Nghiêm khắc nhưng phải thực tế

Dự thảo thông tư của Bộ Y tế về ghi nhãn dinh dưỡng được đại diện một số doanh nghiệp ngành thực phẩm cho là còn nhiều bất cập và chưa tiếp thu nhiều ý kiến mà họ đã từng đóng góp trước đây. 

Đại diện nhiều doanh nghiệp ngành thực phẩm đã nêu một số kiến nghị cụ thể rất đáng xem xét, từ nguyên tắc ghi nhãn, nội dung ghi, lộ trình thực hiện cho đến điều khoản chuyển tiếp…

Về phạm vi điều chỉnh, doanh nghiệp đề nghị xem xét bổ sung vào danh mục loại trừ các nhóm sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Lý do là nhu cầu dinh dưỡng của trẻ nhỏ và các đối tượng đặc biệt là khác xa mức 2.000kcal cho người lớn khỏe mạnh, hơn nữa, đã được quy định riêng trong QCVN và/hoặc Thông tư 43/2014/TT-BYT. Nếu không loại trừ thì phải tích hợp các quy định liên quan trong Thông tư 43 và QCVN tương ứng, đồng thời bãi bỏ Thông tư 43.

Dự thảo thông tư của Bộ Y tế về ghi nhãn dinh dưỡng được một số doanh nghiệp ngành thực phẩm cho là còn nhiều bất cập
Doanh nghiệp cũng cho rằng, nhiều sản phẩm xuất hiện trong dự thảo thông tư này nằm ngoài các nghị định mà thông tư này hướng dẫn thực hiện, như thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng… đồng thời đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét loại trừ rượu, bia, vì việc ghi nhãn 7 chất bao gồm: năng lượng, đạm, chất bột đường (carbohydrat), đường tổng số (total sugar), chất béo, chất béo bão hòa, natri theo quy định đối với rượu bia là không hợp lý.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp quan ngại về yêu cầu nêu tại dự thảo (ghi 7 chất với tất cả các loại thực phẩm), mà không áp dụng phương thức quản lý rủi ro, sẽ làm tăng nhiều chi phí cho kiểm nghiệm. Để so sánh, doanh nghiệp cho biết, Nhật Bản chỉ yêu cầu ghi 5 chỉ tiêu: năng lượng, đạm, carbohydrat, chất béo, natri. Với 2 chỉ tiêu ghi nhãn nhiều hơn so với Nhật Bản, ước tính doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tốn kém thêm 620 tỷ đồng cho năm đầu áp dụng và 206 tỷ đồng mỗi năm sau đó. 

Một lãnh đạo doanh nghiệp ngành thực phẩm cho biết, để có thông tin ghi nhãn, doanh nghiệp ít nhất phải kiểm nghiệm 3 lần để tính giá trị trung bình. Và theo ISO, nếu không kiểm nghiệm từng lô, mỗi năm doanh nghiệp phải thực hiện kiểm nghiệm lại ít nhất 1 lần để xem giá trị này còn chính xác hay không. Lấy ví dụ mức giá kiểm nghiệm chất béo bão hòa tại Viện Kiểm nghiệm thực phẩm quốc gia hiện nay là 1,1 triệu đồng/mẫu. Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm, trong 3 năm 2015-2017, Cục đã cấp giấy đăng ký cho 113.000 sản phẩm thực phẩm, như vậy 5 năm có khoảng 188.000 sản phẩm. Chỉ cần tính 50% số này có trên thị trường, ta có 94.000 sản phẩm thực phẩm và cứ 3 kiểm nghiệm để ghi nhãn 1 chỉ tiêu, với 94.000 sản phẩm, các doanh nghiệp đã phải chi khoảng 300 tỷ đồng. Tiếp đó, để tiếp tục duy trì tối thiểu 1 kiểm nghiệm hàng năm, doanh nghiệp tiếp tục phải chi thêm khoảng 100 tỷ đồng nữa…

Có thể thấy một dòng thông tin nhỏ xíu trên nhãn mác có “giá” không nhỏ. Nếu đem lại giá trị thực sự thì đắt cũng phải làm, nhưng nếu quả thực như doanh nghiệp phản ánh, thì rất cần xem xét lại, nhất là trong bối cảnh nguồn lực của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn đáng kể sau thời gian chống chọi với đại dịch Covid-19. Kiên quyết và nghiêm khắc với những hành vi làm sai, làm ẩu, nhưng cũng cần thực tế, tránh “hành hạ” doanh nghiệp một cách không cần thiết.

Tin cùng chuyên mục