Nghiêm trị những người tiếp tay phá rừng

Thời gian qua, tình trạng phá rừng tại Tây Nguyên vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều vụ được tiếp tay của chính lực lượng bảo vệ rừng.
Gỗ lậu của Phượng “râu” bị công an phát hiện có sự tiếp tay của kiểm lâm Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN
Gỗ lậu của Phượng “râu” bị công an phát hiện có sự tiếp tay của kiểm lâm Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN

Kiểm lâm “bắt tay” lâm tặc 

Trên con đường từ Bãi Cháy đi Lũng Lô (xã Đắk Rong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), hàng chục cây gỗ bị đốn hạ còn trơ gốc, nhiều cành nhánh vẫn còn bỏ lại. Cơ quan chức năng xác định vị trí rừng bị phá này nằm ở tiểu khu 21 và 27 (xã Đắk Rong) với 32 cây gỗ từ nhóm III đến nhóm VII bị cưa hạ, khối lượng gỗ tròn thiệt hại là hơn 37,7m3 thuộc lâm phần quản lý của 2 đơn vị là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Roong và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trạm Lập.

Theo cơ quan công an, vào tháng 9-2018, ông Đồng Anh Tuấn (30 tuổi, tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng số 3, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Roong) và ông Đậu Minh Giang (35 tuổi, bảo vệ rừng của tổ, cùng được phân công quản lý tiểu khu 21 và 27) phát hiện trên tuyến đường này có một số cây gỗ bị đốn hạ nên bàn bạc và thuê 2 đối tượng cắt hạ hàng chục cây gỗ bên đường nhằm mục đích… “ngăn” đường lâm tặc đến chở gỗ. Vụ khai thác rừng trái phép này đã được khởi tố để tiếp tục làm rõ.  

Trong khi đó, nhiều kiểm lâm lại “bắt tay” với lâm tặc để phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép. Vào tháng 4-2018, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Đắk Nông triệt phá đường dây gỗ lậu xuyên tỉnh do Phan Hữu Phượng (tức Phượng “râu”, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cầm đầu. Lợi dụng chiêu bài vận chuyển gỗ đấu giá trục vớt ở suối Đak Đam (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) và sự “tiếp tay” của kiểm lâm, Phượng “râu” đã trà trộn và vận chuyển hàng trăm khối gỗ lậu về xưởng.

Công an đã khởi tố 3 kiểm lâm là Bùi Văn Khang, nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Buôn Đôn vì đã nhận tiền và ký xác nhận không đúng quy định nhiều bản kê lâm sản, chỉ đạo cấp dưới đóng dấu búa bổ sung gỗ bất hợp pháp; ông Hà Thăng Long, nguyên Hạt phó Hạt Kiểm lâm Buôn Đôn, cùng cấp dưới đóng búa sai quy định cho hàng chục lóng gỗ và nhận hàng chục triệu đồng của lâm tặc; Lê Quang Thái, nguyên Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động số 1, Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông có hành vi nhận 120 triệu đồng của lâm tặc để không kiểm tra, xử lý hành vi vận chuyển gỗ. 

Trước đó, ngành chức năng cũng phát hiện tại tiểu khu 188, 187A (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, thuộc lâm phần quản lý của Trạm bảo vệ rừng Bờ Y, Vườn quốc gia Chư Mom Ray) có 100 cây gỗ với khối lượng hơn 630m3 bị khai thác trái phép. Trong vụ việc này, Hồ Vĩnh Khương, công chức kiểm lâm, nguyên Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Bờ Y, đã nhận 9 triệu đồng của 2 đối tượng để làm ngơ cho những người này đưa “quân” vào 2 tiểu khu nói trên khai thác gỗ. Ngoài ra, Khương với vai trò là trạm trưởng đã không chỉ đạo đi tuần tra. Hoàng Quốc Huy, nhân viên thuộc trạm này, người trực tiếp quản lý tiểu khu đã không trực tiếp đi kiểm tra để ngăn chặn các đối tượng vào rừng khai thác gỗ trái phép. Hành vi của Khương đã bị truy tố về tội nhận hối lộ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Hoàng Quốc Huy bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

 Xử lý nghiêm 

Ông Dương Văn Xanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk  Lắk, cho biết trong thời gian lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, ông Khang và ông Long là những cán bộ gương mẫu, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và chưa từng bị phản ánh xấu nào từ người dân. Khi Bộ Công an bắt Phượng “râu” thì sự việc ông Khang và ông Long nhận tiền và tiếp tay cho lâm tặc được hé lộ khiến dư luận bức xúc và huyện cũng rất bất ngờ. Sau việc này, UBND huyện Buôn Đôn đã có cuộc họp chấn chỉnh lại toàn bộ lực lượng chức năng trên địa bàn huyện, từ chủ rừng, kiểm lâm, công an…qua đó quán triệt không được tiếp tay cho lâm tặc, cán bộ có dấu hiệu tiếp tay sẽ bị xử lý nghiêm.

Ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT), cho biết, theo báo cáo của chi cục kiểm lâm các địa phương, giai đoạn từ năm 2016-2018, lực lượng kiểm lâm đã xử lý 159 trường hợp công chức vi phạm khi thi hành công vụ; trong đó khiển trách 54 trường hợp, cảnh cáo 29 trường hợp, cách chức 4 trường hợp, xử lý hình sự 2 trường hợp, chuyển các cơ quan khác xử lý là 22 trường hợp… Việc kiểm lâm hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm bảo vệ rừng nhưng buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho lâm tặc xảy ra thời gian qua ở một số nơi thực sự là những vụ việc đáng tiếc, gây bức xúc trong dư luận. “Thẳng thắn mà nói, vẫn còn một bộ phận những người được giao trách nhiệm bảo vệ rừng, nhưng trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay phá rừng mà chưa bị phát hiện. Để kịp thời ngăn chặn tình trạng lực lượng bảo vệ rừng tiếp tay lâm tặc, các cấp chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật cần lắng nghe thông tin dư luận, tổ chức điều tra, xử lý hoặc luân chuyển cán bộ”, ông Đỗ Quang Tùng nêu ý kiến. 

Cũng theo ông Đỗ Quang Tùng, trong thời gian tới, để ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý bảo vệ rừng, Bộ NN-PTNT tiếp tục tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số giải pháp như thực hiện nghiêm chỉ thị về tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng kiểm lâm, trong đó tập trung vào các nội dung như: Tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong lực lượng kiểm lâm để giáo dục chính trị tư tưởng. Phải kiên quyết đưa những công chức kiểm lâm vi phạm pháp luật và quy định về cán bộ ra khỏi lực lượng kiểm lâm. Duy trì thường xuyên việc kiểm tra, thanh tra nội bộ trong các đơn vị kiểm lâm. Phối hợp với các ngành chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các cán bộ có biểu hiện buông lỏng quản lý, thông đồng, cấu kết, tiếp tay cho đối tượng phá rừng.

Tin cùng chuyên mục