Người “gác cửa” để ngư dân bám biển

Ông Nguyễn Thành Nam (57 tuổi, xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ảnh) là người trực Icom miễn phí suốt 3 năm nay cho các ngư dân an tâm bám biển. Ông được ví như người “gác cửa” tránh mọi bất trắc cho bà con ngư dân. 
Người “gác cửa” để ngư dân bám biển

Trực Icom miễn phí

“Alô! Tôi Nam đây, gọi tàu anh Hải nghe rõ trả lời. Nay sóng êm, biển lặng nhé, đánh bắt cá yên tâm anh Hải ơi!”. “Tôi, Hải nghe đây, biển Hoàng Sa êm lắm, được chừng tấn cá...”. Tiếng gió rít cùng những âm thanh cứ thỉnh thoảng rồ lên. Hạ máy bộ đàm, ông Nam bảo, thời tiết tháng 6 tốt, biển sóng êm, đây là thời điểm khai thác vụ cá Nam. Nhiều ngư dân dò qua Icom vừa hỏi thời tiết vừa trao đổi kinh nghiệm khai thác cá. 

Ngày nào cũng vậy, nếu trời yên biển lặng, cứ 16 giờ là ông mở Icom kết nối thông tin với các tàu đang đánh bắt trên biển, ai bắt được sóng cũng hỏi tình hình gia đình ở quê nhà. Vợ của ngư dân Nguyễn Đức Hải (chủ tàu QNg-90486, cùng xóm Gành Cả) cứ mỗi ngày lại chạy qua nhà, để nghe tiếng chồng đang ở khơi xa thì mới yên tâm. Ông Nam cho biết: “Hồi năm 2018, mấy anh em ngư dân trong xóm đến nhà chơi nói với tôi là họ muốn góp tiền để mua máy Icom và nhờ tôi trực liên lạc vì tôi có kinh nghiệm trực Icom cộng đồng trước đó”. Thế là hơn 27 chủ tàu góp mỗi người 1,5-2 triệu đồng/chủ tàu, mua chiếc Icom khoảng 40 triệu đồng. 

Ông Nam liên lạc với Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ để nhờ giúp đỡ thông tin dự báo thời tiết trước đó khoảng 1 tuần đến 1 tháng, vừa xem thời sự vừa tra cứu thông tin thời tiết trên mạng. Ông nói: “Tôi trực Icom không chỉ giúp đỡ cho 27 chủ tàu ở xóm Gành Cả mà còn các tàu trong địa bàn xã, kể cả một số tàu ở các huyện khác cũng liên lạc qua Icom của tôi để hỏi thăm tình hình thời tiết, gió trên biển”. Suốt 3 năm nay, dù thời tiết thuận lợi hay mùa mưa bão, ông Nam đều “trực chiến” 24/24 giờ. Ông lo lắng cho các ngư dân như lo lắng cho người thân, bởi ông cũng có 3 con trai đang ra khơi ở Biển Đông. Việc trực Icom của ông hoàn toàn miễn phí. Bởi ông cho rằng: “Bà con ngư dân phần lớn còn khó khăn, việc đánh bắt lúc được lúc mất. Không những thế, nhiều chủ tàu không may gặp tai ương ngoài biển thì trắng tay, nợ nần. Nhận tiền của bà con sao đành”. 

Giúp ngư dân yên tâm bám biển

Ông Nam nói: “Mùa này trời êm, biển lặng nhưng đến khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch thì bắt đầu mùa mưa bão, tập trung vào khu vực Trung Trung bộ. Dự báo có 6-7 cơn bão trong năm 2020”. Nắm được thông tin thời tiết, ông Nam đã giúp hàng trăm tàu cá tránh được đường đi của bão, tìm kiếm nơi neo đậu an toàn khi vươn khơi. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ sửa chữa thiết bị trên tàu nếu xảy ra sự cố hư hỏng giữa trùng khơi. Mới đây, hồi tháng 5-2020, tàu cá QNg-95028 cùng xóm Gành Cả, đang khai thác hải sản ở Hoàng Sa thì bị chết máy, tàu cầm cự để không bị trôi tự do. Lúc này, chủ tàu là Trần Thị Kim Phụng chạy qua nhà ông Nam để liên lạc với tàu đang ngoài khơi, nhờ ông Nam giúp đỡ. 

“Các ngư dân trên tàu hỏi tôi tìm thợ máy để đàm thoại với họ, họ sẽ tự khắc phục. Tôi tìm thợ máy đến vừa hướng dẫn cách duy trì đường đi của tàu, vừa nhanh chóng nhắn chủ tàu mua thiết bị gửi cho tàu cá đang xuất bến ra khơi khai thác. Tàu cá đi liên tục từ 4-6 ngày là đến Hoàng Sa thì đưa thiết bị cho tàu QNg-95028 kịp thời sửa chữa, quay trở về đất liền an toàn”, ông Nam nói.

Không chỉ liên lạc trên biển, ông còn giúp ngư dân làm giấy tờ khi tàu đang ở xa khơi. Hai chân ông Nam đi khập khiễng, thế nhưng cứ 8 giờ sáng, ông lại chạy xe máy lên TP Quảng Ngãi để giúp các ngư dân ở ngoài khơi xa nộp giấy tờ giải quyết các chế độ dành cho tàu cá đánh bắt xa khơi. Công việc của người đàn ông đã 57 tuổi này hoàn toàn không có hỗ trợ. Tất cả xuất phát từ tấm lòng thơm thảo của ông.

Trước đó, trong mùa mưa bão năm 2018, 2019, ông Nam cũng đã kịp thời thông báo, hướng dẫn cho hàng chục tàu cá biết hướng di chuyển của các cơn bão để tìm nơi trú tránh an toàn. Nhờ vậy mà cả xóm Gành Cả không có tàu nào bị nạn, trong khi một số tàu cá khác ở Quảng Ngãi bị chìm, nhiều ngư dân bị tử vong hoặc mất tích. Với ông Nam, thù lao ý nghĩa nhất mà ông nhận được đó là niềm vui khi ngày càng có nhiều ngư dân ngoài khơi kết nối với ông, các tàu cá bình an và cá đầy khoang về đến cảng. Ông nói: “Ngư dân xóm Gành Cả có truyền thống đi biển từ xưa đến nay, tôi chỉ góp phần nhỏ bé giúp các tàu cá yên tâm hoạt động ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa mà ông cha ta đã giữ gìn”.

Tin cùng chuyên mục