Người dân chủ động thích ứng an toàn với dịch Covid-19

TPHCM có kế hoạch từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Để chủ động thích ứng với cuộc sống bình thường mới, hầu hết người dân đều có “kịch bản” cho riêng mình. Điều này nhằm ứng xử an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm khi trở lại làm việc, tham gia các hoạt động xã hội.
Công nhân KCX Tân Thuận được tiêm vaccine Covid-19, đảm bảo đủ điều kiện làm việc khi công ty phục hồi hoạt động sản xuất. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Công nhân KCX Tân Thuận được tiêm vaccine Covid-19, đảm bảo đủ điều kiện làm việc khi công ty phục hồi hoạt động sản xuất. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Chuẩn bị kịch bản thích ứng an toàn

Gần 1 tuần nay, chị Hồng (tiểu thương chợ Tân Thuận, quận 7) tập ngủ sớm, dậy sớm để chuẩn bị cho ngày ra chợ trở lại. Dậy sớm, chị tranh thủ đọc tin tức, nắm tình hình dịch bệnh, biện pháp mới phòng chống dịch và trong lòng luôn ngóng trông, mong thành phố sớm kiểm soát dịch bệnh, cho phép chợ hoạt động trở lại. Dù chưa biết khi nào chợ Tân Thuận - nơi chị Hồng buôn bán, được mở cửa nhưng vợ chồng chị đã tất bật kết nối lại với các mối hàng. Kế hoạch mở cửa an toàn với dịch cũng được chị tính kỹ rồi chuẩn bị khẩu trang, nước xịt khuẩn để khử khuẩn túi hàng và tiền trước khi giao cho khách. 

Hơn 4 tháng chống chọi với dịch Covid-19, các tầng lớp nhân dân ở TPHCM đã thấm với những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Đến nay, hầu như ai cũng hiểu, sống chung với dịch là điều khó tránh khỏi. Khi thành phố xây dựng kế hoạch từng bước nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế, người dân cũng chuẩn bị cho mình những kịch bản riêng để thích ứng.

Nhà nằm đối diện công viên chung cư 10 mẫu (TP Thủ Đức) nhưng gần 4 tháng nay, các con anh Nguyễn Duy Đông không được qua công viên chơi. Nhà nhỏ, chơi đồ chơi, xem ti vi hoài cũng chán, nhiều lúc cuồng chân cuồng tay, tụi nhỏ đòi xuống công viên chạy nhảy nhưng vợ chồng anh không đồng ý. Anh Đông mong muốn sau khi thành phố nới lỏng giãn cách, công viên được phép hoạt động, thi thoảng các con anh được xuống chạy một vài vòng cho khỏe khoắn.

Chuẩn bị cho thời khắc đó, anh Đông dạy các con thật kỹ nguyên tắc 5K. “Trước sau gì cũng phải cho tụi nhỏ ra ngoài, đâu thể nhốt mãi trong nhà, nên mình phải dạy cách thích ứng để có thể phòng tránh dịch bệnh”, anh Đông chia sẻ.

Vì lợi ích chung

Trước khi có tên trong danh sách những nhân viên trở lại làm việc từ ngày 1-10, chị Nguyễn Ngọc Thuận (ngụ TP Thủ Đức) đã tự trang bị khẩu trang, đồ bảo hộ, tấm chắn giọt bắn và một số chai nước rửa tay mini. Chị Thuận là nhân viên ngân hàng nên chị xác định khi thành phố dần phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh thì công việc của chị sẽ rất nhiều. Bởi vậy trong kế hoạch, chị cũng tính toán đến tình huống đi làm, gặp khách hàng ra sao để bảo vệ an toàn cho bản thân, cho khách hàng.

Nhìn lên cuốn lịch treo tường, chị Trần Thanh Mai, ngụ quận 4 (công nhân may tại KCX Tân Thuận) khá bất ngờ khi chỉ vài ngày nữa là tròn 120 ngày công ty tạm ngừng hoạt động. Chị Mai cho biết, những ngày nghỉ làm vì dịch, gia đình đã tiêu khoản tiền dành dụm dự định mua cho con trai chiếc xe máy khi vào đại học. “Giờ ra ngoài cũng lo lắng, nhưng tôi đăng ký đi làm trở lại khi công ty tái sản xuất. Khu trọ tôi ở giờ đã là vùng xanh. Tôi và ông xã cũng được tiêm mũi 2 vaccine. Chúng tôi cũng chuẩn bị thêm nước rửa tay, kính chắn giọt bắn và nhắc nhở nhau tuân thủ nghiêm 5K”, chị Mai cho biết. 

Trên mạng xã hội những ngày này, nhiều bạn sinh viên không giấu được sự háo hức với cuộc sống “bình thường mới” sắp tới. Rất nhiều kế hoạch, mục tiêu, dự định được liệt kê, nhưng nội dung được nhắc nhở nhau thường xuyên là 5K. Bạn Nguyễn Hoàng Vy, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết nhớ quay quắt trường, lớp, các hoạt động đoàn thể, những góc phố thân quen và những buổi cà phê, mua sắm, du lịch với bạn bè. Dù vậy, Vy ý thức luôn thận trọng để không vì thỏa mãn bản thân mà ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch chung. 

Mỗi người một cách, nhưng đa phần, người dân đã chủ động có cách của mình để “nhập cuộc an toàn” khi thành phố mở cửa trở lại. Họ ý thức rằng, thích ứng an toàn với dịch Covid-19 là yêu cầu quan trọng đối với mỗi người. Đó cũng là điều kiện quan trọng để có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt đời thường.

Tiêm 2 mũi vaccine vẫn phải 5K

Khi TPHCM nới lỏng giãn cách, một bộ phận người dân sẽ ra đường, đi làm việc, đi chợ, siêu thị hoặc tham gia các hoạt động xã hội… Vì vậy, từng người cần nhận biết rõ về nguy cơ của bản thân, của người sắp tiếp xúc và nguy cơ thế nào với người thân trong nhà. Bởi, mỗi người có ý thức rõ với môi trường tiếp xúc sẽ giúp hạn chế tối đa bị lây nhiễm, từ đó bảo vệ được người thân trong gia đình.

Nếu bản thân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine tiếp xúc với người cũng tiêm đủ liều vaccine thì nguy mắc Covid-19 sẽ nhẹ và khó lây nhiễm cho người khác. 

Những người chưa tiêm đủ liều vaccine, có nguy cơ cao như trên 65 tuổi, có bệnh nền cũng phải hiểu khi mình tới một nơi nào đó thì khả năng bị virus tấn công rất lớn. Do đó, trong thời gian chờ tiêm mũi 2 hoặc chờ mũi 2 phát huy tác dụng thì nên hạn chế tới nơi đông đúc. Lưu ý, dù “bình thường mới”, người dân vẫn cần tuân thủ 5K. Điều quan trọng, ai chưa tiêm vaccine đủ 2 mũi thì phải tham gia tiêm. Đừng suy nghĩ bỏ giãn cách là ta bỏ đi tiêm ngừa.

Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH (nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1)

Tin cùng chuyên mục