Ngừng đổ thừa khi phim thất bại

Nhiều phim Việt thất bát ở doanh thu phòng vé đã cho thấy sự bất ổn trong khâu làm phim hiện nay. Thay đổi là điều tất yếu, nhưng thay đổi như thế nào để nâng chất, lấy lại niềm tin khán giả lại không phải là việc đơn giản. 
Huyền sử vua Đinh gây thất vọng về chất lượng phim
Huyền sử vua Đinh gây thất vọng về chất lượng phim

Dám chấp nhận thất bại 

Khi một bộ phim có doanh thu phòng vé tốt, hay được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng, hiển nhiên người được hưởng niềm vui và sự tự hào là các nhà làm phim. Nhưng khi phim thất bại sẽ có hàng tá nguyên nhân được đưa ra như một sự bao biện. Đơn cử như đạo diễn Huyền sử vua Đinh cho rằng, phim “trắng tay” tại rạp là vì phim lịch sử rất kén khán giả, kinh phí đầu tư hạn hẹp, phim phải đối đầu với các phim ngoại nhập, nhà rạp không tạo điều kiện hỗ trợ suất chiếu tốt… Trước đó, Lý Nhã Kỳ cũng cho rằng, phim Kẻ thứ 3 bị xếp lịch chiếu “trời ơi đất hỡi” và ngỏ lời kêu cứu cho phim được “thêm suất chiếu với thời gian phù hợp để khán giả yêu phim Việt có thể xem”. 

“Khán giả không ra rạp tức là họ có lý do để chê bộ phim. Nhà làm phim nên coi lại bản thân mình, đừng trách móc, đổ thừa để có điều chỉnh tốt hơn. Có trách, hãy trách bản thân mình làm phim không đủ hay để kéo khán giả ra rạp. Việc đổ thừa lý do bên ngoài không giải quyết tận gốc vấn đề tại sao nó xảy ra như vậy”, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thẳng thắn bày tỏ. Cùng quan điểm, nhà phê bình Tuấn Lalarme bổ sung: “Nhà làm phim nên trưởng thành lên, biết đúng sai, biết nhận góp ý và biết nâng cấp trình độ bản thân để nhìn nhận đúng về tác phẩm mình làm ra”.  

Ai làm phim cũng có sự tự tin về sản phẩm mình làm ra. Trong quá khứ, những phim thất thu lớn về doanh thu phòng vé, nhất là phim có chất lượng thấp, hiếm khi nhà làm phim dám lên tiếng nhận lỗi. Rõ ràng, việc phân tích lại thành - bại của bộ phim là cách nhìn trực diện, thẳng thắn, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm quý báu. Nó cũng biểu thị sự tôn trọng khán giả. 

Nâng chất từ gốc

Nhà làm phim nào cũng hiểu, kịch bản luôn phải là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất cần được chăm chút và đầu tư nhiều nhất. Với Tro tàn rực rỡ, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mất 2 năm để hoàn thành khâu kịch bản dù anh đã có cái gốc chất lượng từ 2 truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Hay với Thanh sói, Ngô Thanh Vân phải huy động đội ngũ 5 biên kịch cùng góp sức, trong đó có vợ chồng đạo diễn phim Đêm tối rực rỡ Aaron Toronto. Mới đây, đạo diễn Charlie Nguyễn cũng chia sẻ trên trang cá nhân, anh và ê kíp đang phát triển một dự án bom tấn với một kịch bản đã trải qua 12 năm, có sự tham gia của 8 nhà biên kịch đến từ 3 quốc gia. 

Tôi chưa bao giờ biết công thức để thành công và chỉ biết cố gắng làm tốt nhất, chỉn chu nhất. Tôi luôn tâm niệm phải kể câu chuyện gần gũi, dễ hiểu. Tất cả đều phải có sự tính toán để kể câu chuyện đa phần mọi người sẽ thích
Đạo diễn Lý Hải
Thậm chí, nói như đạo diễn Lý Hải, với mỗi dự án, anh đưa ý tưởng cho mọi người và phải ít nhất 70% trong số đó thích, anh mới phát triển thành kịch bản. Đây cũng là quan điểm của biên kịch Trần Khánh Hoàng: “Hãy kể câu chuyện bản thân thấy hay, đọc đi đọc lại thấy hào hứng muốn được làm thành phim. Và khi đưa cho ê kíp, mọi người có cùng cảm giác đó và quyết tâm phải làm để thấy câu chuyện trên màn ảnh, hứa hẹn sẽ có bộ phim thành công. Một kịch bản, một bộ phim hay, từng phân cảnh phải hay”. 

Một điều quan trọng không kém, theo đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, khi bắt tay vào thực hiện bất cứ dự án nào, nhà làm phim cần biết thực lực của mình đến đâu để chọn đề tài phù hợp. Anh phân tích: “Nếu nhắm không làm được những gì hoành tráng, hoàn toàn có thể kiếm những đề tài trong khả năng, gần với bản thân, mang tính xã hội… Tôi cho rằng, không thể nhắm mắt làm liều, nhất là với những đề tài đòi hỏi cao về nhân lực, kỹ thuật… Thậm chí, làm những thứ ngoài khả năng còn có thể khiến mình bị nhụt chí, không thể đi đường dài”.

Đồng quan điểm, đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng chọn làm phim theo hướng “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Anh xác định, phải tập trung làm nghiêm túc, đàng hoàng trong từng phân cảnh mới có thể chinh phục và giữ chân khán giả. Như với dự án Siêu lừa gặp siêu lầy, dù có ý tưởng từ năm 2018, nhưng phải 4 năm sau, trải qua quá trình bàn thảo kịch bản rất kỹ với các cộng sự, nhà phát hành, anh mới dám bắt tay thực hiện. Cũng theo Võ Thanh Hòa, một nguyên tắc anh đặt ra cho mình trong quá trình làm phim, đó là phải dùng người, dùng tiền đúng nơi, đúng việc. 

Mỗi nhà làm phim cần xác định kim chỉ nam, phải luôn trong tâm thế và sẵn sàng hành động một cách nghiêm túc để có tác phẩm ngày càng tốt hơn. 

Tin cùng chuyên mục