Người dân châu Á tiết kiệm trong thời kỳ lạm phát

Chuỗi cung ứng toàn cầu chưa hồi phục trong thời kỳ hậu Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine đang đẩy lạm phát tăng cao, gây khó cho cuộc sống người dân toàn cầu. Châu Á cũng không thoát khỏi tình trạng này. Vì vậy, người dân nơi đây đang bằng mọi cách dè sẻn chi tiêu, cộng với sự hỗ trợ của chính phủ, để đối phó với cơn sóng tăng giá nhiên liệu và thực phẩm.
Giá các mặt hàng thực phẩm ở Thái Lan tăng theo giá nhiên liệu
Giá các mặt hàng thực phẩm ở Thái Lan tăng theo giá nhiên liệu

Nhiều quốc gia châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Ấn Độ và Thái Lan, cũng là những nước nhập khẩu chính nhiên liệu hoặc thực phẩm; và khi 2 mặt hàng này tăng cao, cuộc sống người dân trở nên đắt đỏ hơn.

Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, giá nhiên liệu tăng gây tổn hại cho các thị trường mới nổi hơn là các nền kinh tế tiên tiến, vì chi phí nhiên liệu chiếm tỷ lệ lớn hơn trong ngân sách tiêu dùng ở các nước đang phát triển.

Ông Apichart Prairungruang, Chủ tịch Liên đoàn Vận tải đường bộ Thái Lan, cho biết, từ yêu cầu của các chủ xe tải đang thua lỗ trong nhiều tháng do giá dầu diesel cao, chính phủ đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nhiên liệu để giảm bớt áp lực về giá. Nếu không, liên đoàn phải tăng phí giao thông lên từ 15% đến 20%, điều này cuối cùng do các hộ gia đình gánh chịu.

Anh Butsakon Phadoem, 25 tuổi, người Thái Lan, nói rằng lương của anh không tăng, nhưng mọi thứ đều đắt đỏ hơn. Nhiều người dân Thái Lan không còn cho thêm thịt và rau vào bát mì để cắt giảm chi phí sinh hoạt. Một số gia đình đang chuyển sang dùng thịt cá sấu khi giá thịt heo tăng.

Tại Hàn Quốc, nhiều hộ gia đình ở Seoul phải giảm sử dụng máy lạnh đến mức tối thiểu để hạn chế mức tiêu thụ điện. Một cuộc khảo sát mới do Tập đoàn công nghệ Cisco thực hiện trong năm 2022 với hơn 6.000 người tham gia từ Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines cho thấy, 86% người lao động tiết kiệm tiền bằng cách làm việc tại nhà một phần trong vòng 1 năm qua. Tiết kiệm trung bình đạt hơn 7.500 USD/năm, với 85% người được hỏi cho biết họ có thể duy trì những khoản tiết kiệm này trong thời gian dài thông qua lịch trình làm việc kết hợp ở nhà và đến cơ quan. Khoảng 88% người được hỏi cho biết công việc kết hợp giúp họ tiết kiệm tiền cho nhiên liệu và các chi phí đi lại khác.

Nhìn chung, lạm phát ở hầu hết châu Á vẫn thấp hơn nhiều so với một số nền kinh tế phương Tây, bao gồm cả Mỹ, nơi giá tiêu dùng tăng hơn 8% so với năm 2021 - mức cao nhất trong 4 thập niên. Tuy vậy, nhiều chính phủ ở các nước châu Á vẫn có bước đi tích cực giúp bảo vệ công chúng trước một số đợt tăng giá, và hầu hết các ngân hàng trung ương trong khu vực đã không phải tăng lãi suất nhanh chóng như ở các nước phương Tây. Những nỗ lực khác nhau cũng đã chuyển phần lớn gánh nặng chi phí từ người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ sang chính phủ.

Anh Baskoro Santoso, nhân viên của Công ty sản xuất đồ ăn nhanh Mayora Indah, Indonesia, cho biết, công ty của anh không nhận thấy bất kỳ sự suy yếu nào về sức mua, bất chấp đã điều chỉnh giá từ nửa cuối năm 2021. Indonesia, quốc gia có lịch sử biến động tài chính và thay đổi giá cả, tuần trước đã tăng trợ cấp nhiên liệu lên 24 tỷ USD để kiềm chế chi phí nhiên liệu.

Mặc dù nhiều nhà bán lẻ ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này vẫn phải tăng giá, nhưng nhu cầu hộ gia đình vẫn mạnh và lạm phát nằm trong biên độ mục tiêu 2-4% của ngân hàng trung ương. Tại Hàn Quốc, chính phủ hỗ trợ tiền điện cho người dân để giúp giảm bớt gánh nặng chi phí của các hộ gia đình.

Tin cùng chuyên mục