Ngư dân trúng đậm tép biển

Những ngày qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhiều ngư dân ở ven biển tỉnh Hà Tĩnh ra khơi đánh bắt ở vùng biển gần bờ. Khi cập cảng, các tàu đầy ắp tép biển (còn gọi là con ruốc, moi). Đây là tín hiệu vui đối với ngư dân địa phương sau thời gian dài cho tàu nằm bờ do ảnh hưởng các đợt bão lũ vừa qua.
Tép biển được tập kết tại cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà)
Tép biển được tập kết tại cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà)

Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, từ ngày 18-11 đến nay, tại cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà), mỗi ngày có khoảng 30 - 50 lượt tàu đánh bắt tép biển cập cảng, mỗi tàu thu được khoảng 1 - 2 tấn tép biển. Tương tự, ở các bến bãi thuộc các xã ven biển huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Thạch Hà…, việc mua bán tép biển cũng diễn ra đông đúc. 

Ngư dân Dương Đình Cảnh (ở xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà) cho biết, sau bão số 13 đến nay, tép biển xuất hiện rất nhiều tại vùng biển gần bờ ở tỉnh Hà Tĩnh. Sử dụng tàu công suất 160CV (trên tàu có 3 lao động), đánh bắt trong 3 ngày, ngư dân Cảnh đã thu về khoảng 9 tấn tép biển.

Theo nhiều ngư dân ở Hà Tĩnh, đánh bắt tép biển trong phạm vi khoảng 1 - 3 hải lý trở vào không mất quá nhiều công sức, nhân lực. Tép biển khi đưa vào các cảng cá, bến bãi được thương lái thu mua với giá dao động 6.000 - 8.000 đồng/kg. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, tép biển sau khi chế biến còn được xuất khẩu. Mùa tép biển thường kéo dài từ tháng 10 âm lịch đến tháng 5 năm sau. Ngoài chế biến mắm, ruốc, các món ăn khác, tép biển còn được phơi, sấy khô làm thực phẩm sử dụng quanh năm.

Tép ở vùng biển Hà Tĩnh ngon nên được thương lái đón mua nhiều. Đánh bắt tép được mùa không chỉ mang lại thu nhập cao cho ngư dân, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Tin cùng chuyên mục