Nghịch lý việc dân tăng, cán bộ giảm

Phần lớn cán bộ, công chức, đảng viên làm việc tại các phường, xã đông dân ở TPHCM không nề hà, than thở trước áp lực công việc mà luôn nỗ lực khắc phục khó khăn. Mỗi người đều tự thu xếp việc cá nhân, gia đình để làm tròn công việc tại cơ quan, đơn vị.
Cán bộ trẻ Nguyễn Hoàng Sơn (UBND quận Bình Tân, TPHCM) tiếp nhận hồ sơ của người dân
Cán bộ trẻ Nguyễn Hoàng Sơn (UBND quận Bình Tân, TPHCM) tiếp nhận hồ sơ của người dân

Nỗ lực hoàn thành việc chung

Quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức… là những nơi có dân số đông nhất TPHCM. Đây là những địa phương đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu xây dựng, nhà ở cũng như giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp rất lớn. Ngoài ra, cùng với giải quyết công việc chuyên môn, cán bộ, đảng viên tại những nơi này còn phải tham gia giải quyết các sự vụ, sự việc phát sinh khác.

Là đảng viên trẻ, có 6 năm công tác tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (gọi tắt là bộ phận một cửa) UBND quận Bình Tân, anh Nguyễn Hoàng Sơn chia sẻ, 7 giờ 30 - 5 giờ chiều từ thứ hai đến thứ sáu và sáng thứ bảy anh tiếp nhận hồ sơ của người dân, doanh nghiệp. Trong những tháng cao điểm, anh tiếp nhận, kiểm tra khoảng 120-150 bộ hồ sơ/ngày. Khi hết giờ tiếp nhận hồ sơ, anh vẫn tiếp tục ở lại xử lý hồ sơ đã nhận trong ngày. Đồng thời, anh phải tranh thủ giờ nghỉ trưa, ở lại làm thêm vào chiều tối để giải quyết công việc cho kịp tiến độ.

Theo ông Phạm Hồng Khanh, cán bộ phụ trách bộ phận một cửa UBND quận Bình Tân, trung bình đơn vị nhận khoảng 600 bộ hồ sơ các loại/ngày. Phần lớn là hồ sơ nhà, đất. Với số lượng cán bộ, công chức trong biên chế, một cán bộ, công chức tiếp nhận hơn 1.200-1.500 bộ hồ sơ/tháng. Đặc biệt, đối với các hồ sơ liên quan đến lĩnh vực nhà đất, cần thực hiện thế chấp, xóa thế chấp ngân hàng, cán bộ tiếp nhận phải nhanh chóng xử lý để trả kết quả. “Đối với những loại hồ sơ này, tiếp nhận chiều hôm trước, chúng tôi cố gắng hôm sau trả kết quả”, ông Phạm Hồng Khanh chia sẻ. Ông cho biết, nếu trả hồ sơ chậm trễ, có thể người dân, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Về câu chuyện cán bộ, công chức ở TPHCM quá tải vì công việc, ông cho rằng ai cũng có khó khăn, áp lực công việc. Nhưng điều quan trọng là mỗi cá nhân tự sắp xếp công việc của bản thân, của gia đình và nỗ lực hoàn thành công việc để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Củng cố nhân sự cơ sở

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vừa ban hành kế hoạch về nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng; củng cố kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở; tăng cường công tác dân vận trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thường trực Thành ủy TPHCM cũng tổ chức các đoàn đến làm việc, khảo sát ở các địa phương, nhất là ở những phường, xã đông dân, về việc triển khai thực hiện các kế hoạch này.

Tại các buổi khảo sát, lãnh đạo những phường, xã đông dân đều cho rằng, cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách ở các phường đang trong tình trạng quá tải công việc. Khối lượng công việc tăng dần theo thời gian nhưng số lượng cán bộ, công chức lại giảm dần. Trước đây, một lĩnh vực giao cho 2-3 người giải quyết công việc thì nay chỉ còn một người. Cán bộ, công chức phải làm việc quá giờ để giải quyết công việc kịp thời cho người dân và đảm bảo chế độ báo cáo.

Bí thư Đảng ủy phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) Nguyễn Thị Kim Cúc chia sẻ, hiện phường có 34 cán bộ, công chức, thiếu 3 người theo biên chế. Với lượng dân số ở phường quá đông, đa số các bộ phận tại UBND phường đều quá tải vì khối lượng công việc chuyên môn và các sự vụ, sự việc phát sinh cần giải quyết rất lớn. Công tác quản lý đảng viên cũng gặp nhiều khó khăn do số lượng đảng viên sinh hoạt ở phường là 1.219 đảng viên. Với số biên chế cán bộ, công chức phường hiện tại thì không đủ người để phân công theo dõi.

Bí thư Đảng ủy phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) Nguyễn Quang Hưng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, phường tiếp nhận, xử lý hơn 45.000 hồ sơ. Trung bình mỗi cán bộ phường xử lý hơn 183 hồ sơ/tháng. Hiện nay, một cán bộ, công chức phường phục vụ hơn 3.700 người dân (34 cán bộ/125.890 dân), do đó chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp bị giảm sút. “Ngoài ra, một cán bộ không chuyên trách phải thực hiện nhiệm vụ theo chức danh quy định với 30 đầu việc. Các trường hợp phụ trách lĩnh vực chuyên môn thì tăng lên 35, 45 đầu việc”, đồng chí Nguyễn Quang Hưng thông tin. Bên cạnh đó, cán bộ Văn phòng Đảng ủy phường, cán bộ Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy phường đang phải kiêm nhiệm nhiều việc - từ công tác tổ chức tham mưu, công tác dân vận, tuyên giáo… Do đó, việc chỉ bố trí 2 cán bộ là chưa đáp ứng được nhiệm vụ công tác và khiến cán bộ chịu áp lực rất lớn.

Trước thực tế này, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận Bình Tân Nguyễn Việt Quế Sơn đề xuất, cần tổ chức bộ máy ở phường đông dân phù hợp với yêu cầu công việc trong tình hình mới. Bởi hiện nay, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã đông dân hầu hết là kiêm nhiệm nhiều chức danh, nhiều đầu việc nên rất khó làm tốt các công việc như ý muốn. Từ đó, lãnh đạo quận Bình Tân nêu phương án: ở phường có trên 300 đảng viên thì cần bổ sung cán bộ làm công tác Đảng. 

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM: Phát huy nguồn lực cán bộ trẻ

Qua các buổi khảo sát về việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, về vấn đề tổ chức bộ máy ở các phường, xã có dân số đông, lãnh đạo TPHCM chia sẻ những khó khăn, tồn tại đối với các cơ sở. Đoàn nhận thấy, để giải quyết vướng mắc cần xây dựng được cơ chế quản lý phù hợp và để cán bộ, đảng viên, người lao động cảm thấy gắn bó với cơ quan, đơn vị, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực công.

Nghịch lý việc dân tăng, cán bộ giảm ảnh 1 Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải
Qua đại dịch Covid-19, chúng ta thấy rõ sự gương mẫu, ý chí kiên cường của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các đồng chí ở tuyến đầu, đã chung tay góp sức cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM vượt qua khó khăn và tiến hành phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Để đáp ứng tốt hơn công việc trong tình hình hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần áp dụng mạnh mẽ hơn công nghệ thông tin vào công việc, quản lý, chỉ đạo, điều hành để giảm sức lao động của cán bộ, đảng viên, người lao động. Cùng với đó, cần quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở và các chế độ, chính sách đối với cán bộ ở cơ sở, bởi đây là lực lượng quan trọng, trực tiếp gần dân và giải quyết nhiều công việc ở cơ sở. Các địa phương cũng phải cụ thể hóa đề án quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ trẻ ở cơ sở để thành phố có lực lượng trẻ. Đây là lực lượng xung kích, thường trực và dấn thân trong mọi công việc.

Đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bình Tân (TPHCM): Không vì áp lực mà không hoàn thành công việc

Nghịch lý việc dân tăng, cán bộ giảm ảnh 2 Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt
Để tiếp tục phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, quận Bình Tân đã chỉ đạo từng cán bộ, công chức, đảng viên phải xác định dù là địa bàn đông dân, áp lực công việc lớn nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ; không thể lấy lý do đông dân rồi nói áp lực quá, không hoàn thành công việc.

Thời điểm tách quận năm 2003, quận Bình Tân có khoảng 250.000 dân. Ba năm sau, dân số quận khoảng 500.000 và hiện nay là hơn 800.000, nhưng quận vẫn đảm bảo yêu cầu công việc, dù biên chế có giảm. Tuy nhiên, để nâng chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đối với những địa phương dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh thì cần áp dụng theo công thức: những phường có dân số trên 50.000 dân, cứ thêm 10.000 dân thì cần tăng thêm một người hoạt động không chuyên trách. Điều này giúp các địa phương đảm bảo thực hiện tốt công việc phục vụ người dân và doanh nghiệp. Sau này, khi địa phương đã ổn định thì có thể giảm nhân sự lại.

Tin cùng chuyên mục