“Ngôi trường pháp thuật” của Vinh

Xuyên suốt những buổi trò chuyện, Vinh khẳng định rằng không ngại, nhưng tôi thì ngại khi nhắc đến khiếm khuyết cơ thể của anh. Không phải vì sợ chạm đến tổn thương của chàng trai trẻ, mà ngược lại, sự thông minh, lạc quan và bản lĩnh của Vinh đủ khiến người khác cảm thấy những toan tính của mình thật bé mọn…
Nguyễn Thành Vinh đại diện tiêu biểu cho những người khiếm thị vượt qua giới hạn của bản thân
Nguyễn Thành Vinh đại diện tiêu biểu cho những người khiếm thị vượt qua giới hạn của bản thân

Bị khước từ và cú lội ngược dòng

Nguyễn Thành Vinh không khiếm thị bẩm sinh, trong 18 tháng đầu đời, Vinh vẫn là một đứa trẻ sáng mắt và hiếu động. Sau tai nạn té ngã, bị mảnh vỡ thủy tinh găm vào mắt, từ đó, thế giới của Vinh không còn sắc màu. Chàng trai 28 tuổi nhẹ tênh khi nói về câu chuyện làm thay đổi cuộc đời mình: “Có lẽ những thứ nhìn nhận được ở giai đoạn đó còn quá ít ỏi, khi mình chưa ý thức hết sự khác biệt cũng sẽ không quá đau buồn hay hụt hẫng. Thay vào đó, tôi tập thích nghi và xây dựng cuộc đời ngay từ đầu”.

Vì không chấp nhận “người khiếm thị chỉ có thể làm massage hoặc kiếm tạm một nghề gì đó đủ sống” như quan niệm của hàng xóm ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nên Vinh nhất định phải học tới nơi tới chốn. 6 tuổi, Vinh một mình đến sống nội trú ở Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM) để học chữ. Một đứa trẻ bình thường đến một môi trường mới đã đầy bỡ ngỡ, với một đứa trẻ khiếm thị, sợi dây kết nối càng mỏng manh. Đó là lần đầu tiên, Vinh cảm nhận rõ ràng mình ở trong thứ bóng tối quen thuộc cũng đầy sợ hãi và lạc lõng…

Rồi cậu bé Vinh đã tìm thấy mặt còn lại của vấn đề khi chọn cách sống và học tập không khác người thường. Vinh nhanh chóng thích nghi, trở thành một học sinh nhanh nhạy, đủ khả năng hòa nhập. Hết năm lớp 2 thì cậu được chuyển đến Trường Tiểu học Trí Tri, sau đó là Trường THCS Hoàng Văn Thụ và Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An để hoàn tất hết chương trình phổ thông.

“Với chúng tôi thì tự nhiên đã có rất nhiều đường biên giới, tôi chọn ngôn ngữ làm cầu nối để kết nối với thế giới rộng lớn ngoài kia. Tôi phải làm chủ tiếng Anh - thứ ngôn ngữ phổ biến nhất để nhìn thế giới. Tôi phát hiện ra cách học trong trường không phải là thứ mình mong muốn và bắt đầu học theo cách riêng. Ban đầu là nghe kể chuyện, nghe nhạc bằng băng cassette, trên radio, bắt chuyện với bất kỳ vị khách quốc tế nào đến thăm trường…”, Vinh kể. Con đường mà anh lựa chọn ngay khi tốt nghiệp phổ thông là nộp hồ sơ vào ngành Ngữ văn Anh Trường ĐH KHXH-NV. Với một chương trình được lập trình sẵn theo mô tuýp, cộng với điều kiện khiếm khuyết, Vinh đã nhận được cái lắc đầu từ chối.

“Giáo dục đại học khi đó còn khép kín với người khuyết tật. Với người khiếm thị càng là khe cửa hẹp, chỉ có thể vào những ngành ít người học, trong khi ngành Ngôn ngữ Anh đang vô cùng hot. Tôi đã “gõ cửa” rất nhiều nơi, từ Trường ĐH Hoa Sen, ĐH Tân Tạo, đến ĐH Bách khoa… để thuyết phục lãnh đạo các trường rằng, mình có thể học. Nhưng câu trả lời nhận được vẫn là sự e ngại điều kiện và chương trình của trường không phù hợp với một sinh viên khiếm thị. Bị từ chối giúp, tôi nhận ra ở những hệ thống giáo dục tưởng như hoàn chỉnh nhất vẫn tồn tại những lỗ hổng nhất định, tôi cần theo đuổi con đường này để lấp đầy khoảng trống cho những người khác biệt”, Vinh nhớ lại.

Vinh dừng việc buồn và gửi thật nhiều email đến nhiều trường để tìm kiếm cái gật đầu. Và phải đến lần thứ 2 gõ cửa, Trường ĐH Tân Tạo (khi ấy liên kết với ĐH Duke, Mỹ) mới chấp nhận mở cửa đón chàng sinh viên khiếm thị đầu tiên. Vinh chính thức trở thành sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh tại ngôi trường này trong hai năm, trước khi giành được học bổng toàn phần để vào Trường ĐH quốc tế RMIT.

Tìm thấy ngôi trường trong trái tim mình

Năm 2018, sau khi tốt nghiệp đại học, Vinh đã nhận vị trí truyền thông tại một số đơn vị giáo dục. Từ lâu, Vinh đã nhận ra rằng, trải nghiệm thời trung học đầy khó khăn cũng như lời khước từ ngay ngưỡng cửa đại học không phải vì năng lực bản thân yếu kém, mà vì hệ thống giáo dục truyền thống thiếu sự hiểu biết giữa học sinh và giáo viên. Vì thế, Vinh quyết định thực hiện kế hoạch lấy bằng thạc sĩ về giáo dục đặc biệt và nơi Vinh muốn tới là nước Anh.

Vinh nói: “Tôi nhận ra mình có rất nhiều điểm tương đồng với nhân vật Harry Potter: Xa gia đình từ sớm, cha mẹ ly hôn nên thiếu thốn và khao khát tình cảm gia đình. Hành trình của tôi là dựa vào trường học, gắn bó với những người bạn, dựa vào những mối quan hệ xung quanh mà lớn lên. Vì thế, trong thâm tâm, tôi luôn khắc khoải tìm kiếm về một ngôi trường phù thủy và pháp sư Hogwarts có một hệ thống những con người tôn trọng sự khác biệt”.

Quyết định này không hề dễ dàng với bất kỳ ai, huống chi là một người khiếm thị, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội do Covid-19. Đại dịch toàn cầu đẩy Vinh vào tình huống khó khăn khi khoản tiền anh dành dụm được gần như cạn kiệt, vì các lớp tiếng Anh của Vinh không thể hoạt động trong 11 tháng liên tục. Vinh rơi vào trạng thái bất định, nghi hoặc, liệu ước mơ của mình có quá viển vông: “Tôi biết mình phải học cách can đảm đối mặt với thách thức. Tôi từng lo rằng mình sẽ lung lay và sớm gục ngã vì sức nặng của kế hoạch hai năm đã trôi qua nửa đường mà tôi vẫn chưa làm được gì nhiều. Tôi bắt đầu chuyển các lớp học của mình sang trực tuyến, đối mặt với thách thức phải kết nối trực tuyến và duy trì tương tác với học viên qua màn hình - điều không dễ với một người thầy khiếm thị”.

Vinh chẳng những nâng cao kỹ năng dạy học trực tuyến của bản thân từ việc học hỏi các video trên YouTube, tham dự các lớp học trực tuyến, học các bí quyết học tập đặc biệt hữu ích với học viên khiếm thị, mà còn tự tin thành công đưa toàn bộ các lớp học của anh lên internet. Chàng trai trẻ tâm huyết đưa ra sáng kiến thành lập ScriVi (chữ kết hợp giữa scrivener - người phác thảo tài liệu và vision - tầm nhìn, hay Việt Nam) nhằm trang bị cho các thành viên khiếm thị kỹ năng chuyển âm thanh thành chữ viết chuyên nghiệp, cung cấp dịch vụ này cho các nhà nghiên cứu, nhà báo và các khách hàng khác.

Tháng 4-2021, đánh dấu thành tựu mới của ScriVi khi thành công ký kết một hợp đồng quan trọng với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU). Học bổng tìm kiếm và thúc đẩy tài năng như Chevening sẽ không bỏ lỡ một cá nhân cá tính và nỗ lực như Vinh. Và Nguyễn Thành Vinh vừa trở thành du học sinh khiếm thị duy nhất được Học bổng Chevening (chương trình học bổng quốc tế của Chính phủ Anh) trao cơ hội học tập và nghiên cứu bậc thạc sĩ tại Anh.

“Săn” được học bổng và đã bắt đầu hành trình tại Đại học Exeter (Anh), Vinh hào hứng khoe đã thích nghi ngay từ ngày đầu đến đây, bởi đã… gặp ngôi trường Hogwarts trong trái tim mình. Anh nói: “Là một trong số ít người khiếm thị bước đầu thành công “thâm nhập” vào môi trường công sở tại Việt Nam, tôi nhận ra rằng, ngoài vấn đề kỳ thị, vẫn còn những khoảng cách rất lớn mà chính phủ, các tổ chức thiện nguyện, cơ sở giáo dục và nhà tuyển dụng phải chung tay để thu hẹp; thì chính bản thân từng người khuyết tật cũng phải tích lũy kỹ năng, lấy dũng khí và thu thập kiến thức để có thể đủ sức thực hiện bước nhảy vọt cần thiết. Đây chính là những nhóm đối tượng mà tôi rất mong có thể hợp tác sau tốt nghiệp…”, Vinh nói.

Qua những gì Vinh chia sẻ với tôi từ nước Anh, thông qua những việc Vinh làm, chỉ mong trong tim mỗi người trẻ nếu chẳng may khác biệt theo một cách không mong muốn, hãy xác tín một ngôi trường phù thủy và pháp sư Hogwarts cho riêng mình, trân trọng và giữ gìn để bước qua những thử thách.

Ngoài việc học chữ nổi như bao bạn khác, Nguyễn Thành Vinh còn miệt mài xây dựng vốn tiếng Anh. Khả năng này đã giúp Vinh để lại ấn tượng với Tổ chức từ thiện Loreto (Australia) khi họ đến Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu dạy tiếng Anh cho trẻ em khuyết tật và cũng từ cơ duyên này đã đưa Vinh đến với học bổng chắp cánh ước mơ của ĐH RMIT.

Xem xong bài luận và phỏng vấn Vinh, cô Carol Witney, Quản lý Dịch vụ bình đẳng giáo dục - bộ phận hỗ trợ sinh viên có nhu cầu học tập khác biệt tại RMIT Việt Nam - đã phát hiện ra Vinh là ứng viên nổi bật vì trí tuệ, thái độ, nhiệt huyết, động lực và tầm nhìn rõ ràng về điều bạn muốn làm và lý do tại sao. Được nhận học bổng, Vinh chọn học ngành Truyền thông chuyên nghiệp để tạo ra thay đổi. Những giảng viên nhanh chóng nhận ra Vinh không phải là một sinh viên bình thường. Vinh vào trường với tâm thế hiểu rõ tình trạng của bản thân và cách để nói lên tiếng nói của mình.

Ngay trong năm đầu nhập học vào RMIT, Nguyễn Thành Vinh đã xuất hiện trên tạp chí Asia Life. Qua ngòi bút của Brett Davis và Jade Bilowol, Vinh như một đại diện tiêu biểu cho những người khiếm thị vượt qua giới hạn của bản thân.

Tin cùng chuyên mục