Người không tiền tỷ

Trong một buổi offline của những người về vườn ở Đắk Lắk, một người chị nói rằng: “Về vườn là phải mang tinh thần LM”. Thế là mọi người bàn luận rôm rả về LM. Đó là “low money” (ít tiền), “lãng mạn”, “lành mạnh”, “lọ mọ”, “learning by myself” (tự học)… Tôi trở về nhà, cứ miên man nghĩ về tinh thần LM - điều khiến mình vui vẻ tận hưởng cuộc sống ở quê dù không ít lần “lên bờ xuống ruộng”.
Homestay nho nhỏ luôn là không gian mở và thân thiện với khách
Homestay nho nhỏ luôn là không gian mở và thân thiện với khách

1. Tôi cũng là một người “low money” thực thụ và luôn hoài nghi về quan điểm “muốn về quê thì phải có ít nhất một tỷ đồng trong tay” như nhiều người vẫn nói. Không kinh doanh, không được bố mẹ cho thì dù chăm chỉ và tiết kiệm, một tỷ đồng là số tiền rất lớn đối với tôi, chắc phải đến già mới để dành được. Mình chịu khó, mạnh mẽ thế này thì thể nào cũng sống khỏe ở quê. Bốn năm trước, ý nghĩ đó khiến tôi vững vàng hơn để quyết định rời TPHCM dù trong tay chẳng có gì.

Sống ở quê, không có mảnh đất cắm dùi, không có nhiều tiền quả thật là điều không dễ dàng. Tôi vẫn luôn phải duy trì kết nối với bạn bè, đồng nghiệp ở TPHCM để tìm việc làm online và có nguồn thu nhập trước mắt. Tôi không chê việc gì cả, việc gì biết làm là nhận, viết content, làm admin cho trung tâm tiếng Anh, làm đồ thủ công để bán… Tích cóp mãi, sau hơn một năm mới đủ vốn để mở một homestay nho nhỏ ở TP Buôn Ma Thuột.

Thời gian ấy, tôi thuê lại một ngôi nhà vườn ở gần sân bay. Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng tôi “lọ mọ” tự dọn dẹp, sơn sửa rồi tự trang trí. Chúng tôi phải vận dụng tất cả kỹ năng từ làm đồ thủ công đến làm mộc. Cái gì chưa làm bao giờ thì lên mạng xem video rồi học theo từng bước đúng tinh thần “learning by myself”. 

Sau hơn một năm, bắt đầu có nguồn thu với lượng khách ổn định, được đánh giá điểm 9.7/10 trên ứng dụng đặt phòng Booking, chúng tôi nghĩ đến chuyện mở rộng kinh doanh. Đúng lúc đó, chủ nhà nổi hứng muốn… lấy lại nhà. Nhiều đêm, tôi mất ngủ, tỉnh dậy bật khóc vì tiếc bao công sức, tình cảm đã dành cho nơi này. Nhưng buồn xong thì lại lao đi tìm một nơi mới để gầy dựng lại từ đầu, cố gắng nghĩ theo hướng tích cực nhất.

Tôi quyết định tìm mua một mảnh đất xa xa trung tâm - nơi giá đất còn khá mềm, đủ không gian để vừa làm vườn, vừa làm homestay theo hướng đầu tư lâu dài hơn và tìm được một miếng ưng ý với dòng suối rất nên thơ sau vườn. Tôi cùng một người bạn quyết định mua và dựng nhà gỗ bên suối. 

2. Lần này vất vả gấp chục lần. Chúng tôi phải dọn đến ở tạm khi nhà mới chưa làm xong. Phòng của tôi khi ấy còn chưa lắp cửa. Thời gian đó đúng vào mùa mưa, nhiều đêm đang ngủ ngon thì mưa hắt vào mặt, phải dậy lấy bạt che chắn. Suốt mấy tháng, chúng tôi nấu ăn ngoài trời, bưng nồi cơm chạy hết góc nọ qua góc kia mỗi khi mưa hay quá nắng. Miếng đất vốn là đất trống, lại ở gần suối nên đá to nhỏ nhiều vô kể. Ngày nào, chúng tôi cũng phải đẩy xe rùa đi cạy đá, đi cắt cỏ ủ phân cho đất rồi mới có thể trồng cây. 

Ròng rã mấy tháng trời sau ngày chuyển đến, nhà mới tạm hoàn thiện. Công sức, sự kiên nhẫn bắt đầu hình thành với những khoảng xanh của hoa lá, vườn rau. Khi chúng tôi lên kế hoạch mở cửa homestay thì hết đợt dịch này đến đợt dịch khác ập đến. Chúng tôi xác định sẽ cố gắng xây dựng một cuộc sống đơn giản, không quá phụ thuộc vào tiền bạc, nuôi cá và trồng thêm rau đúng nghĩa. Cuộc sống ngày ra vườn, đêm làm việc online đủ giúp tôi trang trải. Mỗi ngày, tôi dậy sớm, đi dạo trong vườn để thu hái rau củ quả. Nhà có gì thì nấu cái đó hoặc chạy qua đổi thức ăn với hàng xóm. Tôi chỉ cần đi chợ để mua gạo, gia vị và một số nhu yếu phẩm.

Thỉnh thoảng, bạn bè từ TPHCM lên chơi hay “quở”  tôi là phụ nữ mà để da đen thuộc dạng “bão hòa” (tức là không thể đen hơn), tay ngón nào cũng có cục chai cứng ngắc. Nhưng không vì thế mà tôi tủi thân. Vì tôi biết mình đang “lời to”. Nhờ trò chuyện với các vị khách nước ngoài mà tiếng Anh của tôi trôi chảy hơn, hiểu thêm về văn hóa của họ, học được nhiều kỹ năng làm đồ thủ công, làm bánh, pha chế… Cuộc sống ở vườn tạo ra một nếp sống lành mạnh và lãng mạn khác hẳn với tôi thời ở phố thị. Không hẳn có quần áo đẹp hay xài mỹ phẩm tốt mới là chăm sóc bản thân, với tôi, cuộc sống bình dị, ở cạnh thiên nhiên đã là một đặc ân.

Sống ở quê, tôi cảm nhận được sự ấm áp của tình làng nghĩa xóm. Những gia đình thấy chúng tôi trông “nhỏ nhỏ như cây kẹo mút dở” mà không nề hà việc tay chân thì cũng dần thương, chạy qua chạy lại chỉ bảo kinh nghiệm trồng trọt, đối xử thân tình. Còn tôi, mỗi khi có gì ngon đều nghĩ đến họ. Tôi vẫn thầm cầu mong mình sẽ “an cư lạc nghiệp” ở vùng đất này sau nhiều năm coi nhà là cái ba lô, xách từ chỗ này qua chỗ khác.

Trước đây, cứ mỗi dịp cuối năm, họ hàng xa gần lại hỏi tôi câu hỏi y như một: “Năm nay làm dư được nhiêu?”. Tôi không biết phải trả lời thế nào vì giá trị cuộc sống của mình không còn được đong đếm bằng tiền nữa. Cũng may, trong đám đông, vẫn có người bất chợt hỏi: “Con dạo này sống vui nhiều không?”. Tôi đã gật đầu, gật liên tục. Lần đầu tiên được hỏi mà thấy lòng hân hoan như vậy.

Tin cùng chuyên mục