Ngổn ngang quy hoạch không gian ngầm

Việc thiếu hiểu biết về địa chất kỹ thuật tại khu vực xây dựng sẽ gây ra các hậu quả đáng tiếc; điển hình như sự cố sụt lún của hầm chui cầu Văn Thánh vào năm 2002, sập dãy nhà của Viện Khoa học xã hội Nhân văn khi xây dựng tòa nhà Pacific năm 2007.  
TPHCM với thực trạng dân cư đông đúc, đất đai đã quá chật, việc khai thác tài nguyên trong lòng đất như thế nào cho hiệu quả phục vụ việc phát triển đô thị là giải pháp hết sức cấp bách. Ngày 12-4, Sở Quy hoạch -  Kiến trúc (QHKT) TPHCM đã tổ chức buổi hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia đầu ngành để bước đầu có hoạch định về quy hoạch không gian ngầm.
Thiếu quy hoạch, thiếu quản lý
Chia sẻ tại buổi hội thảo, TS Nguyễn Khánh Lân cung cấp một góc nhìn tương đối bao quát: quy hoạch và phát triển không gian ngầm là một điều tất yếu trong phát triển đô thị.
Trong đô thị hiện đại, công trình ngầm chiếm 20% -25% tổng số lượng các dạng công trình. Việc quy hoạch để sử dụng không gian ngầm hiệu quả là kết nối các công trình ngầm lại với nhau, khi đó sẽ có nhiều tầng sử dụng với nhiều chức năng khác nhau.
Việc thiếu hiểu biết về địa chất kỹ thuật tại khu vực xây dựng sẽ gây ra các hậu quả đáng tiếc; điển hình như sự cố sụt lún của hầm chui cầu Văn Thánh vào năm 2002, sập dãy nhà của Viện Khoa học xã hội Nhân văn khi xây dựng tòa nhà Pacific năm 2007.  
Ngổn ngang quy hoạch không gian ngầm ảnh 1 Không gian ngầm trong Trung tâm thương mại tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Để quy hoạch và phát triển không gian ngầm hiệu quả, yêu cầu đầu tiên chính là cần có cơ sở dữ liệu về địa hình, địa chất công trình và địa chất thủy văn. Hiện tại TP đã có bản đồ địa chất công trình và địa chất thủy văn với tỷ lệ 1:50.000, được Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam cùng Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM phối hợp thực hiện năm 2010.
Bước đầu cho thấy trung tâm quận 1, quận 3 và một phần quận 10, quận 11 có đặc điểm địa chất hết sức phức tạp, với độ sâu từ 6m đến gần 40m tồn tại tầng chứa nước có áp và cát rất mịn. Do đó, khi thi công các công trình ngầm cần lưu ý để cát không bị trôi rửa, tạo hàm ếch, gây sụp đổ công trình lân cận trong quá trình tháo khô hố móng.
Phần lớn diện tích phía Tây Bắc, Đông Bắc của TP (gồm các quận, huyện Củ Chi, Thủ Đức, Hóc Môn, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận và một phần địa bàn quận 12) có nền địa chất tốt, thuận tiện để xây dựng các công trình giao thông, công trình nhà cao tầng và công trình ngầm. Gần như toàn bộ khu vực phía Nam và Tây Nam (bao gồm các quận 6, 7, 8 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè) đều có nền đất rất yếu. Lớp đất này có chiều sâu lên đến 40m hoặc sâu hơn. Nếu muốn xây dựng các công trình trên mặt đất cũng như công trình ngầm thì cần làm móng cọc tới lớp đất sét cứng nằm dưới lớp đất yếu này. 
Một vấn đề gây chú ý tại buổi hội thảo là sự thiếu thông tin về công trình ngầm giữa các cơ quan chuyên môn với nhau, điều đó dẫn tới việc khó khăn, tốn kém thời gian trong việc xây dựng các công trình. Chuyên gia Phan Hữu Duy Quốc nêu thực trạng, hầu như khi làm công trình đều không biết trong lòng đất có cái gì, gần như “nhắm mắt bỏ thầu”.
Đến khi thi công, đào đụng cáp thì không biết của ai để liên lạc, có khi đăng báo cả tuần nhưng cũng không tìm ra chủ, nhưng khi cắt là sinh chuyện. Hoặc đào đụng ống nước cũng thế, cứ tưởng là ống cũ nhưng cắt ra là nước bắn tung tóe…
Sẽ có quy hoạch không gian ngầm khu trung tâm
Công trình ngầm giống như một “bàn ăn”, có rất nhiều món, gồm không gian ngầm công cộng, không gian ngầm dành cho hạ tầng kỹ thuật, không gian ngầm dành cho giao thông…, đòi hỏi phải được quản lý tổng thể. Tuy nhiên, từ lâu nay, các đồ án quy hoạch từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết đều chưa đề cập đến nội dung quy hoạch không gian ngầm.
Theo ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở QHKT TPHCM, trước mắt vì nguồn lực, kinh nghiệm có hạn nên việc quy hoạch không gian ngầm sẽ triển khai tại khu trung tâm hiện hữu 930ha, nhưng không phải phủ kín mà dọc theo lõi của tuyến metro, vì sử dụng không gian ngầm lớn, tập trung, kết nối với nhau; kế đó là khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Hệ thống đường sắt đô thị TPHCM gồm 8 tuyến metro có hơn 73km đoạn tuyến đi ngầm và hơn 72 nhà ga ngầm, trong đó nhà ga trung tâm Bến Thành được quy hoạch là một tổ hợp không gian ngầm lớn giao thoa giữa 4 tuyến đường sắt đô thị và khu trung tâm thương mại ngầm.
Tại khu vực trung tâm hiện hữu 930ha có nhiều công trình cao ốc, nhà cao tầng và cũng là khu vực có giá trị sử dụng đất rất cao, nhiều công trình dự án có xây dựng tầng hầm với tổng diện tích xây dựng hầm lớn (hơn 11ha), hầu hết sử dụng vào mục đích đậu xe và một số dự án có tầng hầm sử dụng cho mục đích thương mại.
Ngoài ra, khu vực này còn có quy hoạch bãi đậu xe ngầm công cộng và hiện đang triển khai đầu tư 4 dự án bãi đậu xe ngầm với nhiều hình thức khác nhau (tại Công viên Lê Văn Tám, sâu khấu Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư, khu vực sân bóng đá thuộc công viên Tao Đàn). Đối với khu đô thị mới Thủ Thiêm, việc triển khai quy hoạch công trình ngầm sẽ thuận tiện hơn. 
“TP giao Sở QHKT vào năm 2019 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị TPHCM, từ kết quả này sẽ phê duyệt việc xây dựng công trình ngầm. Đây là thử thách rất lớn đối với chúng tôi”, ông Hoàng Tùng nói 
Chuyên gia Hà Ngọc Trường minh chứng thực tế về khó khăn trong việc thu thập tài liệu công trình ngầm. Mùa mưa năm 2010, cả TPHCM xuất hiện 141 “hố tử thần”, sụt nền mặt đường, ông được giao làm chủ nhiệm đề tài xử lý hố tử thần. Khi thực hiện đề tài này thì việc đầu tiên là thu thập các số liệu về công trình ngầm. Bắt tay đào hố tử thần lên thì đụng 15 đơn vị quản lý; riêng điện đã là 3 đơn vị (cao thế, trung thế, điện lưới), rồi cáp quang, internet; đến cống ngầm thì có cống thoát nước, cấp nước; một số đường dây của quân đội…
“Đụng đến ai thì chúng tôi đến đơn vị đó xin số liệu và nhờ Trung tâm GIS của Đại học Khoa học Tự nhiên hỗ trợ, nhưng đều nhận được câu trả lời là “không xin được, tốn tiền lắm”. Kết quả, đề tài nghiên cứu giao 6 tháng nhưng chúng tôi mất đến 9 tháng chỉ để thu thập xong tư liệu về công trình ngầm”, ông Trường kể.

Tin cùng chuyên mục