Người dân dưới núi Ra Pân chưa an cư

Vụ sạt lở núi Ra Pân kinh hoàng mùa mưa năm 2020 gần như đã “xóa sổ” một ngôi làng người Ca Dong ở xã miền núi Sơn Long, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi). Đến nay, đã 2 năm trôi qua, người dân vẫn chưa được bố trí tái định cư nên cuộc sống tạm bợ, sinh kế thiếu bền vững.

Mấy ngày qua, thời tiết rất xấu, trời mưa liên tục khiến nhiều người dân ở xã Sơn Long không thể vào rừng, lên rẫy được, do vậy đời sống nơi núi rừng này càng thêm khó khăn. Hộ ông Đinh Văn Tường (42 tuổi, làng Ra Pân), nạn nhân từ vụ sạt lở núi Ra Pân, vẫn đang sống chen chúc đến 7 thành viên trong ngôi nhà tạm bợ, xiêu vẹo rộng khoảng 50m2 phía sau trụ sở UBND xã Sơn Long. Trước đó, ông Tường vay mượn được 30 triệu đồng mua gỗ, vật liệu, chờ khu tái định cư (TĐC) đầu tư xong thì dời sang cất nhà mới. Nhưng khu TĐC làm mãi không xong, khiến hộ ông Tường và các hộ dân khác rất sốt ruột. “Giờ mong muốn của chúng tôi là sớm có nơi ở ổn định, an toàn để làm ăn. Cứ sống cảnh tạm bợ này miết cũng lo lắm, lỡ trời mưa bão thì nhà cửa sập hết lấy đâu tránh trú…”, ông Tường than thở. 

Các hộ dân vùng sạt lở núi Ra Pân đến nay vẫn còn sống trong những ngôi nhà tạm bợ, chưa thể an cư. Ảnh: NGỌC OAI
Tương tự, vụ sạt lở núi Ra Pân hồi tháng 11-2020 đã cuốn phăng đất đai, vườn tược, nương rẫy của gia đình chị Đinh Thị Xinh (35 tuổi, làng Ra Pân). Sau cơn đại nạn, gia đình chị Xinh gần như rơi vào ngõ cụt, bởi sinh kế mất hết trong khi nhà có đến 5 miệng ăn. Hiện gia đình chị Xinh đang sống trong cảnh rất khó khăn. Cùng tình cảnh ông Tường, chị Xinh, 54 hộ dân khác ở làng Ra Pân cũ cũng đang mòn mỏi chờ được an cư.

Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, cho biết: “Người dân vùng sạt lở núi Ra Pân đang sống tạm tại 2 khu đất sau trụ sở UBND xã (khoảng 7 hộ) và bên đồi Mang Len (khoảng 35 hộ). Sau vụ sạt lở, hầu hết bà con mất hết đất đai, nương rẫy, sinh kế cũng không có nên cuộc sống rất khó khăn. Có thời điểm xã phải chạy vạy để tìm nguồn lương thực, gạo cứu đói cho bà con”.

Lý giải nguyên nhân chậm đầu tư khu TĐC cho người dân vùng sạt lở núi Ra Pân, ông Bùi Thanh Vân, Trưởng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Sơn Tây, nói: “Do mấy tháng nay trời mưa liên tục nên công tác đầu tư, xây dựng khu TĐC bị trì hoãn. Hiện nay đơn vị đang tranh thủ thời tiết để đầu tư nhanh, sớm có mặt bằng khu TĐC, đưa người dân kịp đến ở trước mùa mưa bão sắp tới. Cơ bản đơn vị đã thực hiện 70% công việc, còn lại 30% dự kiến đến hết tháng 8 này sẽ hoàn thành”.

Được biết, khu TĐC cho người dân vùng sạt lở Ra Pân được UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa vào công trình thiên tai cần đầu tư cấp bách phục vụ người dân. Tổng vốn dự án 29 tỷ đồng, tuy nhiên đây mới chỉ là kinh phí làm mặt bằng, hạ tầng, giếng khoan… Các hộ dân đến nhận mặt bằng phải tự bỏ chi phí đầu tư nhà ở. Trong khi đó, sau vụ sạt lở, người dân làng Ra Pân rơi vào tình thế mất trắng sinh kế, nên nếu không có chính sách hỗ trợ từ địa phương về nhà ở, đất đai, nghề nghiệp thì rất khó để các hộ dân an cư, lạc nghiệp.

Sớm dời dân ra khỏi nguy cơ sạt lở

Theo UBND xã Sơn Long, toàn xã hiện vẫn còn nhiều vùng dân cư rải rác đang nằm trong nguy cơ sạt lở rất cao vào mùa mưa lũ. Trong đó, cấp bách nhất là 40 hộ dân ở các thôn Mang Hinh, Ra Lin… Vừa qua, UBND xã đã kiến nghị cấp trên bố trí nguồn vốn đầu tư thêm vài khu dân cư để đưa người dân đến định cư ở nơi an toàn.

Tin cùng chuyên mục