Người dân là chủ thể xây dựng và hưởng thụ Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Chương trình hành động về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh có 4 mục tiêu, 9 giải pháp và xác định cụ thể chủ thể thực hiện. Trong đó, Đảng bộ TPHCM sẽ lãnh đạo, chính quyền TPHCM quản lý, tất cả người dân đang sinh sống, làm việc, học tập tại TPHCM là chủ thể xây dựng, sáng tạo và thụ hưởng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. 

Sáng 7-10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị báo cáo viên TPHCM tháng 9 năm 2022.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM nhấn mạnh đến các nhiệm vụ cần tiếp tục tuyên truyền trong thời gian tới. Đó là, tuyên truyền về chủ đề năm 2022 của TPHCM; việc tổ chức, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt tuyên truyền kết quả Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII). Cùng với đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền về hiệu lực, hiệu quả các chính sách pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch. 

Người dân là chủ thể xây dựng và hưởng thụ Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ảnh 1 Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền báo cáo tại hội nghị. Ảnh: KIỀU PHONG
Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh; các bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại buổi làm việc với TPHCM vừa qua với sự tin tưởng, kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM trong thời gian tới.

Tập trung thông tin về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng năm 2022 và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm của TPHCM và cả nước; về Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM về kế hoạch tổng thể phòng chống dịch Covid-19.

Riêng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thọ Truyền thông tin, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu XI của Đảng bộ TPHCM, các địa phương, đơn vị đã chủ động thực hiện xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Về hình thức, chủ yếu là xây dựng các khu trưng bày, triển lãm hình ảnh, tư liệu  thành những điểm tham quan, tìm hiểu về Bác. Tuy nhiên, hiện Thành phố chưa có văn bản chính thức triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Hiện Ban Tuyên giáo đã tổ chức nhiều buổi lấy ý kiến, xây dựng dự thảo chương trình hành động và dự thảo (lần 4) đã trình Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. 

Chương trình hành động có 4 mục tiêu, 9 giải pháp và xác định cụ thể chủ thể thực hiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. 

Trước mắt xác định, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nơi truyền bá, tiếp thu, thực hành các giá trị văn hóa là không gian văn hóa Việt Nam. Trong đó, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được phát huy trong thực tiễn lịch sự cụ thể, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh trở nên gần gũi, sinh động, là tấm gương tốt để mỗi người dân Thành phố làm theo, trở thành sức mạnh đặc thù cho thành phố mang tên Bác.

Đảng bộ TPHCM sẽ lãnh đạo, chính quyền TPHCM quản lý, tất cả người dân đang sinh sống, làm việc, học tập tại TPHCM là chủ thể xây dựng, sáng tạo và thụ hưởng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. 

4 mục tiêu, gồm: Tiếp tục tập trung phát triển kinh tế - văn hóa, đảm bảo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân Thành phố theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cùng với đó, nâng cao niềm vinh dự tự hào trong từng cán bộ, đảng viên, hội viên và mỗi người dân của Thành phố vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đồng bộ về cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Đồng thời rà soát và có biện pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại trong xây dựng văn hóa và con người Thành phố.

Chương trình hành động cũng tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh; Phát triển văn hóa – xã hội nhanh và bền vững, đồng bộ với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, làm nền tảng cho Thành phố phát triển bền vững.

Song song đó, rà soát, tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng về văn hóa; phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, các thiết chế văn hóa, giáo dục trên địa bàn Thành phố gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Đặc biệt, đẩy mạnh xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng, truyền thông, báo chí…

Tin cùng chuyên mục