Người lao động không nên rút bảo hiểm xã hội để “gặt lúa non”

Trước việc gần đây có nhiều người lao động (NLĐ) ở TPHCM và khu vực phía Nam đi làm thủ tục để hưởng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, ngày 10-4, BHXH Việt Nam đã có thông tin đề nghị NLĐ không nên rút BHXH để “gặt lúa non”. 

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2022, số người được giải quyết hưởng BHXH một lần là 208.943 người, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021. Điều đó đồng nghĩa, trong tương lai những NLĐ này khi đến tuổi về hưu sẽ không có nguồn thu nhập hàng tháng từ lương hưu để bảo đảm cuộc sống và không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già hoặc nếu có thì mức hưởng lương hưu rất thấp. Đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của quốc gia khi những năm tới dân số nước ta đang bắt đầu già hóa.

Nguyên nhân nhiều NLĐ đi rút BHXH là do dịch Covid-19, nhiều NLĐ mất việc dẫn đến không có thu nhập. Đa số NLĐ chọn hưởng BHXH một lần vì cần có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống. BHXH Việt Nam đề nghị NLĐ bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu, trang trải cuộc sống và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu.

Thời gian tới, Luật BHXH sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Việc sửa đổi chính sách BHXH theo tinh thần này sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH (trong đó có BHXH tự nguyện) để NLĐ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững. 

Tin cùng chuyên mục