Người dân thực hiện thủ tục qua Cổng dịch vụ công quốc gia: tiết kiệm trên 4.000 tỷ đồng/năm

Việc chuyển từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm. Trong đó, tính riêng chi phí tiết kiệm được do thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia mang lại khoảng 1.736 tỷ đồng.
Họp báo sáng 7-12
Họp báo sáng 7-12

Sáng 7-12, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ (VPCP) họp báo về việc khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Cổng dịch vụ công quốc gia tại quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12-3-2019, sau 9 tháng triển khai, đến nay, việc xây dựng Cổng đã cơ bản hoàn tất. Chiều 9-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì lễ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thực hiện đề án Cổng dịch vụ công quốc gia, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã được lựa chọn đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ xây dựng hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng dịch vụ công quốc gia là 1 địa chỉ duy nhất kết nối liên thông với toàn bộ các Cổng dịch vụ công của các bộ ngành và địa phương nhằm phục vụ tra cứu và thực hiện các dịch vụ công trên không gian mạng. Cổng là đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công trực tuyến.

Tại cuộc họp báo, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC cho rằng, theo tính toán chi phí xã hội thực hiện 8 nhóm dịch vụ công, giả định với số lượng giao dịch như năm 2018, việc chuyển từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm, trong đó, tính riêng chi phí tiết kiệm được do thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia mang lại khoảng 1.736 tỷ đồng. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. 

Riêng những thông tin đã có được tích hợp tại Cổng mà doanh nghiệp, người dân không phải khai lại đã tiết kiệm tới 1.100 tỷ đồng/năm. Điều quan trọng hiện nay là phải hoàn thiện kỹ thuật phần mềm, tạo điều kiện để bất cứ người dân nào cũng đều tham gia được một cách thuận lợi.

Ông Mai Tiến Dũng cho biết, xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia là việc quan trọng, là nhiệm vụ lớn để tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Theo đó, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC là sự thành công trong cung cấp dịch vụ công của Chính phủ, đúng theo phương châm Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Tới đây, tất cả những vấn đề liên quan sẽ được luật hóa với Luật Chính phủ điện tử.

Vẫn theo Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP, đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp đối với cải cách TTHC là vô cùng bức thiết, với TTHC hiện nay, người dân phải mất thời gian, công sức cho việc thực hiện TTHC là rất lớn. Đây cũng là lĩnh vực mà tiêu cực, tham nhũng vặt “có đất sống”. Do đó, để thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng một nền hành chính hiện đại, Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ số, trong đó Cổng dịch vụ công quốc gia là rất quan trọng.

Ông Huỳnh Quang Liêm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết tập đoàn đã dành nhiều nguồn lực tập trung đáp ứng các yêu cầu về băng thông kết nối, vấn đề an toàn an ninh mạng. Hệ thống hạ tầng Cổng dịch vụ công quốc gia được triển khai trên hạ tầng VNPT-IDC: Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế Tier3 kết nối 63/63 tỉnh thành trên toàn quốc và kết nối với quốc tế với tổng dung lượng chiếm 70% băng thông quốc tế tại Việt Nam.

Toàn bộ các giải pháp để vận hành Cổng có sự phối hợp giữa VNPT và Bộ Công an cũng như các bộ ngành. Qua vận hành thử nghiệm cho thấy, quy trình bảo đảm an toàn thông tin, bí mật dữ liệu được bảo đảm. VNPT cũng đã có kinh nghiệm bảo mật thông tin của hơn 30 triệu khách hàng trong những năm qua.

Tại thời điểm khai trương, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ cung cấp các dịch vụ công, bao gồm 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố: đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện.

Cùng với đó là 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp bộ: Cấp Giấy phép lái xe quốc tế; Đăng ký khuyến mãi; Nhóm dịch vụ về Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đối với 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019 cung cấp thêm một số dịch vụ công, ví dụ tại TPHCM là Đăng ký hộ kinh doanh và Đăng ký thuế; Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng là Đăng ký khai sinh…Trong quý I-2020, các bộ, ngành, địa phương sẽ tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế cá nhân, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, thu phạt vi phạm giao thông đường bộ…

Cổng dịch vụ công quốc gia bao gồm các cấu phần chính:

-Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và bộ câu hỏi/trả lời liên quan đến TTHC

-Nền tảng xác thực, đăng nhập một lần kết nối với các Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh

-Nền tảng thanh toán trực tuyến

-Hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp

-Tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương

-Hệ thống hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.

Tin cùng chuyên mục