Nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông - Bắt nhịp hơi thở cuộc sống

Nhiều năm trở lại đây, hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông đi theo lối mòn là chạy theo các vấn đề thời sự, phương pháp nghiên cứu tuần tự các bước gồm thu thập số liệu, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp. 

Nhằm thay đổi thực trạng đó, ngành giáo dục đã có nhiều đổi mới, nỗ lực đưa nghiên cứu khoa học đến gần hơn với đời sống xã hội. 

Trí tuệ nhân tạo lên ngôi

Mới đây, tại vòng chung kết Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố năm học 2019-2020 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, đề tài nghiên cứu “Mô hình trí tuệ nhân tạo dự đoán nguy cơ trầm cảm của học sinh THPT trên địa bàn TPHCM” do 2 bạn Vũ Hồng Đức và Nguyễn Thị Minh Nhật (học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) thực hiện đã tạo được ấn tượng mạnh.

Theo đánh giá của một thành viên ban giám khảo, đề tài có nhiều nội dung cần tiếp tục hoàn thiện nhưng bước đầu đã đánh dấu sự dũng cảm của học sinh trong việc tìm hiểu lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) - một trong những ứng dụng mới, được xem là “khó nhằn” đối với học sinh THPT.

Chia sẻ với chúng tôi, Vũ Hồng Đức cho biết, trầm cảm trong giới học sinh từ lâu đã là vấn đề cấp thiết trong xã hội nhưng đến nay chưa có phương pháp phòng tránh hiệu quả. Nhận thức được điều đó, nhóm nghiên cứu đã cho ra đời ý tưởng xây dựng phần mềm dự báo nguy cơ nhằm phát hiện sớm và kịp thời ngăn chặn trầm cảm.

Nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông - Bắt nhịp hơi thở cuộc sống ảnh 1 Học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận Bình Thạnh) với đề tài “Mô hình phân loại rác”
“Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, AI được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, tạo ra thay đổi quan trọng trong xã hội. Do đó, tụi em đã quyết định sử dụng công nghệ này để mã hóa các dấu hiệu tâm lý người sử dụng. Cụ thể, từ một bài đăng trên mạng xã hội, phần mềm sẽ tiến hành phân tích, từ đó đưa ra dự báo tỷ lệ phần trăm nguy cơ trầm cảm”, Đức giải thích. 

Ngoài ứng dụng AI, ngành giáo dục thành phố còn ghi nhận sự xuất hiện của nhiều đề tài “đậm nét 4.0” của học sinh như “Ứng dụng công nghệ AI để thiết kế thùng rác thông minh có khả năng tự phân loại rác thải”, “Mắt kính thông minh áp dụng AI hỗ trợ người khiếm thị trong cuộc sống hàng ngày” hay “Năng lực trí tuệ cảm xúc của học sinh THPT tại TPHCM”…

Nhận xét về sự chuyển mình của các đề tài nghiên cứu, thầy Tống Thanh Nhân, giảng viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết nội dung các đề tài nghiên cứu không còn gói gọn kiến thức trong sách giáo khoa ở từng môn học như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học mà đã mở rộng phạm vi lẫn lĩnh vực nghiên cứu, thể hiện được khả năng quan sát của học sinh, kết hợp với việc cập nhật thông tin khoa học công nghệ. 

Phát huy sự chủ động của học sinh

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho biết những năm trước đây có xảy ra tình trạng học sinh thực hiện nghiên cứu khoa học nhưng dựa dẫm vào ý tưởng của thầy cô. Tâm lý thiếu chủ động của các em dẫn đến tình trạng nhiều đề tài có nội dung na ná nhau.

Năm học 2019-2020, thực hiện chủ trương đổi mới chương trình học và sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT, các trường đã có nhiều đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá. Nhờ đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh cũng phát triển theo hướng thực chất, có tính ứng dụng cao.

Thầy Trần Tiến Thành, chuyên viên môn Ngữ văn (Sở GD-ĐT TPHCM), nhận định học sinh khi tham gia nghiên cứu khoa học đã dần thoát khỏi lối mòn là tìm hiểu các vấn đề xoay quanh trục quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội. Thay vào đó, các em đã biết vận dụng kiến thức khoa học công nghệ để giải quyết một vấn đề cụ thể đặt ra trong đời sống, như thiết kế sa bàn đến trường cho học sinh khiếm thị, xây dựng công cụ tự học dành cho học sinh THPT, yếu tố tâm lý tác động đến ý định mua hàng rong của khách du lịch ở khu vực trung tâm thành phố... 

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh hiện nay được phát triển theo hướng vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề đặt ra trong thực tiễn, tạo cho các em thói quen quan sát các hiện tượng xã hội, những nhu cầu và vấn đề nảy sinh trong xã hội, từ đó tìm ra cách giải quyết khoa học, hiệu quả và đem lại lợi ích cho người dân.

Năm học 2019-2020 là năm đầu tiên số lượng học sinh THCS tham gia nghiên cứu khoa học nhiều hơn học sinh THPT. “Dù chất lượng đề tài nghiên cứu còn nhiều khác biệt nhưng đây là dấu hiệu tốt, bước đầu thể hiện ý thức chủ động của học sinh, qua đó tập cho các em nghiên cứu khoa học từ bậc THCS, đồng thời thay đổi thói quen học tập theo hướng tích cực ở bậc THPT”, ông Nguyễn Văn Hiếu phân tích. 

Ghi nhận cho thấy, nhiều trường THPT mong muốn nghiên cứu khoa học sẽ trở thành một trong những hoạt động thường xuyên ở trường, góp phần nuôi dưỡng đam mê, phát huy khả năng tư duy và sáng tạo cho học sinh, chứ không đơn giản chỉ là tham gia thi thố.

Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu, lãnh đạo nhiều trường THPT cho biết sẽ nỗ lực tìm hướng ra cho các đề tài nghiên cứu, giúp học sinh có cơ hội áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, tránh tình trạng “nghiên cứu xong rồi xếp xó” lâu nay.

Tin cùng chuyên mục