Người hóa giải những tranh chấp

Tự nguyện gia nhập đội ngũ hòa giải viên, đối thoại viên, chỉ trong gần 9 tháng, bà Nguyễn Thị Nguyên (sinh năm 1962, Trung tâm Hòa giải, đối thoại huyện Bình Chánh, TPHCM) đã giải quyết 201 vụ việc các loại. 

Trong số đó, có 181 vụ việc hòa giải thành, giúp các bên tránh được cảnh “đáo tụng đình” không mong muốn. Với thành tích ấn tượng này, đầu tháng 10 vừa qua, bà Nguyên là một trong 3 hòa giải viên tại TPHCM được nhận bằng khen của Chánh án TAND tối cao.

Bà giáo mê ngành luật

Công tác nhiều năm tại Trường Mầm non Hoa Sen ở quận Bình Tân, nhưng bà giáo Nguyễn Thị Nguyên lại say mê ngành luật. Bà tự mày mò tìm hiểu, đi học văn bằng 2 ngành luật. Từ khi nghỉ hưu, bà thỏa sức với say mê của mình. Người phụ nữ “ba đầu sáu tay”, vừa tiếp tục công việc của một hội thẩm nhân dân vừa làm trong Ban chấp hành Hội cựu giáo chức huyện Bình Chánh vừa tham gia công tác đối thoại hòa giải.

Bà Nguyên kể, công việc của một hội thẩm giúp bà có điều kiện tiếp cận các công việc của ngành tòa án nên phần nào hiểu được những khó khăn, áp lực của ngành này, khi mà khối lượng công việc cũng như tính chất phức tạp của từng vụ việc ngày càng tăng.

Khi tham gia xét xử các vụ án dân sự, lao động, kinh doanh thương mại, hành chính, hôn nhân và gia đình, bà Nguyên thấy rằng để xét xử triệt để một vụ án phải tốn rất nhiều công sức, thời gian, chi phí. “Lúc đó, tôi nhận ra rằng, cách đơn giản mà hiệu quả nhất để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện chính là hòa giải, đối thoại”, bà Nguyên chia sẻ.

Người hóa giải những tranh chấp ảnh 1 Bà Nguyễn Thị Nguyên (bìa phải) nhận bằng khen của Chánh án TAND tối cao 
do có nhiều thành tích trong thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại. Ảnh: MAI HOA

Chính vì suy nghĩ đó, khi tham gia phiên tòa, bà Nguyên tích cực cùng với hội đồng tìm nhiều giải pháp, hướng giải quyết để các bên tự thỏa thuận được với nhau. Mặc dù vậy, kết quả rất hạn chế, bởi khi ra tới tòa, tâm lý các bên đều căng thẳng, kiểu “thưa tới đâu tôi hầu tới đó”. Không khí trang nghiêm tại phiên tòa cũng góp phần khiến tâm lý các bên căng thẳng hơn, số vụ hòa giải thành rất ít. Việc đó khiến bà Nguyên trăn trở mãi.

Bởi vậy, cuối tháng 10-2018, khi huyện Bình Chánh được chọn thí điểm thực hiện Trung tâm Đối thoại hòa giải, bà tình nguyện tham gia ngay với mong muốn mãnh liệt là hòa giải, đối thoại thành công nhiều hơn nữa những vụ tranh chấp, khiếu kiện trong dân. Lúc này, kinh nghiệm 8 năm làm hội thẩm của bà bắt đầu “phát huy tác dụng”.

Kiên trì thuyết phục

Hòa giải, đối thoại 201 vụ việc trong gần 9 tháng, tính ra mỗi tháng phải làm hơn 22 vụ. Khối lượng công việc không hề nhỏ, áp lực rất lớn nhưng bà Nguyên đã hoàn thành xuất sắc. Chánh án TAND huyện Bình Chánh Đỗ Quốc Đạt bày tỏ lòng khâm phục khi nhắc đến sự nhiệt huyết, phương pháp làm việc khoa học của hòa giải viên Nguyễn Thị Nguyên.

Ông Đỗ Quốc Đạt cho hay, số vụ việc thì nhiều mà cả huyện chỉ có 5 hòa giải viên. Bà Nguyên ngày nào cũng tới tòa, nếu vụ việc đơn giản, bà làm gãy gọn rốt ráo giải quyết luôn ngay trong ngày. “Bà Nguyên phối hợp với tòa rất tốt, chịu khó nghiên cứu hồ sơ. Bà lên được nhiều phương án để các đương sự thỏa thuận, lựa chọn. Có lẽ vì rất kiên trì nên công việc của bà đạt hiệu quả cao”, Chánh án Đỗ Quốc Đạt nhận xét.

Khi được hỏi bí quyết, bà Nguyên chia sẻ: “Bí quyết là thuyết phục và thuyết phục”. Nói vậy nhưng bà cũng thừa nhận việc thuyết phục là rất khó. Gặp đương sự, ngoài việc nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc và lên phương án giải quyết, bà còn khéo léo thăm dò, nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh của từng người. Theo bà, nếu đưa vụ việc ra tòa thì tòa căn cứ vào luật để xét xử, tuyên án. Còn hòa giải viên không có quyền đó. Quyền lực của người hòa giải chính là khả năng thuyết phục.

“Tôi chuẩn bị sẵn nhiều phương án để các đương sự tự lựa chọn. Tôi cũng rèn thêm tính nhẫn nại và kiên trì thuyết phục, tạo khung cảnh làm việc thân thiện, chia sẻ khó khăn với đương sự để họ tin tưởng và đi đến đồng thuận trong việc giải quyết tranh chấp”, bà Nguyên tâm sự. Sự kiên trì của bà cùng các đồng sự đã được đền đáp. Bà vui vì thấy người dân bắt đầu hiểu được lợi ích của Trung tâm Hòa giải đối thoại.

Bởi theo bà Nguyên, hòa giải thành các vụ việc không chỉ góp phần giảm áp lực cho ngành tòa án, tiết kiệm được chi phí tiền bạc, thời gian cho các đương sự, mà việc này còn góp phần hàn gắn những rạn nứt, ngăn ngừa tranh chấp trong tương lai giữa các đương sự, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, giữ gìn khối đoàn kết, ổn định xã hội.

Nhờ những người như bà Nguyên mà ở huyện Bình Chánh, dù chỉ có 5 hòa giải viên, đối thoại viên và 2 thư ký, nhưng số vụ việc hòa giải thành công đứng hàng đầu của thành phố. Từ tháng 11-2018 đến hết tháng 8-2019, Trung tâm Hòa giải đối thoại huyện Bình Chánh thụ lý 1.151 đơn; trong đó, 632 vụ việc các đương sự có mặt để tiến hành hòa giải. Kết quả, trung tâm hòa giải thành 573 vụ, đạt 90,67%. Trung bình mỗi hòa giải viên, đối thoại viên hòa giải thành 97 vụ việc (riêng bà Nguyên hòa giải thành 181 vụ việc).

Việc thí điểm Trung tâm Hòa giải đối thoại huyện Bình Chánh vừa được tổng kết đầu tháng 10 vừa qua. Chánh án Đỗ Quốc Đạt cho biết, đang chuẩn bị nhân sự để khi chính thức có chủ trương thành lập Trung tâm Đối thoại, hòa giải huyện Bình Chánh, thì sẽ thực hiện ngay. Khi đó, không thể thiếu những người như bà Nguyên.

Tin cùng chuyên mục