Nghịch lý giá mua tăng - Diện tích mía vẫn giảm. Bài 1: Thiếu nguyên liệu, ngành mía chông chênh

LTS: Diện tích vùng nguyên liệu mía toàn Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 127.000ha, trong đó diện tích trồng mía còn khoảng 100.000ha, phần diện tích còn lại nhiều nguy cơ chuyển đổi sang cây trồng khác. Bất chấp vụ thu hoạch 2020-2021 được xem là vụ mía thành công của nông dân và nhà máy, diện tích mía tại nhiều vùng nguyên liệu vẫn tiếp tục được dự báo sụt giảm. Thiếu nguyên liệu, ngành sản xuất mía đường đang gặp muôn vàn khó khăn.

Theo báo cáo của các nhà máy đường, trong vụ thu hoạch 2019-2020, số lượng nhà máy hoạt động là 29 nhà máy. Tính đến hiện tại, vụ thu hoạch 2000-2021, chỉ còn 26 nhà máy hoạt động mà nguyên nhân chính là thiếu nguyên liệu duy trì hoạt động đủ công suất.

Diện tích mía được dự đoán tiếp tục giảm dù giá mía ở mức cao và tiếp tục tăng
Thiếu đủ thứ

Những năm trước, cây mía được xem là cây trồng “xóa đói giảm nghèo” nhờ tính thích ứng và hiệu quả kinh tế cao. Cùng với công dụng đa dạng trong nhiều ngành công nghiệp, cây mía từng bước xác định được tính ổn định của mình. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh cây trồng, tính ổn định của cây mía bị xếp sau lợi nhuận ngắn hạn của các loại cây thời vụ khác rủi ro hơn. 

Niên vụ 2020-2021, dù giá mía nguyên liệu tăng khoảng 200.000 đồng/tấn so với niên vụ trước, nhưng vẫn là năm khó khăn chung của ngành mía đường, do thiếu diện tích trồng, nguồn cung mía trong nước thiếu nghiêm trọng, nông dân vẫn tiếp tục chuyển sang trồng cây khác, dẫn đến sản lượng mía giảm.

Giá cả được xem là lý do quan trọng ảnh hưởng đến quyết định trồng mía của nông dân. Vào thời kỳ hoàng kim, cây mía không chỉ là cây “xóa đói giảm nghèo” mà thực sự trở thành loại cây làm giàu cho nhiều nông dân. Trải qua biến động hội nhập, trồng mía không còn hiệu quả như trước so với các cây trồng cạnh tranh trực tiếp như: mì, lúa, cà phê… Do đó, người nông dân không khỏi đắn đo trước lợi nhuận trong ngắn hạn của các cây trồng này. 

Dù vậy, cây mía được các doanh nghiệp đầu tư trồng, chăm sóc, bao tiêu đầu ra…, tạo nên sự ổn định hơn hẳn so với các cây trồng khác vốn bấp bênh do thả nổi theo thị trường. Ngoài ra, với tình hình thị trường quốc tế diễn biến có lợi, giá đường tăng do cung thiếu hụt trong khi cầu phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp mía đường đều tăng giá mía cao hơn so với vụ trước để người trồng mía yên tâm đầu tư. Giá tốt và dự báo còn tiếp tục tăng, vậy tại sao người nông dân vẫn rời bỏ cây mía?

Theo phân tích của một số chuyên gia trong ngành, quá trình đô thị hóa đang đe dọa nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu mía. Chỉ tính trong giai đoạn 10 năm (2009-2019), tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam tăng từ 29,76% lên 36,6%. Riêng tại tỉnh Đồng Nai, dự kiến tới năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa sẽ đạt 50%, các huyện trồng mía đều đang được quy hoạch trở thành các đô thị loại IV, V. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đe dọa nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu khi đây là những huyện có diện tích mía lớn. Bên cạnh đó, chỉ từ năm 2015-2018, tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp giảm 6,3% (từ 44% xuống còn 37,7%). 

Ngoài ra, vì là ngành thâm dụng lao động, ngành mía đường đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động phổ thông nghiêm trọng, nhất là trong vụ thu hoạch, khi đây là khâu tốn nhân lực và ảnh hưởng đến toàn bộ thành quả của nông dân trồng mía trong suốt vụ. Tỷ trọng thu hoạch thủ công lớn tạo ra rủi ro và khiến chi phí canh tác mía tăng cao, giảm lợi nhuận của người trồng mía. 

Thống kê của ngành mía đường cho thấy, hiện hơn 50% nông dân trồng mía trên 50 tuổi. Chỉ có 7% từ 20-30 tuổi và 14% từ 30-40 tuổi. Đây là những con số biết nói với ngành mía và nông nghiệp nói chung. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ, từ nông thôn sang thành thị đã khiến ngành mía đường thiếu đi thế hệ kế thừa. Tình cảnh ở nhiều vùng nguyên liệu là người cũ trồng “vì đam mê”, người mới không mặn mà, diện tích mía vì vậy 
ngày càng thu hẹp.

Những nhà máy “chết đuối trên cạn”

Như một vòng lẩn quẩn, nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, đồng nghĩa với vùng nguyên liệu tại đó tan vỡ, hàng ngàn nông dân bấp bênh do mất sinh kế từ cây mía. Theo báo cáo của các nhà máy đường, trong vụ 2019-2020, số lượng nhà máy hoạt động chỉ còn 29 nhà máy. Tính đến hiện tại, vụ 2020-2021, chỉ 26 nhà máy còn hoạt động mà nguyên nhân chính là không có đủ nguyên liệu để duy trì hoạt động đủ công suất.

Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, diện tích vùng nguyên liệu mía của Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng. Diện tích vùng nguyên liệu mía toàn Việt Nam hiện còn khoảng 127.000ha (40.000ha quy mô lớn, 60.000ha quy mô nhỏ lẻ), trong đó hơn 27.000ha đứng trước nguy cơ chuyển chuyển đổi sang các cây trồng khác. Trong điều kiện năng suất mía 60 tấn mía/ha, cung cấp khoảng 7,6 triệu tấn mía có chữ đường 10 CCS, chúng ta sẽ sản xuất được khoảng 760.000 tấn đường. Với điều kiện tối ưu, mức năng suất có thể đạt bình quân 80 tấn/ha mía có chữ đường 10 CCS thì lượng đường tạo ra chỉ xấp xỉ 1 triệu tấn. 

Sản lượng mía không đủ cho các nhà máy đường hoạt động hiệu quả, thậm chí nhiều nhà máy đóng cửa do không thể chạy dưới công suất. Hiện tại, nhu cầu sử dụng đường ở Việt Nam khoảng 2 triệu tấn, và theo dự báo, nhu cầu này sẽ tăng lên 2,5 triệu tấn vào năm 2025. Cầu tăng nhưng cung không thể đáp ứng đủ. Dự báo sản lượng mía nội địa năm nay sẽ thiếu trầm trọng 1-1,3 triệu tấn đường.

Trước thực tế này, câu hỏi chưa có lời đáp cho ngành mía đường là làm sao để tạo dựng lại lòng tin của người trồng mía, làm sao để “nông dân có lãi, nhà máy có lời” và cây mía phát triển trở lại?  Đó là câu hỏi không chỉ dành cho doanh nghiệp và nông dân mà cả cho các bên liên quan: nhà nước, địa phương và các hiệp hội. Trước khi chờ nhà nước có những chính sách vực dậy vùng nguyên liệu và khôi phục ngành đường, đây là một khoảng trống đầy rủi ro cho đường lậu tràn vào. Khi bài toán tái phát triển vùng nguyên liệu còn gặp nhiều thử thách và cần thời gian, việc đảm bảo nguồn cung đường cho thị trường trong nước cần các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công thương, có giải pháp căn cơ và tức thời để bình ổn thị trường.

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tổng hợp từ số liệu của các địa phương có nhà máy đường, tổng diện tích trồng mía vụ thu hoạch 2019-2000 là 182.599ha, giảm 18,4% so với vụ năm 2018-2019 (223.847ha). Năng suất mía bình quân vụ 2019-2020 đạt 61,5 tấn/ha, giảm 1,9% so với vụ 2018-2019 (62,7 tấn/ha), dẫn tới sản lượng mía vụ 2019-2020 chỉ đạt 11.235.984 tấn, giảm 20% so với vụ 2018-2019 (14.042.789 tấn). Đến vụ 2020-2021, dù đã có nhiều biến chuyển tích cực từ thị trường, diện tích vùng nguyên liệu cũng chỉ còn 127.446ha, sản lượng mía toàn vụ chỉ đạt 7.498.060 tấn, giảm mạnh 34% so với vụ 2019-2020.

Tin cùng chuyên mục