Nghịch lý của thể thao

Đến hẹn lại lên, cứ sau mỗi kỳ SEA Games và lúc năm hết, tết đến thì các câu chuyện về hoàn cảnh khó khăn của các vận động viên (VĐV) đỉnh cao lại được nhắc đến một “món nợ” mà thể thao Việt Nam vẫn chưa trả được cho nhân tố quan trọng nhất trong lĩnh vực của mình.

Ở buổi gặp mặt đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games vừa qua, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ VH-TT-DL phải khẩn trương tổ chức khen thưởng phù hợp với những người đã mang vinh quang về cho đất nước. Trên thực tế, những khoản tiền thưởng theo quy định đối với rất nhiều VĐV đỉnh cao là thu nhập tốt nhất mà họ có thể có trong bối cảnh xã hội hóa thể thao vẫn chưa có bước đột phá đáng kể nào suốt một thập niên qua. Đó là một nghịch lý.

Thể thao là một lĩnh vực có tính đột phá rất cao. Một quốc gia kém phát triển vẫn có thể sản sinh nhiều VĐV tài giỏi. Bằng nỗ lực tinh thần và ý chí, các VĐV có thể vượt qua được những trở ngại trong điều kiện tập luyện để đạt đến thành tích ngang bằng với đồng nghiệp ở điều kiện tốt hơn. Chính vì thế, bất kỳ quốc gia nào được xem là phát triển mạnh về kinh tế, xã hội thì chắc chắn là nền thể thao cũng rất mạnh. Đôi khi, thành tích thể thao cũng được xem là một khía cạnh để đánh giá về tiềm lực của các quốc gia.

Cũng không khó để lý giải. Kinh tế - xã hội phát triển thì thời gian và không gian dành cho thể thao sẽ lớn hơn. Người tập luyện thể thao nhiều hơn thì sẽ xuất hiện số lượng lớn các VĐV chuyên nghiệp cũng như các nguồn tài chính cho đầu tư, tài trợ. Số VĐV chuyên nghiệp càng đông thì chắc chắn thành tích của nền thể thao trên đấu trường quốc tế cũng thay đổi.

Ở Việt Nam thì dù có lực lượng VĐV chuyên nghiệp đông nhưng rất tiếc nền thể thao lại chỉ ở ngưỡng từ nghiệp dư đến bán chuyên nghiệp, có chiều hướng đi ngược lại so với những lĩnh vực mang yếu tố giải trí khác. Các VĐV không “quy đổi” được số thời gian dành cho thể thao đỉnh cao thành thu nhập thông qua thi đấu. Họ cũng không chuyển đổi công sức tập luyện của mình để giảm đi học phí ở các trường đại học như mô hình của các quốc gia tiên tiến. Nói cách khác, với các VĐV Việt Nam thì thể thao là một cái nghề nhưng lại không bảo đảm được thu nhập hay cuộc sống tương lai.

Nghị định về xã hội hóa thể thao đã có ít nhất 2 lần sửa đổi, bổ sung, qua đó tạo thêm cơ chế để ngành thể thao thu hút thêm các nguồn lực ngoài xã hội, nhưng kết quả thì không có gì nổi bật. Các ưu đãi về thuê đất cũng không thu hút được các nhà đầu tư rót vốn vào cơ sở vật chất thể thao thuần túy, vì thế mà từ sau SEA Games năm 2003 đến nay, ngành thể thao chưa có thêm công trình đạt đẳng cấp châu Á nào ngoài đường đua F1 do tư nhân tự vận động và điều hành.

Thậm chí, một số công trình mang tính biểu tượng ở các thành phố trực thuộc trung ương cũng đã không còn hoặc bị thay thể với quy mô nhỏ hơn như sân Chi Lăng (Đà Nẵng), nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TPHCM) hay sân vận động Cần Thơ. Hình dung một cách đơn giản thì quy mô của nền thể thao Việt Nam đang bị thu hẹp ở góc độ xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa.

Ví dụ tiêu biểu có thể lấy từ môn bóng đá. Cầu thủ Công Phượng được đưa ra nước ngoài thi đấu với mục đích rất rõ ràng: có thu nhập cao, dù ngôi sao này chỉ ngồi dự bị nửa năm qua. Nếu để Công Phượng đá bóng trong nước, thì số tiền mà anh nhận được không đủ bù cho khoản tiền mà Học viện HA.GL - Arsenal đã bỏ ra để đào tạo.

Một ví dụ khác: 2 năm trước, sau thành tích đoạt 8 HCV ở SEA Games 29, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên được một vài doanh nghiệp lớn tiếp cận. Nhưng sau một thời gian ngắn ban đầu, thì chẳng ai thấy hình ảnh Ánh Viên xuất hiện ở hoạt động quảng cáo nào, nghĩa là thu nhập của Ánh Viên cũng khó mà tăng lên theo thời gian dù cô đã dành toàn bộ tuổi trẻ của mình chỉ để tập và thi đấu xa nhà. Câu chuyện của Ánh Viên, của Công Phượng … chỉ mang ý nghĩa tinh thần ở một vài thời điểm nào đó chứ khó có thể tạo động lực cho các bậc phụ huynh hướng con em mình theo nghiệp thể thao vốn nhiều rủi ro và bấp bênh.

Các nhà quản lý cần phải mạnh dạn nhìn vào nghịch lý ấy thay vì lấy thành công của SEA Games để khỏa lấp sự thiếu hụt nghiêm trọng yếu tố chuyên nghiệp, nhà nghề của thể thao trong đời sống xã hội.

Tin cùng chuyên mục