Nghệ thuật “tái nghèo” trên cảng biển Anh

“Quý ông quý bà ơi, hãy ném một đồng xu xuống bùn. Một vài đồng không làm quý ông quý bà khánh kiệt đâu. Chúng cháu sẽ lượm những đồng tiền ấy và gương mặt chúng cháu sẽ lấp lánh như đồng 6 xu (tiền Anh)”. 
Tượng đài về những đứa trẻ lội bùn mò tiền xu ở cảng Portsmouth
Tượng đài về những đứa trẻ lội bùn mò tiền xu ở cảng Portsmouth

Đó là điều khá ám ảnh khách du lịch khi dạo bộ ở Portsmouth, thành phố cảng biển quân sự lâu đời nằm phía Nam nước Anh. Có cảm tưởng chỉ một tầm tay là chạm tới tòa tháp Spinnaker cao nhất nước Anh, khu mua sắm Gunwharf Quay cũng bóng lên màu sầm uất dưới cái nắng hào phóng của hải cảng, nhưng một tượng đài đôi màu xám xanh nhìn ra vùng nước cạn, nơi từng là công xưởng đóng và sửa chữa tàu thời xưa, đã chạm khắc quá khứ của Portsmouth vào hiện tại.

Đó là hình ảnh bé gái ống chân ngập dưới bùn, vành môi cong lên hớn hở, một tay vén váy, một tay dâng đồng xu lên ngực một người đàn ông tay cầm ống bơ, quần cũng xắn cao trong tư thế lội bùn.

Bức điêu khắc đá bên cảng này để tưởng nhớ những thế hệ trẻ em từng mua vui cho người qua lại bằng cách mò các đồng xu khách đứng trên cây cầu nối nhà ga bến cảng với phà Gosport, ném xuống bùn. Bọn trẻ bò, trườn, thậm chí ngụp hẳn xuống bùn, trình diễn trò đứng bằng tay, cắm đầu xuống lớp sình lầy mua vui cho khách.

Nhiều gia đình dân cảng sống trong nghèo đói, nên mọi thay đổi nhỏ đều được đón nhận bằng niềm vui như thế. Thường thì bọn trẻ nhặt được những đồng xu sẽ không lao ngay ra phố mua kẹo, bánh, kem mà mang về nhà đưa cho cha mẹ, giúp đỡ tài chính cho gia đình. Tiền xu chìm xuống bùn, lẫn vào những mảnh cốc chén, kính vỡ, chính là một trò may rủi.

Những đứa trẻ mò tiền dưới bùn này còn có thêm cách kiếm vài shilling lẻ nữa, ví dụ xách túi hộ khách, tìm chỗ đậu xe cho khách. Mãi đến khoảng năm 1976, khi nhà ga xe buýt mới được xây, cảnh trẻ em mò tiền dưới bùn mới chấm dứt.

Có 2 người gốc Liverpool từng khuyên tôi: “Đến đây chỉ có 2 thứ đáng xem, bóng đá và John Lennon”. Vào Bảo tàng Beatles Story Exhibition khá đắt, vé khoảng 16,95 bảng Anh. Dân Beatlemania nghiện nhóm Tứ quái phải vào xem là đúng rồi. Nếu không quá nghiện, vẫn có thể thưởng thức Beatles và ngắm, nghe John Lennon theo nhiều cách miễn phí mà người Liverpool hào phóng tặng khách.

Bến cảng Albert Dock sẽ kém thú vị đi nhiều nếu không có 4 bức tượng Paul McCartney, Ringo Starr, George Harrison và John Lennon đang thong dong tản bộ, mặt hướng ra biển. Đường nét tượng, đặc biệt là bàn tay để hờ của Lennon, gợi chuyển động thực đến nỗi người xem chỉ muốn đặt tay mình vào lòng bàn tay đó, cùng dạo bước vào huyền thoại.

Nhưng không thể nói gặp tượng Beatles là đã thấy tất cả những gì cần xem ở cảng Liverpool. Cách tượng Tứ quái không xa là một góc phố cực kỳ tối tăm, ẩn trong màu trắng lóa mắt của Bảo tàng Liverpool. Trên khu dân cư số 26 trên phố Burlington thời Nữ hoàng Victoria, người ta tái hiện cảnh sân sinh hoạt chung tối om, khung cửa thiếu ánh sáng của những ngôi nhà giá rẻ tựa lưng vào nhau chật khít. Dây phơi trên đầu căng chiếc áo, tấm khăn trắng in dòng chữ “ẩm thấp”, “sinh hoạt công cộng”, “quá tải”, bởi sự nhồi nhét đến 62 người trong một khu sân chung nhỏ bé.

Tất cả chung một đường ống nước dùng cho ăn uống, tắm rửa, nấu nướng, lau chùi. Các nhân viên sức khỏe cộng đồng đi thăm khu nhà này đã kinh hãi vì điều kiện sinh hoạt tồi tàn, thiếu nước sạch vẫn là vấn đề kéo dài hàng thập kỷ sau đó.

Bảo tàng tái hiện cả thùng rác có cảnh kiến bò; một cánh cửa nhà vệ sinh công cộng trông đầy bí hiểm, vừa chạm tay vào núm cửa, một tiếng thét vọng ra: “Đã có người. Chờ”, thế là hiểu ra chỉ có 2 nhà vệ sinh cho 62 người sống trong khu dân cư.

Hiện tại, một bộ phận người nhập cư rất giàu của thế giới đổ vào Anh, góp phần làm cho kinh tế và hình ảnh xứ sở sương mù trở nên phồn thịnh. Nhưng thực tế, nhiều dân thường vẫn hàng ngày sống trong các căn nhà nhỏ chật, vẫn 2 vòi nước nóng - lạnh riêng, vẫn dùng bếp điện, bếp gas chứ chưa chuyển sang bếp từ...

Thế là lại thêm một lần thấm và ngấm giá trị của nghệ thuật tương phản. Sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, quá khứ và hiện tại vẫn là nguồn cảm hứng bất tận để khám phá và bồi đắp cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục