Nghị lực trên “đôi chân tròn”

Bầu trời quê xám xịt, thầy giáo Đặng Hoàng An ngồi trên chiếc xe lăn trao nhanh những gói mì, hộp sữa, cân đường… cho các cụ già neo đơn, hay trẻ em nghèo. Mỗi khi mưa là thầy giáo nhớ đến ngày mà bệnh viện khuyên gia đình đưa anh về nhà vì không thể cứu chữa đôi chân. Dù phải di chuyển trên “đôi chân tròn” là vòng bánh xe lăn, nhưng thầy giáo vẫn đem năng lượng tích cực đến mọi người. 
Thầy giáo Đặng Hoàng An chia sẻ với các sinh viên (Ảnh chụp trong những ngày dịch chưa bùng phát trong cộng đồng)
Thầy giáo Đặng Hoàng An chia sẻ với các sinh viên (Ảnh chụp trong những ngày dịch chưa bùng phát trong cộng đồng)

Không thể trượt dài như những giọt mưa

Giữa năm 2016, ở tuổi 26, thạc sĩ Đặng Hoàng An, ngụ huyện Cần Đước, tỉnh Long An là giảng viên trẻ của khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Công việc đang ổn định thì sau một lần té ngã, Hoàng An bị chấn thương tủy dẫn đến liệt đôi chân, dù các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã tận tình cứu chữa. Hoàng An kể lại, sau khi nhận thông báo từ bệnh viện, trên đường về quê, Hoàng An nhìn qua kính ô tô. Những hạt mưa rơi xuống, anh thầm nghĩ, rồi đời mình cũng trượt dài như những giọt nước này. Về đến nhà, chiếc xe lăn được các thầy cô khoa Tâm lý tặng, anh bỏ ở góc bếp vì không chấp nhận mình là kẻ tàn phế. 

Trong tận cùng nỗi đau, Hoàng An may mắn có cha mẹ kề cận. Suốt một thời gian, ông Đặng Văn Thành, cha của Hoàng An, cõng con đi khắp nơi để chữa bệnh nhưng không có kết quả. Đến cuối năm 2017, khi cha mẹ đang giúp Hoàng An gội đầu, cơn co giật kéo đến, anh cắn lưỡi, ngừng thở. Khi mở mắt ra, anh thấy cha đang quỳ bên mình, còn mẹ đẫm nước mắt. “Tôi cầu cho con tỉnh lại. Chỉ cần đi làm về, thấy nó nằm đó, dù phải nuôi nó đến suốt cuộc đời, tôi cũng cam lòng”, bà Điệp nhớ lại. Khi đó, khát khao sống của Hoàng An trỗi lên mạnh mẽ. “Tôi hứa sẽ không làm mẹ rơi nước mắt nữa”, anh kể. 

Anh bắt đầu lên mạng xem các chương trình truyền cảm hứng, đọc tự truyện của những nhân vật giàu nghị lực sống. Thầy giáo Đặng Hoàng An tự tham vấn cho mình: “Mình là giảng viên tâm lý, phải thích nghi tốt với mọi hoàn cảnh. Tại sao lâu nay mình quên điều này. Mình không thể trượt dài như những giọt mưa nữa”. Với suy nghĩ đó, anh bắt đầu cuộc sống mới trên chiếc xe lăn. Hàng ngày, khi cha mẹ đi làm, Hoàng An cố gắng tập di chuyển trong nhà, khi thì quét dọn vườn tược, lúc trồng rau, cho bò ăn cỏ… Mỗi ngày trôi qua, anh tìm thêm được nguồn năng lượng để vui sống. 

Mang trái tim ấm áp

Không muốn làm gánh nặng cho cha mẹ, Đặng Hoàng An chủ động kiếm thu nhập. Anh bắt đầu nghiên cứu và khởi nghiệp trồng nấm bào ngư. Rồi tận dụng kiến thức của một thạc sĩ ngành tâm lý, anh tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề, truyền cảm hứng cho sinh viên ở nhiều trường đại học, hay tư vấn cho các khán thính giả trên sóng phát thanh, đài truyền hình. Có nhiều phụ huynh, học sinh, sinh viên muốn tư vấn riêng, anh sẵn sàng hỗ trợ. “Tuy mất đôi chân, nhưng tôi vẫn có kiến thức, vẫn làm được công việc phù hợp”, Hoàng An nói.

Hoàng An đang thực hiện kênh YouTube riêng. Lấy cảm hứng từ vòng tròn bánh xe lăn, anh đặt tên cho kênh của mình là “Đôi chân tròn”. Thật khó mà tưởng tượng một YouTuber ngồi xe lăn, tay thoăn thoắt dựng clip, làm hậu kỳ…, nhưng Hoàng An đã làm được. Qua các clip truyền năng lượng tích cực trên kênh YouTube, nhiều người khâm phục nghị lực sống lạc quan, mạnh mẽ, tích cực của thầy giáo trẻ tật nguyền. 

Tuy đôi chân không còn cảm giác, nhưng trái tim của Hoàng An luôn ấm áp. Niềm hạnh phúc lớn nhất của Hoàng An hiện nay là giúp đỡ người nghèo khó, bất hạnh, khiếm khuyết cơ thể. Sau khi kêu gọi trên trang cá nhân, Hoàng An được nhiều thầy cô, bạn bè ủng hộ tinh thần lẫn vật chất. Hàng năm, vào dịp cận tết hay lễ Vu lan, Hoàng An mời các em nhỏ, người nghèo khó đến nhà nhận quà. Tuy chỉ là vài bộ đồ mới, một ít bánh mứt…, nhưng đủ làm chàng trai tốt bụng và những người khó khăn cảm thấy được yêu thương. Mùa dịch Covid-19, không thể di chuyển xa, Hoàng An nhờ cha mang nhu yếu phẩm cho những người trong khu cách ly. Vừa giúp con gửi ít rau củ, bánh trái cho chị Hai ở ấp 2, xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An trở về nhà, ông Thành quệt mồ hôi, cười tươi nói: “Thấy thằng nhỏ vui vẻ, biết giúp đỡ người khác, tôi mãn nguyện lắm!”. 

Hành trình tìm được niềm vui sống có nước mắt xen lẫn nụ cười của Hoàng An đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. “Nếu một mai bạn bị vùi lấp trong những bế tắc của cuộc đời thì hãy tin vào bản thân mình để làm sức mạnh hướng tới những điều tốt đẹp. Hãy nhìn lên để biết phấn đấu, nhìn ngang để biết đồng cảm với người khác và cũng đừng quên nhìn xuống để biết mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người”, Hoàng An mỉm cười cho biết.

Thầy giáo Đặng Hoàng An đang gấp rút hoàn thiện cuốn tự truyện Lăn qua biến cố gồm 3 chương để đưa độc giả đến với chuyến tàu ký ức của anh. Đây là hành trình giúp anh tìm được niềm vui sống để truyền nguồn năng lượng tích cực, giúp đỡ, chia sẻ với những người nghèo khó, tật nguyền.

Tin cùng chuyên mục