Ngoại giao xanh

Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố Chiến lược Bắc cực mới với cam kết thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường ở một khu vực mà Brussels cho là có tầm quan trọng chiến lược chủ chốt. 
Ngoài khơi bờ biển Greenland
Ngoài khơi bờ biển Greenland

Chiến lược Bắc cực mới của EU phản ánh sự lo lắng ngày càng tăng về căng thẳng địa chính trị trong bối cảnh Trung Quốc, Nga và Mỹ đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực. Theo quyết định thành lập văn phòng tại Greenland, EU sẽ sử dụng nguồn tài trợ của khối để hỗ trợ bảo vệ biển và thúc đẩy nghiên cứu về tình trạng tan dần của lớp băng vĩnh cửu. Bắc cực đang ấm lên nhanh hơn 3 lần so với phần còn lại của hành tinh. Tình trạng băng tan và tan dần của lớp băng vĩnh cửu càng làm đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu và gây ra những tác động cực lớn. 

Theo ông Virginijus Sinkevicius, Ủy viên Phụ trách môi trường, đại dương và nghề cá châu Âu, EU sẽ tìm kiếm cam kết từ các đối tác để đạt được sự đồng thuận về chấm dứt hoạt động khai thác dầu mỏ, khí đốt và than đá. Sự quan tâm ngày càng nhiều đến các nguồn tài nguyên và các tuyến giao thông ở Bắc cực có thể biến khu vực này thành một đấu trường cạnh tranh địa chính trị, đồng thời tạo ra căng thẳng, đe dọa lợi ích của EU. Do vậy, theo tờ Eurative, lần đầu tiên, chiến lược của EU bao gồm một chương về địa chính trị và chính sách an ninh.

Ông Virginijus Sinkevicius cho rằng, để thuyết phục các quốc gia khác theo đuổi lệnh cấm khai thác các mỏ nhiên liệu hóa thạch mới ở Bắc cực sẽ đòi hỏi các nỗ lực ngoại giao. Tuy nhiên, cái khó của EU là chỉ có ảnh hưởng chính trị hạn chế trong khu vực vì khối không phải là thành viên của Hội đồng Bắc cực (gồm 8 nước có vùng lãnh thổ ở vùng cực Bắc địa cầu là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ). Do vậy, EU chọn theo đuổi chiến sách ngoại giao xanh, nghĩa là khi nói đến ảnh hưởng ngoại giao của EU trong khu vực, đóng góp chính của họ là thông qua các chính sách xanh. Chiến lược này cũng mở ra cho EU khả năng “hợp tác với NATO về tầm nhìn chiến lược, xem xét tác động an ninh trung và dài hạn của biến đổi khí hậu”. Từ nay, Bắc cực không còn là một trắc nghiệm cho quan hệ Mỹ - Nga mà còn với cả châu Âu.

Tin cùng chuyên mục