Người dân đã không còn chặn trước cổng nhà máy xử lý rác ở Hà Tĩnh

Sau khi chính quyền có cam kết với người dân ở thôn Nam Xuân Sơn (xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) là trong vòng 20 ngày sẽ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, nên người dân đã chấp nhận tháo gỡ phông bạt, các vật cản đưa về nhà và không còn chặn trước cổng nhà máy nữa.
 Người dân ở thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh đã tháo dỡ phông bạt, không còn chặn cổng Nhà máy xử lý rác thải Phú Hà
Người dân ở thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh đã tháo dỡ phông bạt, không còn chặn cổng Nhà máy xử lý rác thải Phú Hà

Trưa ngày 13-8, ông Lê Xuân Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, người dân ở thôn Nam Xuân Sơn thuộc xã này đã tháo gỡ phông bạt, các vật cản rời khỏi khu vực cổng Nhà máy xử lý rác thải Phú Hà để về nhà.

“Sau nhiều lần chính quyền huyện, xã về đối thoại, làm việc cụ thể với các hộ dân, đồng thời thuyết phục, giải thích thì người dân đã tháo gỡ phông bạt, 2 băng rôn xuống, dọn dẹp các vật cản và không còn chặn trước cổng nhà máy. Lãnh đạo huyện Kỳ Anh đã làm việc với tỉnh và hẹn trong khoảng 20 ngày sẽ tiếp tục từng bước giải quyết, vì đang còn liên quan đến phê duyệt quy hoạch tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng." - ông Lê Xuân Lành Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân cho biết.

Ông Lành cũng cho biết thêm, về phía xã cũng đã trao đổi với người dân là tỉnh có thông tin họp bàn bạc. Trong 20 ngày xã với huyện, tỉnh, các hộ dân sẽ phối hợp với công ty để giải quyết. Thôn Nam Xuân Sơn có 48 hộ dân ở trong vòng bán kính khoảng 500m bị ảnh hưởng của nhà máy.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Phừng (60 tuổi, người dân thôn Nam Xuân Sơn), cho biết: “Sau khi chính quyền có cam kết với người dân là trong vòng 20 ngày sẽ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh nhà máy này, nên tối ngày 12-8, người dân đã tháo gỡ phông bạt, các vật cản đưa về nhà và không còn chặn trước cổng nhà máy Phú Hà nữa”.

Sáng ngày 13-8, theo quan sát, sau khi người dân ở thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân tháo gỡ phông bạt, băng rôn, bàn ghế và các vật cản khác thì các hoạt động trước cổng của Nhà máy xử lý rác thải Phú Hà đã trở lại bình thường.

Người dân đã không còn chặn trước cổng nhà máy xử lý rác ở Hà Tĩnh ảnh 1 Các hoạt động trước cổng Nhà máy xử lý rác thải Phú Hà đã trở lại  bình thường sau 2 ngày bị chặn
Như Báo SGGP đã đưa tin, từ ngày 11 đến ngày 12-8, nhiều người dân ở thôn Nam Xuân Sơn đã tập trung dựng rạp chặn ngang trước cổng Nhà máy xử lý rác thải Phú Hà để ngăn cản không cho các xe tải vận chuyển rác thải vào nhà máy nhằm phản đối việc nhà máy này đốt, xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Sự việc khiến nhà máy không thể tiếp nhận rác thải trong và ngoài địa bàn tỉnh Hà Tĩnh để hoạt động.

Trước đó, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Liên quan đến nhà máy xử lý rác Phú Hà thì thời gian qua bà con nhân dân ở thôn Nam Xuân Sơn đã có kiến nghị và huyện cũng đã tổ chức đối thoại với bà con. Nhìn chung bà con kiến nghị trong trật tự và đề nghị di dời dân ra khỏi khu vực gần nhà máy. Huyện đã có các phương án báo cáo với tỉnh, và tỉnh đã giao các cơ quan chuyên môn của tỉnh để tham mưu UBND tỉnh".

Ông Hoàn cũng cho biết thêm, hiện nay, lãnh đạo tỉnh đã có phương án soát xét lại việc xây dựng các khu tái định cư và chuẩn bị các phương án tối ưu, chuẩn bị kinh phí để thực hiện việc đảm bảo môi trường cũng như các nội dung khác để di dời dân, các phương án sẽ được xem xét một cách thấu đáo để làm sao cho nhà máy hoạt động được nhưng đồng thời bà con cũng ổn định yên tâm cuộc sống. Về phía huyện cũng đã xây dựng phương án ban đầu là khoảng 75 tỷ đồng, còn việc di dân tái định cư là một vấn đề lớn cần phải nghiên cứu một cách thấu đáo và có sự đồng thuận giữa các cấp, các ngành để tổ chức thực hiện…

Cơ sở “Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp” (gọi tắt là Nhà máy xử lý rác thải Phú Hà, thuộc Công ty TNHH Môi trường Phú Hà, là nhà máy xử lý rác thải lớn nhất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tính đến thời điểm hiện tại), với công suất  1.560 tấn/ngày-đêm (giai đoạn I trên diện tích 20ha với kinh phí đầu tư 625 tỷ đồng), tọa lạc tại địa bàn thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân.

Tin cùng chuyên mục