Nghiên cứu đề án hỗ trợ các cơ quan báo chí phục hồi sau dịch Covid-19

Theo đồng chí Nguyễn Hồ Hải, hiện TPHCM có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phục hồi sau dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, đồng chí yêu cầu các ban, ngành TPHCM xây dựng đề án hỗ trợ các cơ quan truyền thông báo chí của thành phố phục hồi sau dịch.

Sáng 2-6, đoàn công tác Thành ủy TPHCM do đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc với Ban Biên tập Báo SGGP về hoạt động của báo.

Nghiên cứu đề án hỗ trợ các cơ quan báo chí phục hồi sau dịch Covid-19 ảnh 1 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Báo cáo với đoàn, đồng chí Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP thông tin, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Báo SGGP, kinh tế báo chí ngày càng bị thu hẹp. Ngay từ đầu năm 2022, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, TPHCM bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Báo SGGP nỗ lực giữ vững số lượng phát hành, đa dạng hóa các hình thức thu hút quảng cáo, khai thác hiệu quả việc cho thuê mặt bằng tại Tòa nhà Văn hóa Nghiệp vụ Báo SGGP…

Nghiên cứu đề án hỗ trợ các cơ quan báo chí phục hồi sau dịch Covid-19 ảnh 2 Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Báo SGGP cũng tập trung nâng cao chất lượng tin, bài, kiện toàn đội ngũ nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Báo luôn bám sát tôn chỉ mục đích, kịp thời tuyên truyền, đăng tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến người dân trong thời gian sớm nhất. Trong đó nổi bật là các vệt, đợt tuyên truyền về các chủ trương, chính sách lớn của thành phố.

Báo SGGP thường xuyên tổ chức nhiều vệt bài đấu tranh tư tưởng và phản biện chính sách từ thực tế cuộc sống, gắn kết ý Đảng với lòng dân, các trang mục mang hơi thở cuộc sống. Ngoài ra, Báo SGGP cũng tổ chức nhiều hoạt động xã hội, tạo dấu ấn mạnh mẽ đối với người dân và bạn đọc.

Liên quan đến Đề án Chuyển đổi số, theo đồng chí Tăng Hữu Phong, Báo SGGP đã hoàn chỉnh đề án theo yêu cầu của thành phố, dự kiến đến năm 2030 sẽ hoàn thiện quá trình chuyển đổi số trong toàn cơ quan. Trong đó, Báo SGGP tiếp cận Đề án Chuyển đổi số với tinh thần là đề án mở, bởi sự chuyển động của xã hội hiện nay đối với các lĩnh vực, nhất là truyền thông rất nhanh.

“Báo sẽ tiếp tục hoàn thiện, trong quá trình vừa làm vừa hoàn thiện, đảm bảo song song với chỉ đạo của Trung ương và TPHCM, vừa đảm bảo sự dịch chuyển của xã hội” đồng chí Tăng Hữu Phong khẳng định; đồng thời đề xuất TPHCM hỗ trợ về hạ tầng, kinh phí để báo triển khai đề án.

Người đứng đầu Báo SGGP cũng kiến nghị Thành ủy TPHCM sớm kiện toàn nhân sự Ban Biên tập Báo SGGP; hỗ trợ ứng trước kinh phí để báo chi trả tiền thuê đất; hỗ trợ để duy trì hoạt động của Báo SGGP Hoa Văn.

Nghiên cứu đề án hỗ trợ các cơ quan báo chí phục hồi sau dịch Covid-19 ảnh 3 Đồng chí Nguyễn Thành Lợi, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Báo cáo thêm với đoàn, đồng chí Nguyễn Thành Lợi, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP cho biết, hiện báo có 151 đảng viên với 12 chi bộ trực thuộc. Những năm gần đây, việc phát triển đảng viên của báo tương đối khó khăn, do nguồn của kết nạp đảng của báo ngày càng bị thu hẹp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải đánh giá, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động chung của các cơ quan truyền thông báo chí, trong đó có Báo SGGP. Theo đồng chí, hiện thành phố có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phục hồi sau dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, đồng chí yêu cầu các ban, ngành thành phố xây dựng đề án hỗ trợ các cơ quan truyền thông báo chí của thành phố phục hồi sau dịch.

Nghiên cứu đề án hỗ trợ các cơ quan báo chí phục hồi sau dịch Covid-19 ảnh 4 “Tại sao chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp được mà các cơ quan truyền thông báo chí phục vụ chính trị lại không thể hỗ trợ?”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải đặt câu hỏi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Tại sao chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp được mà các cơ quan truyền thông báo chí phục vụ chính trị lại không thể hỗ trợ?”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải đặt câu hỏi và yêu cầu đề án phải thể hiện sự hỗ trợ dài hơi để báo chí thực sự phục hồi mạnh mẽ. Song song đó, các cơ quan báo chí phải tự cải tiến nâng cao chất lượng thông tin; tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nhân sự phù hợp với thực tiễn.

Trước khó khăn của Báo SGGP Hoa Văn (thuộc Báo SGGP), đồng chí Nguyễn Hồ Hải đề nghị Báo SGGP Hoa Văn khẩn trương rà soát, nghiên cứu lại đối tượng bạn đọc để có hướng nâng cao chất lượng tờ báo.

“Bạn đọc của Báo SGGP Hoa Văn rộng hay hẹp, có gói gọn ở quận 5, ở TPHCM hay còn có ở các tỉnh thành khác? Báo SGGP Hoa Văn phải rà soát được để có hướng cung cấp tin đưa trên mặt báo phù hợp, thu hút được bạn đọc. Cùng với đó, cần nghiên cứu nên tiếp tục phát hành nhật báo hay chuyên trang để phù hợp với thực tiễn hoạt động của báo”, đồng chí gợi mở.

Mặt khác, Báo SGGP cũng cần tiếp tục kết nối sâu rộng với các tỉnh, thành trong nước, đồng thời tìm kiếm cơ hội để kết nối được với các nước bạn. Qua đó lan tỏa thông tin chính thống của TPHCM đến bạn đọc trong và ngoài nước cũng như mở rộng nguồn tin cho báo. 

Đồng chí lưu ý Báo SGGP có giải pháp quản trị nội bộ hiệu quả, phù hợp hơn với thực tiễn tại đơn vị; sắp xếp cơ sở nhà đất hợp lý. Đặc biệt, Báo SGGP tập trung tạo nguồn kết nạp đảng viên, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ, các tổ chức đoàn thể.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải yêu cầu các ban, ngành TPHCM thường xuyên tổ chức bồi dưỡng về lý luận chính trị cho riêng đội ngũ phóng viên, biên tập viên các báo của TPHCM, trong đó có Báo SGGP; nghiên cứu giải pháp hỗ trợ lực lượng nòng cốt để phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền của Báo SGGP Hoa Văn cũng như trụ sở hoạt động của đơn vị này. 

Tin cùng chuyên mục