Ngư dân miền Trung quyết tâm bám biển

Những ngày cuối tháng 4 đến đầu tháng 5-2020, đoàn tàu của ngư dân các tỉnh miền Trung (trên 10.000 tàu) vẫn miệt mài đánh bắt dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại do tình hình trên biển Đông phức tạp. Những chuyến tàu cập bến đầy ắp cá tôm đã tạo thêm động lực, khí thế để ngư dân liên tục vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngư dân Quảng Nam tất bật chuẩn bị ngư cụ, trữ những bao đá cho chuyến vươn khơi đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: NGỌC PHÚC
Ngư dân Quảng Nam tất bật chuẩn bị ngư cụ, trữ những bao đá cho chuyến vươn khơi đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: NGỌC PHÚC

Đầy khí thế vươn khơi

Khi nghe chúng tôi đề cập về hành động Trung Quốc ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên biển Đông kể từ ngày 1-5-2020, ngư dân Trần Văn Chiến (ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang), chủ tàu vỏ thép công suất 822CV đầu tiên đóng mới theo Nghị định 67 tại Thừa Thiên - Huế, nói ngay: Với ngư dân Thừa Thiên - Huế nói riêng và ngư dân cả nước nói chung, việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển, bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam là vô giá trị. Xưa nay, các thế hệ ngư dân miền Trung nối tiếp nhau ra biển, gắn chặt cuộc đời mình với những con sóng giữa đại dương mênh mông. Đội thuyền các bậc tiền nhân năm xưa giong buồm ra Hoàng Sa, Trường Sa mở cõi, cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền biển đảo đất nước, nay được con cháu tiếp nối bằng những con tàu lớn với những trang thiết bị và ngư cụ hiện đại. 

“Chúng tôi là công dân Việt Nam nên việc vươn khơi bám biển trong lãnh hải của Việt Nam không ai có quyền ngăn cấm. Cả chục năm qua, chúng tôi từng đối mặt với nhiều hiểm nguy vẫn không hề sợ hãi thì nói gì đến lệnh cấm phi lý đó”, ngư dân Trần Văn Chiến khẳng định. 

Vừa trở về từ khu vực biển Hoàng Sa, tàu cá QNg 90535TS cập cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) xuất bán mẻ cá hơn 10 tấn với giá trên 300 triệu đồng. Ngư dân Nguyễn Trung Thành (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), thuyền trưởng tàu QNg 90535 TS cùng các bạn tàu tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm và đá lạnh để vươn khơi tiếp. Gặp chúng tôi, anh nói nhanh: “Biển đang rất êm thuận và cá khá nhiều nên chuyến này tôi đi nối, không nghỉ trăng để tranh thủ đánh bắt…”.

Tại cảng cá Tam Quan Bắc, ngư dân Bùi Thanh Ninh (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đang sở hữu đội tàu câu cá ngừ đại dương đến 9 chiếc, nói: “Giá cá ngừ đại dương đang chững lại, không giảm nhiều nữa và đang có xu hướng nhích giá khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Hiện tôi vẫn động viên anh em cố gắng duy trì việc ra khơi để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống trong giai đoạn khó khăn này. Chờ thêm vài hôm chắc dịch sẽ giãn dần, giá hải sản tăng trở lại nên phải chuẩn bị khí thế để đánh bắt tiếp”.

Ngược ra vùng biển bãi ngang các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị các ngư dân vẫn đầy khí thế vươn khơi. Các đội tàu đi theo từng nhóm, tổ để tranh thủ lúc khó khăn, rủi ro thì hỗ trợ nhau. Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, ngư dân miền Trung nói riêng và ngư dân Việt Nam nói chung vẫn quyết tâm bám biển quanh năm suốt tháng. Đơn cử, 750 tàu cá của Quảng Nam đang hiện diện ở 2 ngư trường lớn là Hoàng Sa và Trường Sa. “Các cơ quan, ban ngành của tỉnh Quảng Nam luôn động viên, khuyến khích ngư dân thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt từ 5 - 10 tàu/tổ. Đội hình tàu trong cùng một tổ phân chia đánh bắt cách nhau 2 - 3 hải lý, nếu gặp tàu lạ tấn công hay sự cố thì sẽ liên lạc và hỗ trợ nhau”, ông Tấn nói. 

Điểm tựa vững chắc

Bên cạnh giá xăng dầu liên tục giảm sâu cùng sản lượng đánh bắt cao, giá bán tốt đã tạo động lực cho ngư dân phấn khởi đầu tư thêm phương tiện đánh bắt để vươn khơi bám biển. Cùng với đó còn có sự động viên của chính quyền địa phương, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và lực lượng chức năng được tăng cường, thường trực trên biển, càng tạo thêm tâm lý an tâm cho ngư dân mỗi khi ra khơi. 

Ngoài việc tuyên truyền, động viên ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác hải sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo theo đúng quy định của pháp luật, thì mới đây, ông Huỳnh Thế Điểu, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đề xuất UBND xã Tam Quang sớm cho phép mỗi tàu cá đóng góp 500.000 đồng/năm để tạo điều kiện thăm, tặng quà cho ngư dân gặp nạn. Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền và cơ quan chuyên môn sớm sửa chữa, khôi phục hoạt động Trạm bờ phát sóng (do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng) và máy phát điện DB10 (do Liên đoàn Lao động tỉnh tặng) để ngư dân có thêm thông tin liên lạc từ đất liền ra biển Đông và ngược lại. 

Thông tin từ Chi cục Thủy sản thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết: Đội tàu Bình Định có 3.100 tàu khai thác xa bờ, tập trung chủ yếu ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa (trên 2.000 tàu). Thời gian qua do thời tiết thuận lợi kèm theo nhiều tác động của các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; các hướng dẫn đánh bắt sâu sát của đơn vị chức năng nên việc đánh bắt của ngư dân vẫn được duy trì. Nhờ vậy mà tháng 4 vừa rồi, đội tàu cá Bình Định khai thác khá hơn, sản lượng tăng mạnh.

Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục Thủy sản (thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định), thông tin: “Đối với việc Trung Quốc đơn phương ban bố lệnh cấm đánh bắt phi lý trên biển Đông, vừa qua Hội Nghề cá Bình Định đã lên tiếng phản đối. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền ngư dân bám biển để bảo vệ lãnh hải, chủ quyền biển đảo. Hiện, chúng tôi đang đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chấp pháp trên biển, lực lượng hải quân, cảnh sát biển để hỗ trợ ngư dân yên tâm hoạt động”.

Tin cùng chuyên mục