Ngoại giao kinh tế lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Ngày 15-8, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức phiên họp toàn thể với chủ đề “Phương hướng đối ngoại: Đẩy mạnh Ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”.

Tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý chỉ còn 2 năm nữa để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Kế hoạch phát triển KTXH 2016 - 2020. Ngoại giao trên tinh thần “kiến tạo phát triển”, phải chủ động, sáng tạo và hiệu quả nhằm tranh thủ tối đa thời cơ kinh tế thế giới được dự báo còn tương đối thuận lợi để hoàn thành các mục tiêu, tạo động lực cho kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững. Công tác đối ngoại phải góp phần gìn giữ được môi trường hòa bình ổn định cho phát triển, bám sát lời dạy của Bác Hồ là “dĩ bất biến ứng vạn biến”, giữ vững lập trường, nguyên tắc, còn linh hoạt, sáng tạo trong thực tiễn. Công tác đối ngoại phải cùng quốc phòng, an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền đất nước “từ xa”, “từ sớm”.

Thủ tướng nhấn mạnh, ngoại giao cần phát huy vị thế địa chiến lược của Việt Nam, lấy tạo lập và củng cố vị thế này là ưu tiên của công tác đối ngoại, tạo tiền đề và nền tảng cho phát triển. Đối ngoại cần phát huy tinh thần “hành động, phục vụ” vì mục tiêu phát triển. Phải chuyển hóa mạnh mẽ lợi thế quan hệ chính trị - đối ngoại tốt đẹp với các đối tác chiến lược và toàn diện thành các cơ hội hợp tác, lợi ích kinh tế, phục vụ cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ngành ngoại giao cần tập trung nâng tầm đối ngoại đa phương, triển khai ngoại giao đa phương với tâm thế tự tin, đàng hoàng hơn, chủ động đóng góp, tích cực tham gia xây dựng, định hình các thể chế đa phương, nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, thúc đẩy đồng bộ trên mọi lĩnh vực, với hợp tác về kinh tế là trọng tâm. 

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao phải nâng tầm công tác ngoại giao kinh tế và lấy ngoại giao kinh tế làm tiêu chuẩn để đánh giá các cơ quan đại diện. Cụ thể, ngoại giao kinh tế cần làm tốt 4 nhiệm vụ lớn: thu thập thông tin một cách chính xác, kịp thời, liên tục, đặc biệt là dự báo kinh tế; tham mưu cho Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; đồng hành, hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là trong khâu tháo gỡ vướng mắc; đôn đốc triển khai các cam kết, thỏa thuận, dự án hợp tác quốc tế. Đặc biệt, ngoại giao kinh tế cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế có thành công hay không phần lớn là nhờ vào sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp... Một nhiệm vụ quan trọng nữa của ngoại giao kinh tế là tăng cường tìm kiếm nguồn lực, quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút FDI, ODA, du lịch, kiều hối, xuất khẩu lao động… để cùng cả nước phát triển nền kinh tế số, công nghệ cao, thông minh trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin cùng chuyên mục