Nghiên cứu mới chống biến thể Omicron

Biến thể Omicron vẫn đang hoành hành ở nhiều nước trên thế giới. Mỹ và Ấn Độ ghi nhận tỷ lệ mắc biến thể này tăng thẳng đứng, lên tới 175%. Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học vừa công bố nghiên cứu mới về mũi tiêm chéo tăng cường khả năng bảo vệ trước Omicron mang đến nhiều kỳ vọng. 
Vaccine của chương trình COVAX phân phối tới Mali
Vaccine của chương trình COVAX phân phối tới Mali

Tốc độ lây lan nhanh

Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cho rằng, nước này đang chứng kiến mức tăng số ca mắc mới Covid-19 “gần như thẳng đứng” do sự lây lan của biến thể Omicron. Với việc học sinh Mỹ sẽ trở lại trường từ ngày 3-1 sau kỳ nghỉ cuối năm, ông Fauci tiếp tục kêu gọi phụ huynh đảm bảo con mình được tiêm vaccine, sử dụng khẩu trang và xét nghiệm nếu cần thiết.

Chuyên gia dịch tễ này cảnh báo, vẫn có nguy cơ xảy ra tình trạng gia tăng số ca nhập viện tại Mỹ, qua đó gây áp lực cho hệ thống y tế do số lượng bệnh nhân Covid-19 mới quá cao. Cựu ủy viên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), TS Scott Gottlieb cảnh báo, mặc dù độc lực của biến thể Omicron đang được cho là nhẹ hơn biến thể Delta nhưng nó tiềm ẩn mối đe dọa lớn cho trẻ em với một số ca bị các triệu chứng nặng như viêm nhiễm đường hô hấp trên. 

Tại Trung Đông, Israel sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 liều thứ 4 cho những người trên 60 tuổi và đội ngũ nhân viên y tế. Tỷ lệ lây nhiễm ở Israel thời gian gần đây đang tiếp tục tăng mạnh với số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày khoảng 5.000 người. Số bệnh nhân mới trong vòng 1 tuần qua là gần 27.000 người, tăng gần gấp đôi so với 1 tuần trước đó. Tại Ấn Độ, Bộ Y tế nước này thông báo, trong tuần lễ tính đến ngày 25-12-2021, số ca mắc mới trung bình mỗi ngày ở Ấn Độ là 6.641 ca, tăng vọt 175%, vượt qua cả mức tăng đỉnh trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 (khoảng 75%).

Tiêm chéo mũi tăng cường

Tạp chí Focus của Đức ngày 2-1 đã đăng tải kết quả nghiên cứu về “công thức” tiêm chéo vaccine Covid-19 hiệu quả nhất để bảo vệ trước biến thể Omicron đang lây lan mạnh tại nước này cũng như nhiều quốc gia khác, trong đó cho rằng việc kết hợp tiêm các loại vaccine khác nhau sẽ cho hiệu quả và thời gian bảo vệ khác nhau.

Theo đó, vaccine công nghệ mRNA (BioNTech/Pfizer và Moderna) có hiệu quả tốt nhất khi tiêm mũi tăng cường để chống lại biến thể Omicron. Những người được tiêm mũi tăng cường là vaccine BioNTech/Pfizer sau 2 mũi Astra Zeneca sẽ nâng cao khả năng bảo vệ trước các triệu chứng khi nhiễm Omicron lên 50% chỉ một tuần sau khi tiêm. Sau 2-4 tuần, hiệu quả tăng lên 60% nhưng sau hơn 10 tuần lại giảm xuống còn 30%. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ trước biến thể Delta vẫn ở mức cao hơn 80% trong cùng thời gian này.

Những người được tiêm mũi tăng cường là vaccine Moderna sau 2 mũi Astra Zeneca sẽ có khả năng miễn dịch cao hơn trước biến thể Omicron. Cụ thể, hiệu quả sẽ tăng lên gần 60% một tuần sau mũi thứ 3 và tăng cao hơn nữa trong tuần thứ tư. Sau 5-9 tuần, hiệu quả bảo vệ giảm xuống dưới mức 50%. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn rất cao đối với biến thể Delta, từ 90%-100% trong cùng thời gian. Với những người đã tiêm 2 mũi đầu và mũi tăng cường đều là vaccine BioNTech/Pfizer, hiệu quả bảo vệ trước biến thể Omicron sau 1 tuần lên tới 70%; sau 10 tuần sẽ giảm xuống còn khoảng 50%. Những người đã tiêm 2 mũi đầu là vaccine BioNTech/Pfizer, khi tiêm mũi tăng cường là vaccine Moderna sẽ có hiệu quả bảo vệ tốt nhất, sau một tuần lên tới 80%. Sau 5-9 tuần, hiệu quả vẫn còn ở mức trên 70%. Hiện chưa có số liệu nghiên cứu sau thời điểm này.

Chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hậu thuẫn đã phân phối hơn 309 triệu liều vaccine Covid-19 trong tháng 12-2021. Hơn 70 quốc gia đã nhận được số vaccine này, từ Bangladesh (hơn 76 triệu liều) cho đến Barbados (14.040 liều). Diễn biến trên cho thấy tốc độ phân phối vaccine của COVAX đang được đẩy nhanh đáng kể sau thời gian gặp khó vì thiếu nguồn cung và các vấn đề hậu cần.

Tin cùng chuyên mục