ đều nghiêm túc thực hiện, hầu như không có thời gian ngủ nghỉ. Đêm, mấy chú dân phòng ngủ thì mình thức, các chú thức thì mình ngủ”. Anh kể, nhiều cán bộ, chiến sĩ trong thời gian trực gác không dám về nhà vì sự an toàn của gia đình nên cùng nhau thuê phòng trọ để nghỉ ngơi.

“Khi thực hiện nhiệm vụ anh em được tiếp tế cơm ăn, nước uống cũng đầy đủ. Đêm đến, nhiều mạnh thường quân đi tặng cơm từ thiện, trao tận tay cán bộ, chiến sĩ, mọi người đều đồng lòng, cùng hỗ trợ nhau vượt qua đại dịch. Trải qua nhiều lần xét nghiệm Covid-19 âm tính, mình mới tự tin về nhà chơi đùa với 2 con nhỏ”, Đại úy Ngô Quốc Hoàng Nhân trực gác tại chợ Sơn Kỳ từ ngày 20-6 đến nay, nói thêm.

Tin cùng chuyên mục