Nghị quyết Trung ương 4 với công tác nhân sự nhiệm kỳ mới - Bài 4: Mạnh dạn thí điểm các mô hình mới

Nhiệm kỳ vừa qua, Quảng Ninh là địa phương đi đầu, có nhiều đổi mới, đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đổi mới xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quảng Ninh cũng là một trong những đảng bộ trực thuộc Trung ương đầu tiên tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025. 
Hoạt động tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính tại “văn phòng 1 cửa” xã Tân Bình, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: QUANG PHÚC
Hoạt động tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính tại “văn phòng 1 cửa” xã Tân Bình, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: QUANG PHÚC

Tập trung cho cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản

Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh có 20 đảng bộ trực thuộc với 735 tổ chức cơ sở đảng (438 đảng bộ cơ sở và 297 chi bộ cơ sở). Trong quá trình đại hội các cấp, trừ 18 đảng bộ quân sự địa phương, quân sự tỉnh, còn tất cả đều bầu trực tiếp bí thư cấp ủy nhiệm kỳ mới tại đại hội. Các đồng chí bí thư cấp ủy mới này đều được đại hội bầu 1 lần, với số phiếu cao. Đồng chí Hoàng Bá Hướng, Phó Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, việc bầu bí thư trực tiếp tại đại hội đã được Quảng Ninh làm từ nhiệm kỳ trước nhưng không phải là 100% như kỳ đại hội này.

"Thời gian qua, cán bộ sai phạm, dù ở vị trí, chức vụ nào đều bị xử lý nghiêm minh đã khẳng định không có vùng cấm trong Đảng. Chúng ta không nên sợ mất cán bộ, mà chỉ sợ mất lòng tin của nhân dân"- Hoàng Bá Hướng Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh


Đây là việc làm rất tốt và hiệu quả, được đảng viên, người dân Quảng Ninh ủng hộ. Hơn nữa, người bí thư được bầu trực tiếp ở đại hội sẽ rất tự tin trong công tác khi được đại hội bầu, chứ không phải là cấp ủy bầu. Bản thân các cán bộ, đảng viên cũng cảm thấy dân chủ, cởi mở và thoải mái đối với công tác này. Việc bầu bí thư trực tiếp tại đại hội cho thấy việc mở rộng dân chủ trong Đảng. Càng mở rộng được dân chủ thì càng tốt cho sự ổn định, phát triển, đoàn kết và thống nhất cao trong sinh hoạt cũng như mọi công tác của Đảng. 

Để có được sự thành công như vậy, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến công tác nhân sự nhiều nhiệm kỳ qua. Bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, quy định của Trung ương. Cụ thể, Quảng Ninh chủ trương xây dựng một đội ngũ cán bộ đáp ứng làm việc trong môi trường quốc tế giai đoạn 2020-2025 nên công tác lựa chọn nhân sự nhiệm kỳ mới được thực hiện chu đáo và bài bản. Trong đó, tập trung nhiều cán bộ trẻ dưới 40 tuổi (khoảng 20%-25% trong cấp ủy), được đào tạo bài bản và đang giữ chức vụ ở cấp phó sở ngành đáp ứng yêu cầu về công tác nhân sự cao hơn trong giai đoạn tới, nhất là về chuyên môn và ngoại ngữ.

Với quan điểm đó, Quảng Ninh đã chuẩn bị được nguồn đội ngũ cán bộ gồm 68 đồng chí ban đầu, để chọn 59 đồng chí và tiến hành bầu 53 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới. “Cán bộ được lựa chọn phải có một quá trình rèn luyện, phát triển, được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, giữ các cương vị khác nhau và phải có uy tín. Nếu có uy tín khi giới thiệu ra đại hội, được bầu sẽ trúng với số phiếu cao”, đồng chí Hoàng Bá Hướng nói.

Chỉ sợ mất lòng tin của nhân dân

Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu về việc thí điểm “nhất thể hóa” - bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, tổ dân phố. Do đó, trong nhiệm kỳ này, Quảng Ninh đã có nghị quyết về việc tổ chức đại hội đảng cấp cơ sở là bầu bí thư chi bộ trực tiếp kiêm luôn trưởng thôn, bản, tổ dân phố. Đến nay, việc “nhất thể hóa” này đạt 100% ở 1.542 thôn, bản, tổ dân phố trên toàn tỉnh. Ở cấp cơ sở, tất cả bí thư cấp ủy ở 177 xã, phường, thị trấn của tỉnh đồng thời là Chủ tịch HĐND hoặc Chủ tịch UBND. 

Đồng chí Nguyễn Văn Trường, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Đầm Hà) cho biết, việc đảm nhiệm cả 2 chức danh này có nhiều thuận lợi, hiệu quả cho công tác; nhưng cũng rất vất vả, đòi hỏi năng lực, tính chủ động, khách quan và khoa học cao. Đặc biệt, uy tín, năng lực cá nhân phải đảm bảo để có sự thống nhất, đồng thuận trong cấp ủy, chính quyền, cũng như sự ủng hộ tin tưởng của người dân.

Theo Bí thư Huyện ủy Đầm Hà Nguyễn Thị Thu Hà, trường hợp đồng chí Nguyễn Văn Trường ở xã Tân Bình cũng như các đồng chí Bí thư cấp xã ở Đầm Hà được bầu trực tiếp tại đại hội đều có uy tín và được bầu với số phiếu cao, gần như tuyệt đối. Để có được kết quả đó, công tác cán bộ nói chung và nhân sự nói riêng được tiến hành rất khoa học, dân chủ, đúng quy trình. Đó chính là kết quả của quá trình dài về công tác cán bộ ở Đầm Hà và cả tỉnh Quảng Ninh. 

Cũng như nhiều địa phương khác, Quảng Ninh đã ban hành quy chế đánh giá cán bộ quản lý hàng năm và vừa được sửa đổi theo hướng dẫn của Trung ương. Tuy nhiên, với Quảng Ninh, dù quy chế như thế nào thì việc đánh giá cán bộ vẫn theo “sản phẩm” và hiệu quả công việc mang lại cho tổ chức, địa phương. Theo đó, địa phương không đánh giá cán bộ theo các tiêu chí mơ hồ, mà bằng kết quả, việc làm cụ thể. Nếu cán bộ không đạt yêu cầu, có sai phạm, hoặc có khuyết điểm nhưng không khắc phục sẽ được cho nghỉ và ngừng quy hoạch nhiệm kỳ mới. 

Theo đồng chí Hoàng Bá Hướng, trong thực tế không thiếu cán bộ, đảng viên tốt, làm được việc; nếu để trong đơn vị, tổ chức có một “hạt bụi hay con sâu” thì tổ chức, đơn vị đó có nguy cơ “hỏng hết”. Một tổ chức muốn vững mạnh phải có lực lượng, nhưng lực lượng đó phải gắn liền với chất lượng.

Do đó, Quảng Ninh cũng đặt ra các chỉ tiêu về phát triển đảng viên mới, nhưng chỉ là chỉ tiêu phấn đấu, chứ không phải chỉ tiêu để thi đua. Để làm tốt hơn công tác cán bộ và xây dựng Đảng, Quảng Ninh đưa ra tiêu chí, trong một tổ chức nếu cán bộ, đảng viên tự phát hiện vi phạm, thiếu sót của mình và tự khắc phục được đánh giá cao hơn việc bị phát hiện. “Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, chứ không để người khác phát hiện ra khuyết điểm, thiếu sót của mình rồi mới nhận, mới sửa”, đồng chí Hoàng Bá Hướng nhấn mạnh.

Nhiều năm qua, về công tác tổ chức và cán bộ, Quảng Ninh luôn đi đầu thí điểm các mô hình mới để phát hiện các ưu khuyết điểm, trước khi nhân rộng. Việc đổi mới các mô hình, nhất là về công tác cán bộ đều có sự ổn định, kế thừa và phát triển, không thể phủ nhận hết hay đốt cháy giai đoạn.

Đánh giá về công tác cán bộ của Đảng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đồng chí Hoàng Bá Hướng nhận định, trong công tác cán bộ, cái khó nhất là việc thừa hành và thực hiện, vì trước tới nay chúng ta có đầy đủ các quy định, quy chế về kiểm tra, đánh giá cán bộ nhưng các nhiệm kỳ trước chưa thực sự kiên quyết làm. Do đó, nhiệm kỳ này Trung ương quyết tâm thực hiện, vì nếu không làm thì lòng tin của đảng viên và nhân dân vào Đảng sẽ bị suy giảm.

Sau gần 5 năm, hệ thống chính trị của cả nước đã giảm: 4 đầu mối trực thuộc Trung ương; hàng trăm đầu mối trực thuộc cấp tỉnh; gần 500 đầu mối trực thuộc cấp huyện; 7 tổng cục và tương đương; 81 cục, vụ, 73 đơn vị sự nghiệp thuộc bộ, ban, ngành Trung ương; hơn 2.600 phòng và tương đương; gần 2.000 đội thuộc chi cục; hơn 4.160 đơn vị sự nghiệp công lập; hơn 2.200 đầu mối trong các đơn vị sự nghiệp công lập; gần 15.200 cấp trưởng, cấp phó.

Biên chế của cả hệ thống chính trị có xu hướng giảm liên tục 2 năm gần đây, cơ bản bảo đảm lộ trình đã đề ra. 5 năm qua, cả nước giảm được 236.039 biên chế (giảm 6,58% so với 2015). Biên chế khối đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội giảm 10,46%. Các cơ quan thuộc Chính phủ đã giảm được 6,75% biên chế công chức, giảm 3,87% biên chế viên chức; tổng số cán bộ, công chức, viên chức và hợp đồng theo Nghị định 68 đã tinh giản hơn 41.000 người. Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính, giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Cả nước đã giảm 25.109 người hoạt động không chuyên trách cấp xã (giảm 12,84% so với 2015) và 100.924 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (giảm 13,88% so với 2015). 

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế đã góp phần giảm khoảng 10.000 tỷ đồng khi bố trí ngân sách nhà nước năm 2019 cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nguồn: Ban Tổ chức Trung ương

Tin cùng chuyên mục