Nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt nối TPHCM với Cần Thơ, Cà Mau ​

Thủ tướng cho biết, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm tới việc đầu tư phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL, trong đó có các tuyến cao tốc, mà gần đây nhất đã trình Quốc hội dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Ngày 21-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tuyến.

Cuộc tiếp xúc cử tri được kết nối giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ với điểm cầu Hội trường huyện ủy Phong Điền, TP Cần Thơ; các điểm cầu tại hội trường UBND của 25 xã, phường, thị trấn thuộc 9 quận, huyện của TP Cần Thơ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Cần Thơ

Cử tri TP Cần Thơ bày tỏ vui mừng vì Chính phủ đã có các giải pháp sáng suốt, quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ đó, cả nước đã thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; cuộc sống dần trở lại bình thường; kinh tế - xã hội từng bước phục hồi, phát triển.

Tuy nhiên, cử tri cho rằng, dịch Covid-19 khiến người dân, doanh nghiệp vẫn còn những khó khăn, do đó đề nghị Nhà nước tiếp tục có chính sách để hỗ trợ. Trong đó, đề nghị có chính sách hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng như thiên tai.

Cử tri cũng phản ánh, gửi kiến nghị đến Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ nhiều vấn đề nóng, liên quan các lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường quốc lộ; công tác quy hoạch, quản lý đất đai nhằm hạn chế đầu cơ, nâng giá đất, chống tiêu cực; bảo đảm tiêu thụ nông sản, ổn định cho bà con nông dân; bảo đảm an sinh xã hội…

Phát biểu với cử tri tại cuộc tiếp xúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian chia sẻ với cử tri về tình hình thế giới, đất nước, vùng  ĐBSCL và TP Cần Thơ, đặc biệt là việc triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chương trình hành động của Chính phủ về phát triển ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng.

Thủ tướng nhấn mạnh những kết quả toàn diện mà đất nước đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh khó khăn, thử thách do đại dịch.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng tăng bình quân 2,1%, thấp nhất từ năm 2018 đến nay; tăng trưởng kinh tế quý I đạt 5,03%, cao hơn cùng kỳ năm 2021; vốn FDI thực hiện đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6%; các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh mẽ, khởi sắc; số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao…

Thủ tướng cho rằng, có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng suốt, toàn diện của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự điều hành quyết liệt của Chính phủ. Cùng với đó là sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu những hạn chế, tồn tại như giải ngân đầu tư công, công tác quy hoạch còn chậm so với yêu cầu. Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia cần phải thúc đẩy tốt hơn nữa. Kinh tế vĩ mô vẫn tiềm ẩn rủi ro khi lạm phát trên thế giới và của các đối tác thương mại lớn đều tăng, giá xăng dầu, chi phí logistics, nguyên liệu đầu vào tăng nhanh. Cạnh tranh chiến lược diễn biến phức tạp... Do đó, áp lực, khó khăn, thách thức còn rất lớn.

Nêu rõ những thách thức của khu vực ĐBSCL, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho biết, vừa qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm tới việc đầu tư phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL, trong đó có các tuyến cao tốc, mà gần đây nhất đã trình Quốc hội dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Thủ tướng mong TP Cần Thơ vươn lên xứng đáng với tiềm năng, lợi thế và mong đợi của Đảng, Nhà nước, chính quyền và nhân dân; phát huy vai trò trung tâm tại ĐBSCL - một trong những cực tăng trưởng của cả nước. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phòng, chống dịch Covid-19, trong đó việc tiêm vaccine là nhiệm vụ quan trọng số 1, là yếu tố quyết định để kiểm soát dịch, không bị động trong trường hợp xuất hiện các biến thể mới.

Cùng với đó, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, xã hội, hoàn thành các dự án giao thông kết nối vùng, liên vùng để Cần Thơ là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt nối TPHCM với Cần Thơ, Cà Mau.

Đầu tư một số cảng lớn, phát triển các khu công nghiệp, trong đó đẩy nhanh phát triển khu công nghiệp VSIP Cần Thơ. Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch TP Cần Thơ gắn với quy hoạch vùng, bám sát nhiệm vụ, mục tiêu của thành phố, làm sao khai thác được tối đa tiềm năng, sự khác biệt của địa phương, tạo ra động lực phát triển mới, thu hút đầu tư.

Về các kiến nghị của cử tri, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết những đề xuất, kiến nghị. Nguyên tắc là, nội dung thuộc thẩm quyền của cấp, ngành nào thì cấp, ngành ấy phải giải quyết và phải giải quyết thấu đáo.

Đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, UBND TP Cần Thơ tổng hợp, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết theo quy định. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Thủ tướng nhấn mạnh, Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL với nhiều tiềm năng, thế mạnh. Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển, lớn mạnh và thành công của TP. Để Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, cần sự vào cuộc, chung sức, đồng lòng và hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, cần có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng về cơ chế, chính sách, nguồn lực cho TP Cần Thơ trong thời gian tới. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ cùng đồng hành với chính quyền, nhân dân TP Cần Thơ thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Tin cùng chuyên mục