Người dân tiếp tục dựng lều canh xe công vụ, chờ được đối thoại về dự án điện

Cho đến chiều 1-7, người dân vẫn còn tụ tập, cử người dựng lều trại giữa nắng gắt để canh giữ 3 chiếc ô tô (trong đó có 2 xe công vụ của huyện Phù Mỹ) để chờ được đối thoại với lãnh đạo địa phương về việc giao trên 60ha đầm Trà Ổ đầu tư dự án điện mặt trời.

Dựng lều canh xe 

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, đến chiều 1-7, có khoảng 70 người dân dựng lều giữa nắng nóng để canh giữ xe công vụ của huyện Phù Mỹ và xe của doanh nghiệp.

Phía lãnh đạo huyện Phù Mỹ (Bình Định) vẫn chưa có động thái nào để can thiệp.

Người dân bắt đầu chặn, giữ xe công vụ vào ngày 28-6.

Hầu hết người dân mong muốn được đối thoại với lãnh đạo tỉnh về dự án. Họ cho rằng, việc giao diện tích 60ha mặt nước trên đầm Trà Ổ là vấn đề hệ trọng cần lấy ý kiến công khai của đông đảo nhân dân.

“Cấp trên không thể cứ áp đặt, chưa gì hết đã cử người về đào khoan, đo đạc, chằng dây điện để triển khai dự án... Trong khi, người dân chúng tôi không hay biết gì hết, như thế là thiếu tôn trọng dân. Cấp trên nói là mới có chủ trương chưa đả động gì, nhưng nghe đâu tháng 7 này họ đổ bộ để triển khai dự án rồi…”, một người dân bức xúc nói.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Bùi Xuân Bộ, Trưởng thôn Châu Trúc (xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ) cho biết thêm: “Người dân cắt cử hàng chục người thay phiên nhau để canh giữ 3 ô tô của đoàn công tác huyện và doanh nghiệp. Người dân chỉ dựng lều rạp ngồi canh, không có đập phá gì hết.”, ông Bộ nói.

Người dân thay phiên nhau dựng rạp canh giữ xe công vụ, chờ được đối thoại.

Ông Bộ khẳng định: “Không có sự kích động gì, chỉ là dân thấy ảnh hưởng đến lợi ích, đời sống của họ nên ra cản trở, giữ xe mong đối thoại với lãnh đạo tỉnh. Người dân mong muốn, cấp trên cần đảm bảo lợi ích của dân trước khi muốn làm dự án thì họ mới chịu yên ổn, ra về”, ông Bộ cho hay.

Ông Bộ cũng thông tin, dự án Nhà máy Điện mặt trời đầm Trà Ổ được triển khai như thế nào, đến đâu thì chính quyền cấp thôn cũng không được thông báo. Chỉ khi có đoàn công tác đến thăm dò, khảo sát thì mới biết là có dự án triển khai tại đầm Trà Ổ.

Dân lo ảnh hưởng đến sinh kế

Theo ông Bộ, dân bắt đầu nhóm lại phản đối từ ngày 28-6, khi đoàn công tác của huyện và doanh nghiệp đi kiểm tra, khảo sát chọn tuyến để xây dựng đường dây đấu nối hòa vào điện lưới quốc gia thì dân hỏi ra mới biết và ngay sau đó tập trung phản ứng.

“Khi đó thôn cũng đã báo cáo với UBND xã Mỹ Châu để nắm tình hình. Tuy vậy, chúng tôi cũng không biết gì nên không thể can thiệp giải thích cho dân được”, ông Bộ nói.

Đầm Trà Ổ với diện tích 1.200 ha, bao đời nay tạo sinh kế bền vững cho hàng ngàn hộ dân tại các xã Mỹ Thắng, Mỹ Lơi, Mỹ Đức và Mỹ Thọ. Riêng thôn Châu Trúc này có 342 hộ dân, có 90 % thu nhập nhờ vào đầm Trà Ổ.  

Người dân tiếp tục dựng lều canh xe công vụ, chờ được đối thoại về dự án điện ảnh 3            Nhiều người dân cho rằng việc lấy đi 60 ha đầm sẽ làm mất sinh kế của họ.

Khi được hỏi, Trưởng thôn Châu Trúc thổ lộ: “Người dân Châu Trúc, sinh con đẻ cái, nuôi con lớn lên đến bây giờ đều nhờ vào vùng đầm. Vì thế không thể nói, giao là giao được. Xưa nay họ hành nghề truyền thống như đánh bắt lưới chài, bắt tôm cá. Đầm có triển vọng để tiếp tục nhân mô hình nuôi loại cá chình mun, đặc sản có từ trước của đầm. Nếu đầm này được bảo vệ tốt, có định hướng về lâu dài thì sẽ mang lại thu nhập rất ổn định cho người dân nơi đây.”

Ngoài ra, nhiều người dân khác tại thôn Châu Trúc lo ngại, nếu lấy đến 60ha mặt nước thì lấy hết cả vùng đầm của cả thôn Châu Trúc. Sau đó, ghe đò của người dân sẽ không có lối ra đầm để đánh bắt, chiếm hết diện tích rất là lớn.
Người dân tiếp tục dựng lều canh xe công vụ, chờ được đối thoại về dự án điện ảnh 4 Cả ngàn hộ dân đang sống chủ yếu nhờ vào đầm Trà Ổ

Ngày 1-7, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Địnhsẽ không ra, trực tiếp đối thoại với dân. “Chưa làm và triển khai cái gì ảnh hưởng đến quyền lợi nên lãnh đạo tỉnh không thể ra đối thoại được. Hướng của chúng tôi là ngày mai sẽ tổ chức họp các ngành, kể cả các ban xây dựng Đảng để về củng cố hệ thống Chính trị của chi bộ thôn để giải quyết vấn đề”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, người dân lấy cớ rằng, việc lấy diện tích đầm lớn để làm dự án điện mặt trời thì dân người ta sẽ mất sinh kế. “Nhưng đầm đó đến 1.200ha, chúng ta làm có 60ha. Dự án này, đến khi triển khai thì địa phương mới nói cho dân biết. Trong 60ha đầm dùng để làm dự án, sẽ tạo 1 nơi trú ẩn cho thủy sinh, tạo nguồn cá phục vụ cho vùng đầm này. Do dân người ta chưa hiểu vấn đề nên mới sinh ra chuyện đó”, ông Dũng nói.

Về sinh kế của người dân, vị lãnh đạo huyện Phù Mỹ cho rằng, không có ảnh hưởng gì đến sinh kế của người dân trên đầm. Ông Dũng cũng khẳng định: “Khi nào đảm bảo các hoạt động, sinh kế của người dân trên đầm thì mới triển khai làm còn không thì sẽ không làm”. 

Được biết, tháng 1-2014, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định số 45/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đầm Trà Ổ được đưa vào diện bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước do địa phương quản lý. Nhiệm vụ đến năm 2020, diện tích quy hoạch bảo tồn loài và sinh cảnh trên đầm Trà Ổ là 1.600 ha; sẽ tăng lên 10.000 ha vào năm 2030.

Tin cùng chuyên mục