Nghịch lý giá xăng dầu

Trước đây, khi kinh tế Việt Nam bị cấm vận, xăng dầu là mặt hàng khan hiếm, trong nước chưa sản xuất được nên phải nhập hoàn toàn từ nước ngoài. Do đó, việc xăng dầu được xem là mặt hàng xa xỉ, phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là điều dễ hiểu. 

Nhưng những năm gần đây, khi Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ Nhà nước đã đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng 2 nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn để tự chủ nguồn cung, giảm nhập khẩu, thì thật khó hiểu khi giá xăng vẫn cao chót vót. Lý do, xăng dầu vẫn đang được xem là mặt hàng xa xỉ nên ngoài các loại thuế giá trị gia tăng, nhập khẩu, bảo vệ môi trường (MT) thì phải “cõng” thêm thuế TTĐB.  

Từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn nguồn xăng dầu nhập khẩu, đến nay với 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đã cung ứng được 80% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, mà vẫn giữ thuế TTĐB với giá xăng dầu thì quả là bất hợp lý. Với nhiều ngành sản xuất, nhất là ngành vận tải, thì chi phí nguyên liệu xăng dầu chiếm từ 35% - 40% doanh thu, sẽ rất khó để sản phẩm làm ra có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực (do giá thành cao). Đó cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao năng suất lao động nước ta thuộc nhóm thấp nhất khu vực Đông Nam Á. 

Từ ngày 1-1-2019, việc mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được tăng kịch khung (xăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít; dầu diesel từ 1.500 - 2.000 đồng/lít) đã gặp rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng thuế này không làm người dân thay đổi hành vi (tức sẽ tiết kiệm xăng dầu, giảm khí thải ra môi trường) và theo các nhà khoa học, nói về mức độ gây ô nhiễm thì than đá khi đốt thải ra không khí ô nhiễm hơn rất nhiều, nhưng mức thu thuế bảo vệ môi trường được duy trì ổn định từ năm 2012 là 10.000 đồng/tấn, từ đầu năm 2019 cũng chỉ tăng thêm 5.000 đồng/tấn.

Hơn nữa, cơ chế điều hành còn nhiều bất cập ở việc công khai, minh bạch quỹ bình ổn xăng dầu. Đã thành thói quen, khi quỹ âm thì Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (chiếm 49% thị phần) chủ động đưa thông tin cho báo chí và “kêu” rất to, còn khi lãi ròng lớn thì lại ít công bố; nhất là các khoản chi ít được minh bạch cho người dân biết. Ngoài ra, với cơ chế điều hành hiện tại, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hầu như không bao giờ bị lỗ, vì đã có lợi nhuận định mức trên từng lít xăng được Nhà nước bảo đảm, như vậy là vẫn còn nặng tính bao cấp, chưa đảm bảo yếu tố thị trường. 

Chính vì thế, để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế, giảm gánh nặng chi phí đi lại, sinh hoạt cho người dân thì việc cần làm là phải giảm bớt, bãi bỏ các loại thuế phi lý đang áp đặt lên giá xăng dầu; đồng thời phải thay đổi tư duy điều hành giá xăng dầu theo hướng cạnh tranh. Chỉ khi có môi trường cạnh tranh kinh doanh xăng dầu lành mạnh thì nền kinh tế và người dân mới được lợi, qua đó kích thích sản xuất và tiêu dùng phát triển.

Tin cùng chuyên mục