Ngoại giao không gian

Ấn Độ sẽ lắp đặt 5 trạm không gian lớn và hơn 500 trạm nhỏ ở các quốc gia láng giềng Nam Á là Bhutan, Nepal, Maldives, Bangladesh và Sri Lanka. Nhiệm vụ của hơn 500 trạm không gian này là hỗ trợ hoạt động truyền phát sóng truyền hình và viễn thông, kiểm soát thiên tai và tăng kết nối liên lạc với vệ tinh.

Năm ngoái, Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã lắp đặt và đưa vào sử dụng một số trạm không gian nhỏ ở 5 nước trên thông qua trạm của ISRO ở New Delhi. Số trạm nhỏ này đã phát huy hiệu quả trong dịch vụ phát sóng truyền hình, hội nghị truyền hình và truyền dữ liệu. Dựa trên thành công đó, 5 nước láng giềng đã đề nghị Chính phủ Ấn Độ lắp đặt thêm các trạm mặt đất đầy đủ tính năng.

Đây là một phần trong hoạt động ngoại giao không gian mà Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực thúc đẩy trong thời gian gần đây. Một mặt, hoạt động này có thể hỗ trợ cho chương trình không gian của các nước láng giềng và thúc đẩy hợp tác khu vực. Mặt khác, việc lập các trung tâm theo dõi và thu nhận tín hiệu cũng giúp Ấn Độ triển khai tầm ảnh hưởng của mình và kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Á. 

Hoạt động đầu tư cho kế hoạch ngoại giao không gian đã được Chính phủ Ấn Độ triển khai sau khi ông Narendra Modi  nhậm chức Thủ tướng. Vào năm ngoái, hoạt động này liên tục được đẩy mạnh thông qua hàng loạt kế hoạch hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực. ISRO đã mua lại cụm phóng tên lửa của Pháp, nhận hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng hệ thống phóng phức tạp và thực hiện hợp đồng với Arianespace để tiến tới ký kết thỏa thuận về nhiệm vụ không gian chung giữa hai nước Ấn Độ - Pháp. Mối quan hệ này giúp Ấn Độ mở rộng sự hiện diện sang các nước châu Âu khác như Đức, Đan Mạch, Thụy Sĩ hay Áo và giúp Chính phủ của Thủ tướng Modi có thể duy trì quyền tự chủ chiến lược. Tiếp đó, Thủ tướng Modi còn mở rộng kế hoạch Hệ thống truyền hình vệ tinh khu vực (IRNSS) để đưa việc sử dụng lĩnh vực không gian trở thành một động lực cho sự phát triển khu vực. 

Không giống như các chương trình không gian của những nước khác là hướng tới các mục tiêu quân sự, chương trình của Ấn Độ bắt nguồn từ những mục tiêu để phát triển và đóng góp trong việc xóa mù chữ, phát triển các chương trình học từ xa, dự báo thời tiết và thảm họa thiên nhiên, chữa bệnh từ xa… Do đó, đây chính là cơ sở để Ấn Độ có thể hỗ trợ nhóm các quốc gia thuộc Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) trong lĩnh vực không gian. Kết quả là chương trình lắp hơn 500 trạm không gian đã được triển khai tại 5 nước Bhutan, Nepal, Maldives, Bangladesh và Sri Lanka. 

Hàng loạt bước đi trên của Chính phủ Ấn Độ cho thấy đi kèm với những lợi ích về thương mại, Ấn Độ đã đưa việc sử dụng không gian vũ trụ như một công cụ để mở rộng quyền lực mềm trong khu vực và trên thế giới. Giới quan sát nhận định, đây là thời điểm thuận lợi để Ấn Độ thực hiện kế hoạch do ngành công nghiệp vũ trụ của quốc gia Nam Á này đã đạt nhiều bước tiến mới và nổi lên như một nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh toàn cầu. Chương trình không gian của Ấn Độ không chỉ nổi tiếng về số lượng vệ tinh phóng vào quỹ đạo mà còn về chi phí thấp - một lợi thế cạnh tranh không nhỏ trong bối cảnh kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm.

Tin cùng chuyên mục