Nghĩ về mình và nghĩ về môi trường

Trước những tác động của biến đổi khí hậu, “sống xanh” hay bảo vệ môi trường không còn là khái niệm mà trở thành mục tiêu phấn đấu của nhiều bạn trẻ. Bằng các dự án, sáng kiến, các bạn nỗ lực để phủ xanh rừng và xử lý rác thải hiệu quả.

1. Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow, Anh vào tháng 11 vừa qua, tại Tổng lãnh sự quán Anh ở TPHCM, nhóm bạn trẻ thực hiện dự án Lời ru những dòng sông cùng bà Emily Hamblin (Tổng lãnh sự Anh ở TPHCM) và ông Sam Wood (Phó Tổng lãnh sự Anh ở TPHCM) theo dõi trực tuyến buổi đối thoại giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và các doanh nghiệp lớn.

Hoạt động đổi rác lấy cây xanh tại Nhà nhiều lá. (Ảnh chụp ở thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát trong cộng đồng)
Lời ru những dòng sông là dự án trong khuôn khổ chương trình Dòng sông của sự sống - Rivers of Life và được bình chọn một trong mười “dự án con” xuất sắc của chương trình. Nguyễn Quang Minh (20 tuổi, sáng lập dự án, sinh viên Đại học RMIT) chia sẻ: “Khi dự án được chọn đến Tổng lãnh sự quán Anh ở TPHCM để cùng theo dõi sự kiện Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, cả nhóm đều rất mong đợi. Thông qua chương trình, chúng tôi thực sự được truyền cảm hứng và tiếp thêm nhiều niềm tin để tiếp tục hành trình chia sẻ kiến thức về phát triển bền vững, cũng như có thêm kinh nghiệm và kiến thức về môi trường để lan tỏa tới cộng đồng”.

Dùng âm nhạc truyền thống để chia sẻ kiến thức về môi trường, hai lĩnh vực không liên quan nhưng được nhóm bạn trẻ kết hợp và mang lại những hiệu ứng bất ngờ. Không chỉ là câu chuyện dòng sông, những cánh rừng ngập mặn, lưu lượng phù sa theo con nước…, Lời ru những dòng sông còn kết hợp kể chuyện di sản miệt vườn bên cạnh chuyện bảo vệ môi trường.

“Những ai sinh ra và lớn lên ở khu vực ĐBSCL hẳn không còn xa lạ với câu hò, điệu lý và những lời ru từ thuở nằm nôi. Vì vậy, cả nhóm mong muốn dùng âm nhạc gắn liền với mảnh đất này để lan tỏa và kể chuyện về những tác động của biến đổi khí hậu. Qua những chia sẻ của nhóm, hy vọng mọi người có thể hiểu được biến đổi khí hậu là gì, ảnh hưởng của nó ra sao, từ đó sẽ có cách ứng phó. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa cùng những đổi thay của nhịp sống hiện đại khiến lời ru hay bài vọng cổ cứ xa vắng dần với giới trẻ, nên nhóm dùng âm nhạc truyền thống nói về vấn đề thời sự, có thể gọi là một công đôi việc”, Lương Ngọc Chung (thành viên dự án Lời ru những dòng sông) bày tỏ.

2. Với nhiều người, 50 năm sau là một khái niệm tương lai mơ hồ, nhưng với những người Gen Z, 50 năm nữa họ sẽ là thế hệ chịu hậu quả của biến đổi khí hậu. Vì thế, những dự án, chương trình vì môi trường bền vững được bạn trẻ nghiêm túc xây dựng.

Khởi xướng và quản lý dự án Xuôi ngược Mekong (thuộc khuôn khổ dự án Dòng sông của sự sống - Rivers of Life của Hội đồng Anh tại Việt Nam), tham gia điều hành Mạng lưới Thanh niên hành động vì khí hậu - Ynet, Trương Nguyễn Luân (22 tuổi, sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM) chia sẻ: “Châm ngôn sống của tôi là “Con người ta sinh ra để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn”, nên tôi muốn đóng góp nhiệt huyết của mình cho xã hội, cho cộng đồng; và tôi nghĩ biến đổi khí hậu là một vấn đề cần sự quan tâm, đóng góp giải quyết của người trẻ. Trong các vấn đề đe dọa sự phát triển bền vững của Việt Nam, tôi cho rằng biến đổi khí hậu là vấn đề rất lớn, khó khăn và cần nhiều nguồn lực”.

3. “Sống xanh”, bảo vệ môi trường không chỉ là trào lưu và dừng lại ở chụp ảnh có mặt tại các điểm dọn rác rồi chia sẻ lên mạng xã hội, bạn trẻ ngày càng tâm huyết hơn. Vấn đề môi trường trở thành mối quan tâm và dự án trong hành trình lập nghiệp của nhiều bạn. 

Theo đuổi những dự án vì môi trường một cách nghiêm túc và bài bản, Hoàng Quý Bình (26 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) bắt đầu với những chuỗi dự án vì môi trường như: Green life (hơn 124.500 lượt theo dõi) - một dự án về môi trường khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn, với hoạt động “Đổi giấy lấy cây” hàng tháng, cùng truyền thông các giải pháp sống xanh, để sống xanh hơn; Nhà nhiều lá - Tổ hợp dạy học cho trẻ em làng SOS (Gò Vấp), cho thuê sách miễn phí, chia sẻ kiến thức về cây xanh, thu gom rác thải nhựa, thủy tinh, điện tử…

“Sau những hoạt động và quản lý các trang mạng vì môi trường, buổi tối tôi vẫn làm công việc trực tuyến đúng chuyên môn để có thêm thu nhập. Tôi sống một mình nên chỉ cần nhu cầu cơ bản và vừa đủ, tôi muốn dành nhiều thời gian cho các hoạt động thu gom, xử lý rác thải. Gần đây, tôi bắt đầu quan tâm đến việc chia sẻ kiến thức giải tỏa áp lực tâm lý, chữa lành cho bạn trẻ. Vì môi trường sống là hiện tại của chúng ta, nếu không có hành động bảo vệ nó thì khi mọi tác động xấu xảy ra, chúng ta sẽ là người gánh chịu trước”, Quý Bình chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục