Ngưng cho vay ngoại tệ: Không ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp

Theo Thông tư 42/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 24/2015 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 1-10-2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn. Đổi lại, các ngân hàng thương mại (NHTM) đưa nhiều công cụ tài chính giúp doanh nghiệp (DN) ứng phó với những thay đổi của thị trường.
Giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: PHAN LÊ
Giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: PHAN LÊ

Chỉ 4 nhu cầu được vay ngoại tệ

Trước đó, từ ngày 1-4-2019, các DN xuất khẩu đã không được vay vốn bằng ngoại tệ cho các nhu cầu ngắn hạn. Và đến ngày 1-10-2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ xem xét cho vay bằng ngoại tệ đối với 4 nhu cầu vốn. Thứ nhất, cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Thứ hai, cho vay ngắn hạn đối với DN đầu mối nhập xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu không có hoặc không đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Thứ ba, cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam, mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền thanh toán phải bằng ngoại tệ.

Thứ tư, cho vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài và đã được Bộ KH-ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Với động thái này, lãnh đạo NHNN cho biết, đây là bước đi nhằm cụ thể hóa chủ trương hạn chế tình trạng USD hóa tại Việt Nam, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. Hiện NHNN đã cấp phép cho nhiều tổ chức tín dụng kinh doanh ngoại hối. Điều này là hợp lý và sẽ tác động tích cực đến chủ trương hạn chế USD hóa nền kinh tế.

Nhiều NHTM xác nhận, việc ngừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn có ảnh hưởng đến DN nhưng không lớn vì khách hàng đã được thông báo, tính toán trước kế hoạch đầu tư sản xuất từ vốn vay bằng ngoại tệ. Thời gian qua, các đối tượng DN được vay USD đã giảm dần theo lộ trình của NHNN và bản thân các NHTM cũng giảm dần huy động USD đầu vào để tiến đến chấm dứt cho vay ngoại tệ. 

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho rằng động thái này sẽ hạn chế việc vay ngoại tệ của các DN nhập khẩu để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, buộc DN phải chuyển qua vay VND để mua ngoại tệ thanh toán tiền hàng nhập khẩu. Lãi suất vay VND cao hơn lãi suất vay USD khoảng 3% - 4%, trong khi tỷ giá năm nay dự kiến biến động khoảng 2% nên chi phí vay vốn bằng VND của DN có tăng nhưng không nhiều. 

Tận dụng công cụ phái sinh

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bây giờ DN phải vay VND, sau đó đổi ra ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí tài chính, chi phí vốn. Tuy nhiên, hiện tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ ở mức cao, NHNN có thể cân đối được trạng thái ngoại tệ, nên việc hạn chế và chấm dứt cho vay ngoại tệ vào thời điểm này là hợp lý. Với hạn chế này, DN có thể tìm những nguồn tài trợ giá rẻ khác, như phát hành trái phiếu, tìm cách sử dụng vốn của đối tác thương mại thông qua đàm phán với các nhà cung cấp nguyên vật liệu về thời gian trả chậm dài hơn… 

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, hiện kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát thấp và tỷ giá ổn định đã giúp niềm tin với VND tăng cao, kéo theo việc găm giữ USD được kỳ vọng tiếp tục giảm nên sẽ không khó khăn nhiều đối với các tổ chức tín dụng lẫn DN. Để đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ, DN sẽ cần sử dụng nhiều hơn nữa công cụ phái sinh như hợp đồng tương lai, hợp đồng có kỳ hạn... để giảm thiểu rủi ro tỷ giá. 

Hiện nhiều ngân hàng đã cung cấp công cụ phái sinh để bảo đảm DN muốn mua ngoại tệ trong tương lai, được cung cấp theo hợp đồng kỳ hạn. Công cụ này giúp giảm thiểu rủi ro cho DN vì tỷ giá tương lai đã được xác định ngay từ đầu. Trong đó, hình thức mở Thư tín dụng (L/C) trả chậm cũng là một trong những giải pháp mà nhiều NHTM hỗ trợ khách hàng nhằm giảm thiểu tác động từ chính sách tín dụng này. 

Cụ thể, Eximbank đang được các định chế tài chính cung cấp hạn mức tài trợ thương mại đủ lớn để hỗ trợ cho khách hàng trong việc thanh toán trả chậm, L/C trả chậm, L/C Upas (thư tín dụng trả chậm có thể gửi thanh toán ngay)… Tương tự, với doanh số tài trợ thương mại lên tới hơn 3 tỷ USD/năm, SHB có sản phẩm cho vay bảo đảm bằng bộ chứng từ xuất khẩu, với tỷ lệ vay lên tới 98% dành cho khách hàng và thời hạn cho vay lên tới 6 tháng.

Theo đó, các DN có hoạt động xuất khẩu sẽ được SHB tài trợ vốn lưu động dựa trên bộ chứng từ hàng xuất theo phương thức thanh toán bằng thư tín dụng (L/C); nhờ thu (nhờ thu trả nhanh D/P, nhờ thu trả chậm D/A); giao chứng từ nhận tiền ngay (CAD); đồng thời sẽ tư vấn cho khách hàng các giải pháp giảm thiểu rủi ro khi có biến động tỷ giá, tư vấn các giải pháp tài chính thay  thế… nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh của DN ít bị ảnh hưởng nhất.

Theo Chiến lược phát triển ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030, được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 986/2018, từ năm 2020 sẽ giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% và đến năm 2030 còn 5%; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng USD hóa trong nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục