Nghĩa tình của người Đà Nẵng với dòng người hồi hương

Lần đầu tiên, Đà Nẵng mở hầm Hải Vân cho phép hàng ngàn người dân chạy xe máy từ các tỉnh phía Nam về quê, thay vì lưu thông trên đường đèo.

Nghĩa tình của người Đà Nẵng với dòng người hồi hương

>>> Video lực lượng CSGT phối hợp, dẫn đoàn người dân về quê

 Phận đời trên đường về quê

Trời đã khuya, tại trước khu vực hầm Hải Vân (TP Đà Nẵng), tiếng xe máy nổ, tiếng người dân ồn ào, tiếng trẻ em nhỏ khóc ré như xé tan không khí yên tĩnh vùng giáp ranh. Đón nhận bát súp nóng từ nhóm thiện nguyện tại trạm dừng chân Đà Nẵng, hai anh em Võ Thị Thảo Uyên (19 tuổi, người Nghệ An) rưng rưng nước mắt.

Người dân về quê lấy bánh mì miễn phí

Thảo Uyên tâm sự, đây bữa ăn đầu tiên của hai anh em sau một ngày dài với hành trình hơn 1.000km từ Bình Dương vượt mưa, gió trở về quê. Cuộc sống quê nhà khó khăn, hai anh em dắt díu nhau vào Nam với mong muốn tìm kiếm công việc lo cho ba mẹ ở quê nhà. Đến Bình Dương hơn 2 năm thì dịch bệnh bùng phát, vậy nhưng cả hai vẫn động viên nhau còn nước còn tát, cầm cự đợi ngày tìm kiếm công việc khác.

Nụ cười hiếm hoi cô gái trẻ khi được ăn bánh mì và súp nóng

Thế nhưng, dịch bệnh diễn biến phức tạp, những đồng tiền tiết kiệm cũng dần cạn kiệt. Quyết định trở về lần này là một trong những sự lựa chọn cuối cùng của cả hai. Với lộ phí có trên người, hai anh em không có được bữa ăn trọn vẹn nào. Dọc đường đi được phát bánh ngọt, nước suối, cả hai ăn cầm cự qua bữa.

“Đây là bát súp ngon nhất mình từng ăn và ăn trong hoàn cảnh đặt biệt thế này. Bữa ăn đầu tiên của ngày và cũng là bữa ăn ngon nhất những ngày qua”, Thảo Uyên cầm bát súp mà run run.

Lái xe máy chở theo lỉnh kỉnh đồ trên yên xe, anh Sùng A Lỳ (người đồng bào H'Mông, tỉnh Nghệ An) rời tỉnh Bình Phước về quê tỉnh Nghệ An sau thời gian cầm cự vượt qua khó khăn ở đất khách vì dịch bệnh Covid-19.

Một gia đình nhỏ trên hành trình về quê

Nhìn người vợ dỗ dành đứa nhỏ mới 8 tháng tuổi đang khóc, anh Sùng kể thời gian qua khi dịch bệnh bùng phát ở các tỉnh phía nam, vợ chồng anh rơi vào thất nghiệp, khó khăn chồng chất. Tuy nhiên, dù khó anh Sùng cùng vợ vẫn hy vọng một ngày gần nhất dịch bệnh qua đi thì anh và vợ có thể đi làm công nhân trở lại để kiếm sống còn hơn về quê quay trở lại chuỗi ngày cơ hàn trước đây. Nhưng giờ đây họ đành phải quay về nhà.

“Không cầm cự nổi nữa, chờ một hai ngày, rồi là một tháng, hai tháng, thất nghiệp không có cái ăn và con nhỏ quá nên đành lái xe chạy về quê mà đường về nhà cứ dài vô tận… Ánh đèn phía trước và những người chạy cùng là động lực của gia đình tôi”, A Lỳ nghẹn ngào.

Khi chính quyền giúp sức

Vài ngày trở lại đây, trên mạng xã hội, từ trang cá nhân cho đến các hội, nhóm cộng đồng, ai ai cũng chia sẻ hình ảnh hỗ trợ đối với người khốn khổ trên hành trình rời các tỉnh phía Nam chạy xe máy hàng trăm km về quê.

Người dân chờ đợi hầm Hải Vân mở đợt tiếp theo

Để hỗ trợ những mảnh đời đi ngang qua địa phận, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ban hành hàng loạt các chính sách để giúp đỡ những người về quê. Từ việc chủ trương dùng phương tiện đón người đi bộ từ vị trí tiếp giáp tỉnh Quảng Nam đến hết đèo Hải Vân (đoạn tiếp giáp với tỉnh Thừa Thiên – Huế) đến việc đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng hỗ trợ thực phẩm, nước uống, nhiên liệu... cho người về quê.

“Nhìn dòng người nườm nượp đi về chúng ta rất xót xa, thương cho từng hoàn cảnh đi tha phương để rồi giờ đây tìm cách về quê. Đà Nẵng giờ đây tình hình đã tạm ổn nên chia sẻ, giúp được gì thì chúng ta sẵn sàng giúp hết sức”, ông Chinh chia sẻ.

Cảnh sát giao thông có mặt để xử lý tình huống giúp dân

Đặc biệt, TP Đà Nẵng đã làm việc với Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, đề nghị mở hầm hỗ trợ người dân đi về các tỉnh phía Bắc. Lực lượng CSGT dẫn đoàn liên tục phát thông báo đảm bảo giãn cách, tránh trường hợp va chạm, đảm bảo an toàn cháy nổ. Đoàn xe hỗ trợ như cấp cứu, chữa cháy, sửa xe lưu động…theo sau xử lý kịp thời khi có tình huống phát sinh.

Lượng người qua hầm khá đông đúc

Theo Trung tá Phạm Quyền, Phó Trạm CSGT Hòa Nhơn (Phòng CSGT, Công an Đà Nẵng), bên trong hầm lượng oxy, áp suất thấp gây nguy hiểm cho người đi xe mô tô di chuyển. Trong hầm di chuyển với tốc độ 40km/h, lực lượng thường xuyên dùng loa để phát tuyên truyền không được dừng, đỗ gây nguy hiểm.

Đây là lần đầu tiên cho xe máy di chuyển qua hầm kể từ ngày khánh thành, cũng vì thế lực lượng CSGT TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp để hỗ trợ dẫn đoàn.

Người Đà Nẵng tiếp sức cho đồng bào

Suốt từ chập tối đến sáng, từ điểm dừng ở xã Đại Hiệp, tỉnh Quảng Nam, nơi giáp ranh với TP Đà Nẵng đến đỉnh đèo Hải Vân, hàng chục người trong các nhóm thiện nguyện chia nhau hỗ trợ đồng bào từ các tỉnh phía Nam về quê. Tại điểm dừng chân xã Đại Hiệp, nhóm SOS Đại học Đông Á đã tiếp thêm xăng dầu, kiểm tra thay nhớt cho xe máy bị hỏng nhẹ, thay ruột xe...; CLB xe bán tải Đà Nẵng hỗ trợ chở phụ nữ, trẻ em, người bị hỏng xe; nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng hỗ trợ lộ phí...

Những người trẻ thuộc sinh viên Đại học Đông Á đang giúp dân sửa xe trong mưa

Tại khu vực đỉnh đèo, trời mưa lớn, gió lạnh, những tình nguyện viên vẫn tìm cách khắc phục hỏng hóc cho những chiếc xe của người dân đã chạy nhiều dặm đường trường về đây.

“Những ngày qua, mỗi ngày em chỉ ngủ tầm 2-3 tiếng. Công việc của đội là ngay sau khi nhận xe, các bạn nhanh chóng chia nhau kiểm tra xe và tiến hành thay thế phụ tùng, thay nhớt miễn phí cho những xe máy hư hỏng... để người dân nhanh chóng tiếp tục hành trình”, em Doãn Phương Nam, sinh viên Đại học Đông Á.

Nghĩa tình của người Đà Nẵng với dòng người hồi hương ảnh 8 Trung bình mỗi đêm, đội SOS sinh viên Đại học Đông Á hỗ trợ cứu hộ cho khoảng hơn 50 xe máy
Nghĩa tình của người Đà Nẵng với dòng người hồi hương ảnh 9 Có ngày cao điểm phải sửa chữa xuyên đêm đến tận trưa hôm sau cho hơn 120 xe máy, trong đó có nhiều xe hư hỏng nặng phải thay nhiều phụ tùng để kịp cho đoàn tiếp tục di chuyển

Tối nào, nhóm thiện nguyện Hiếu Hạnh, chùa Quán Thế Âm chuẩn bị sẵn hàng ngàn ổ bánh mì chả, hàng trăm hộp cơm gà giúp mọi người ăn qua bữa khi dừng chân nghỉ lấy sức.

Tình nguyện viên hỗ trợ lương thực cho người dân về quê
“Nhìn những cảnh người đi trên đường thì mình rưng rưng nước mắt, cho nên mình muốn gửi thêm những hộp súp bắp tôm cua muốn sưởi ấm trái tim của những người dân đi trên đường. Bà con khó khăn người ta mới chọn cách về quê chứ không phải ai cũng muốn đi xa như vậy”, chị Nguyễn Thị Trà Liên, thành viên nhóm Hiếu Hạnh nói.
Nhóm thiện nguyện Hiếu Hạnh đang chuẩn bị bát súp
Bởi, trong dòng người hồi hương qua địa phận Đà Nẵng những ngày qua, có rất nhiều trường hợp là lao động nghèo, phụ nữ, trẻ em… quê ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Đối với họ, sự hỗ trợ tận tình của chính quyền Đà Nẵng hay của các đơn vị thiện nguyện tại đây đều có ý nghĩa động viên lớn lao trên hành trình trở về nhà.
Tại hầm Hải Vân, người Đà Nẵng thường động viên bà con rằng: “Yên tâm, phía trước có chính quyền, phía sau có chúng tôi!”

Tin cùng chuyên mục